Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

6 bẫy tiền bạc những người ở độ tuổi 30 dễ sa lầy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thu nhập cao hơn, công việc thuận lợi hơn nhưng bạn chưa chắc đã thành công về tài chính nếu vướng phải những chiếc bẫy này.

Sau khi đi qua tuổi 20, tuổi 30 có thể đóng vai trò như thời điểm để bạn hình thành các thói quen lành mạnh về tài chính và dự tính cho tương lai. Đây là giai đoạn bạn kiếm được nhiều tiền hơn, có khả năng nắm bắt nhiều cơ hội hơn nhưng cũng dễ rơi vào các bẫy tài chính khó lường.

Dưới đây là đúc kết của nhà đầu tư, đồng thời là tác giả hai cuốn sách bán chạy về tài chính Phil Town về những thói quen tiền bạc bạn cần tránh nếu không muốn phải hối hận suốt đời: 

Mua xe để gây ấn tượng với người khác

Phil Town thừa nhận, bản thân ông cũng từng rơi vào chiếc bẫy này. Khi kiếm được khoản tiền lớn, ông có thôi thúc phải mua một chiếc ôtô siêu sang của Anh. Nhưng sự vui sướng và cảm giác hãnh diện khi sở hữu xe, được mọi người trầm trồ chỉ kéo dài 2 tuần. Sau đó, ông nhận ra việc giữ gìn xe khiến mình mệt mỏi, còn xung quanh chẳng ai còn quan tâm tới chiếc xe bóng bẩy đó nữa.

Đừng mua xe để gây ấn tượng với người khác. Đây có thể là khoản lớn khiến bạn bị mắc kẹt. Những chiếc xe mới xuất xưởng sẽ giảm ngay 30% giá trị trong năm đầu và nửa giá trong 3 năm sau, dù nó vẫn chạy tốt. Vì vậy, hãy thông minh và tỉnh táo khi lựa chọn xe. Và hãy nhớ, không ai thực sự quan tâm tới chiếc xe bạn lái đâu. Có thể mua chiếc xe vừa giá, xe cũ nhưng còn tốt và khoản tiền để ra, bạn có thể dùng vào đầu tư để thu lợi ích lâu dài. 

Ảnh: Yahoo.

Ảnh: Yahoo.

Mua nhà quá tầm tay

Sở hữu một ngôi nhà có tiềm năng tăng giá trị là một khoản chi xứng đáng. Tuy nhiên, hãy lựa chọn căn vừa túi tiền. Mua nhà quá đắt so với khả năng, tới nỗi không còn khoản nào cho quỹ khẩn cấp, áp lực trả nợ lớn, có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, công việc, hôn nhân… của bạn. 

Để lựa chọn được ngôi nhà tốt mà không vắt kiệt nguồn lực tài chính, hãy để ý thị trường tại địa phương, chọn căn có giá cả vừa phải nằm trong ngân sách dự tính. Đừng quên trả giá khi mua và xem xét những nơi chủ nhà đang cần bán gấp, có thể hạ giá hơn bình thường. Cũng có thể tìm nhà ở những vùng rìa khu đang phát triển tốt. Chỉ vài năm sau, khu đó sẽ có tiềm năng lớn.

Chi quá nhiều vào việc ăn hàng

Khi thu nhập tốt lên, chúng ta dễ rơi vào cái bẫy này. Bạn có thể sốc nếu thoải mái ăn hàng và tính lại tổng số tiền khoản này vào cuối tháng.

Ai cũng muốn đời sống tinh thần được nâng cao khi vật chất đầy đủ hơn. Đến nhà hàng sang ăn uống, được phục vụ lịch sự cũng là một nhu cầu chính đáng. Nhưng hãy để ra một khoản ngân sách cho mục này. Thay vì cứ hứng lên thì rủ bạn bè, người nhà đi ăn ngoài, hãy có kế hoạch, một tháng 2 lần hay tuần một lần, lựa chọn trước chỗ tới, chi trong một khoản nhất định. "Một số bạn bè của tôi để riêng khoản tiền cho việc ăn hàng trong một tháng vào phong bì hay tài khoản riêng. Đến khi dùng hết số này, họ sẽ chỉ ở nhà", Phil Town chia sẻ.

Có vợ/chồng vung tay quá trán

Dù bạn quản lý tài chính giỏi cỡ nào mà bạn đời có thói quen tiêu xài bạt mạng thì ngân sách gia đình cũng khó ổn định. Thất bại trong việc giao tiếp với nhau để thống nhất cách chi xài, tiết kiệm, hướng tới mục tiêu tương lai… sẽ ảnh hưởng tới hôn nhân lẫn sự thành công về tiền bạc.

Nếu bạn mới đang hẹn hò hoặc chuẩn bị cưới, hãy chú ý thật kỹ điều này. Người ta dễ phung phí tiền vào quà tặng, những chuyến đi chơi, đi ăn xa xỉ để gây ấn tượng với "nửa kia". Nhưng sẽ thế nào khi lấy về và bạn lập tức thay đổi cách tiêu xài hoặc vợ/chồng mình vẫn giữ thói quen thích gì hưởng nấy? Hãy sống đúng với lối sống bạn muốn, chọn đúng người chấp nhận và hài lòng về cách sống đó. 

Chi trả quá nhiều cho các hoá đơn thẻ tín dụng

Thời nay, ai cũng có thể mở một chiếc thẻ tín dụng dù thu nhập chưa cao. Kiểu tiêu trước trả sau khiến nhiều người quẹt thẻ vô tội vạ khi không kiểm soát được những cơn bốc đồng của bản thân. Nhưng hãy nhớ, nợ thẻ tín dụng có lãi suất rất cao, và số tiền này, nếu bạn đem vào đầu tư thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thế nào.

Mỗi lần tiêu tiền trong thẻ tín dụng và không kịp trả đúng hẹn, bạn lại lún sâu thêm vào nợ nần. Đây là trò chơi nguy hiểm mà bạn không nên chơi. Hãy giữ một ngân sách cố định cho khoản tiêu xài qua thẻ, luôn kỷ luật với bản thân, không cần mở thêm các thẻ tín dụng mới chỉ để nhận những phần thưởng không đáng.

Không đầu tư

Càng đầu tư sớm, bạn càng tích luỹ được nhiều và nhanh chạm tới mục tiêu tự do tài chính. Hãy lên kế hoạch cụ thể về số tiền mình cần để được thảnh thơi. Cần cân bằng giữa việc chi cho các khoản cần thiết, thanh toán dần nợ nần và để riêng ra một khoản có khả năng sinh lời. 

Thời gian trôi rất nhanh và cuộc sống biến động không ngừng. Nếu không muốn bị bỏ lỡ các cơ hội, cách ngày càng xa mục tiêu, hãy bắt đầu ngay. Ít nhất, hãy để ra 10% thu nhập, dùng khoản này đầu tư đều đặn và bạn sẽ hưởng lợi lâu dài.

Bảo Ngọc/Vnexpress

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)