Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

6 bệnh cùng bùng phát tại TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

6 loại bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, rubella, viêm màng não, tiêu chảy cùng lúc tăng mạnh tại TPHCM. Riêng số trẻ mắc thủy đậu điều trị tại BV Nhi đồng 1 đã tăng 30% so với cùng thời điểm tháng trước.

Trong 2 tuần qua, thống kê của BV Nhi Đồng 1 cho thấy, số bệnh nhi đến khám tại Khoa Khám bệnh được chẩn đoán bị thủy đậu đã lên đến 225 cháu.
 
Bệnh nhi mắc thủy đậu nằm điều trị tại khoa truyền nhiễm BV Nhi Đồng 1.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, thủy đậu đã chính thức vào mùa. Đây là bệnh có khả năng lây rất cao do virus Varicella Zoster gây nên. Khả năng lây truyền virus gây bệnh rất cao (80-90%) khi tiếp xúc. Những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, xí nghiệp… là môi trường rất dễ bùng phát thành dịch.
Hiện dịch sởi, rubella chưa được khống chế, thậm chí đã lan rộng ra 23 quận, huyện với 2/3 số ca mắc bệnh là trẻ em.
 
Các bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhi tại phòng cấp cứu bệnh sốt xuất huyết. 
Khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 hiện tiếp nhận mỗi ngày từ 90 – 110 ca mắc bệnh, trong đó bệnh nhân cư ngụ tại TPHCM chiếm 70%. 
Tại BV Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, số ca mắc tiêu chảy cũng đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, tại 2 bệnh viện này, bệnh nhân đa phần từ các tỉnh lân cận. 
Ngoài bệnh tiêu hóa, BV Nhi đồng 2 đang tiếp nhận điều trị 9 ca mắc viêm màng não, trong đó 8 ca bị viêm màng não mủ, tăng từ 2- 3 ca so với các tuần trước. Hiện có 2 cháu đang được cấp cứu tích cực do biến chứng thần kinh, một cháu có biểu hiện lao não được chuyển sang BV Lao phổi Phạm Ngọc Thạch để theo dõi và điều trị. 
Nhận biết các loại bệnh    
Viêm màng não 
Là căn bệnh khá phổ biến và nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Theo BS Khanh, viêm màng não thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi (đặc biệt dưới 3 tháng tuổi) khó nhận biết biểu hiện. Thường thì trẻ sốt nhẹ, bỏ bú, người lạnh, thóp phồng, nặng hơn là co giật. 
Đối với trẻ lớn hơn, những biểu hiện của bệnh dễ nhận biết như nóng sốt, nhức đầu, nôn ói, nặng thì co giật, hôn mê, yếu chân tay. 
Cũng theo BS Khanh, khi trẻ phát bệnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chậm nhất 48 tiếng, nếu điều trị kịp thời sẽ có nhiều khả năng phục hồi sức khỏe bình thường. Nhưng muộn hơn, khi trẻ đã hôn mê, co giật thì chắc chắn để lại di chứng rất nặng nề. 
Tiêu chảy cấp  
Dấu hiệu nhận biết là trẻ thường bị sốt cao đột ngột (từ 39-40 độ C), gây co giật nếu không phát hiện và xử trí kịp thời. Trẻ từ chối ăn các thức ăn thông thường, uống nhiều nước, tiểu ít; có thể có kèm theo các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như ho, chảy mũi, khám thấy họng viêm cấp, phát ban. Nên cho trẻ uống nhiều nước, có thể dùng nước cháo muối, nước gạo rang, nước oresol. Theo dõi sát tình trạng mất nước của trẻ, nếu không đỡ phải đưa trẻ đến trung tâm y tế, bệnh viện để theo dõi và điều trị ngay. 
Bệnh thủy đậu 
Là một loại bệnh lây nhiễm do vi rút Varicella Zoster gây ra. Người mắc thủy đậu trong thời gian đầu thường cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng (trẻ nhỏ thì quấy khóc). Trên thân thể người bệnh quãng thời gian này chỉ xuất hiện một vài nốt ban đỏ, mẩn sần trên da.   
Khoảng 24 tiếng, chính những nốt ban sần này sẽ tiến triển thành các vết phỏng đỏ, mọng nước, đường kính từ 1 – 3mm và lan toàn thân nhanh chóng. Vết phỏng đỏ sẽ vỡ ra và đóng vẩy khô sau 8 -10 tiếng (tính từ thời điểm các nốt ban chuyển thành vết phỏng đỏ). Khi vệ sinh cá nhân được giữ gìn sạch sẽ cũng như sử dụng đúng đơn thuốc do bác sĩ kê, bệnh sẽ khỏi.  
Trung Kiên (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)