Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

6 cách để hạnh phúc hơn ở nơi làm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Quãng thời gian ở công sở chiếm 1/3 mỗi ngày của mọi người, nên sẽ rất tệ nếu bạn thường xuyên có cảm giác không vui trong khoảng thời gian đó.

Đương nhiên, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu tìm được một công việc yêu thích, với những người đồng nghiệp đáng mến và một vị sếp giỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có được may mắn như vậy. Dưới đây là 6 cách mà bạn có thể chưa nghĩ tới để cải thiện mức độ vui vẻ của bạn trong môi trường công sở:

1. Không để tâm lý bất mãn cháy âm ỉ

Nhiều người thường cảm thấy bất mãn với những kỳ vọng mà họ cho là đồng nghiệp hoặc cấp trên có ở họ. Nhưng trên thực tế, chính những kỳ vọng này xuất phát từ bên trong họ. Chẳng hạn bạn có thể cảm thấy bất mãn khi sếp thường xuyên gửi email cho bạn vào tối muộn, khiến bạn có cảm giác như bạn phải trả lời email công việc khi đang ở nhà. Nhưng nếu bạn nói chuyện thẳng thắn với sếp, bạn có thể phát hiện ra rằng, sếp không hề kỳ vọng bạn phải trả lời email đó ngay lập tức, chẳng qua chỉ vì sếp thích làm việc khi văn phòng yên tĩnh và vắng người.
Nếu có một điều gì đó khiến bạn cảm thấy phiền toái, đừng âm thầm chịu đựng trong im lặng mà hãy lên tiếng. Cho dù là gì đi chăng nữa, vấn đề đó cũng nên được đem ra trao đổi. Hãy đảm bảo những phỏng đoán của bạn là chính xác trước khi bạn để bản thân cảm thấy bất mãn hay bị làm phiền.
2. Đừng xem nhầm lẫn là ác ý
Chẳng hạn, nếu một đồng nghiệp thường xuyên phớt lờ email của bạn, bạn có thể cảm thấy bực dọc vì cho rằng anh/cô ấy thiếu tôn trọng mình. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp cận người đồng nghiệp đó với sự bực dọc, cuộc nói chuyện sẽ mang tính chất thù địch đối đầu. Bạn hoàn toàn có thể đạt kết quả tốt hơn nếu tiếp cận anh/cô ấy bằng phỏng đoán rằng đã có một nhầm lẫn nào đó xảy ra, chẳng hạn như những bức email mà bạn gửi bị lọt vào mục spam trong hộp thư của anh/cô ấy do một vài lỗi kỹ thuật. Cho dù đó thực sự là lỗi của anh/cô ấy, việc bắt đầu nói chuyện bằng cách không đổ lỗi cho họ sẽ giúp cho cuộc trao đổi diễn ra dễ dàng hơn.
3. Không nhảy vào các vụ đấu đá của người khác
Nhiều lúc, bạn cảm thấy rất muốn tham gia vào những cuộc đấu đá của những người đồng nghiệp ở công sở để giúp họ giải tỏa những uất ức. Tuy nhiên, rốt cục bạn có thể sẽ phải chịu thêm những gánh nặng về cảm xúc từ những cuộc chiến không phải là của bạn. Ví dụ, nếu anh A ghét sếp và luôn phàn nàn về sếp, sẽ đến lúc bạn cũng cảm thấy không thích sếp, cho dù trước đó mối quan hệ giữa bạn và sếp hoàn toàn ổn. Điều này sẽ khiến bạn đưa ra cho bản thân những quyết định tồi, chẳng hạn khiến bạn cảm thấy không vui với công việc hoặc vị sếp mà lẽ ra bạn yêu thích, thậm chí khiến bạn bỏ việc.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn không cần phải thông cảm với những vấn đề của đồng nghiệp hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề nghiêm trọng ở công sở. Tuy nhiên, với những lời phàn nàn lặp đi lặp lại, hãy ghi nhớ rằng bạn không thể biết hết toàn bộ câu chuyện và tốt hơn hết hãy đứng ngoài câu chuyện đó.
4. Sử dụng các chế độ đãi ngộ
Khi nói tới các chế độ đãi ngộ của công ty, bạn thường nghĩ tới bảo hiểm y tế, bảo hiểm lương hưu và thời gian nghỉ phép. Tuy nhiên, nhiều công ty áp dụng rất nhiều chế độ đãi ngộ khác cho nhân viên, như các chương trình hỗ trợ đào tạo, chăm sóc y tế cho vợ chồng, con cái của nhân viên, thẻ mua sắm giảm giá… Nhiều người thậm chí không nhận ra mình được hưởng những chế độ này, chưa nói gì tới sử dụng các chế độ đó. Mặc dù vậy, đây là một phần trong gói thù lao của bạn và bạn nên sử dụng nếu các chế độ đó giúp cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn.
5. Cảm ơn mọi người
Nếu một ai đó khiến cho cuộc sống của bạn ở công sở trở nên dễ dàng hơn, giúp kết nối bạn với một nhân vật hữu ích, hoặc đơn giản chỉ là một người mà bạn thấy thoải mái khi tương tác cùng, hãy nói với họ điều đó. Việc đánh giá cao một cách cởi mở các đồng nghiệp có thể tăng cường sự gắn kết cho các mối quan hệ của bạn trong môi trường công sở, cải thiện cách mọi người nhìn nhận bạn, và cho thấy bạn là người biết trân trọng nơi bạn làm việc cũng như những người mà bạn làm việc cùng.
6. Biết rõ mình cần gì
Gần như tất cả mọi người đều gặp phải những chuyện không hài lòng trong công việc, dù ít dù nhiều. Nhưng trước khi trở nên tập trung quá nhiều tâm trí vào những chuyện đó, bạn nên xác định rõ vấn đề quan trọng nhất đối với bạn là gì: điều gì có ý nghĩa nhất đối với bạn và những sự đánh đổi nào mà bạn sẵn sàng và không sẵn sàng thực hiện.
Chẳng hạn, có thể bạn không ưa sếp, nhưng cơ quan này lại ở gần nhà bạn. Vì thế, bạn sẵn sàng giữa công việc hiện tại, cho dù không thực sự thoải mái với sếp. Hoặc bạn sẵn sàng chấp nhận một mức lương hơi thấp để được làm công việc mà bạn yêu thích, hay ngược lại, chịu làm một công việc không mấy thú vị để được hưởng mức lương cao. Làm rõ những vấn đề quan trọng nhất đối với bạn sẽ giúp bạn tập trung vào những vấn đề đó, giúp bạn tránh khỏi tình trạng bị phân tâm bởi những vấn đề không thực sự có nhiều ý nghĩa.
Theo Phương Anh
Dân trí

Bình luận (0)