Trong mùa hè nóng nực, cứ hoạt động là mồ hôi nhễ nhại, luyện tập thể dục thể thao trong mùa hè phải chú ý mấy điểm sau đây.
Không nên luyện tập dưới trời nắng chói chang
Trước và sau buổi trưa là lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày. Ngoài đi bơi ra, không nên rèn luyện vào buổi trưa để tránh bị say nắng.
Tia tử ngoại có trong ánh nắng mùa hè thường rất mạnh, nếu phơi nắng trong thời gian dài da sẽ bị cháy nắng. Tia tử ngoại còn có thể xuyên qua da và xương, gây tổn hại đến não, võng mạc và con ngươi mắt.
Không nên luyện tập trong thời gian quá dài
Mỗi lần luyện tập khoảng 20-30 phút là tốt nhất, để tránh ra quá nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể tăng lên quá cao, dễ bị say nắng. Mỗi lần luyện tập trong thời gian dài thì giữa giờ nên nghỉ 1 – 2 lần.
Trong khi luyện tập không nên uống quá nhiều nước
Tập luyện trong mùa hè ra nhiều mồ hôi, nếu lúc này mà uống nhiều nước sẽ tăng thêm gánh nặng cho hệ thống tuần hoàn máu, hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là tim.
Đồng thời, uống nhiều nước sẽ càng ra nhiều mồ hôi, làm cơ thể mất nhiều muối, dẫn đến những triệu chứng co giật, chuột rút…
Sau khi luyện tập không nên tắm nước lạnh ngay
Bởi vì tập luyện trong mùa hè, nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên rất nhanh, mao mạch dưới da sẽ giãn ra để giúp cho cơ thể tỏa nhiệt.
Đột nhiên gặp nước lạnh, khiến cho các lỗ chân lông co lại rất nhanh nên dễ gây rối loạn các nội tạng trong cơ thể, sự điều tiết nhiệt độ trong cơ thể của não bộ không bình thường, dẫn đến bị ốm.
Sau khi luyện tập không nên ăn, uống những thứ để trong tủ lạnh
Luyện tập khiến cho một lượng máu lớn dẫn đến các cơ bắp và dưới da, còn hệ thống tiêu hóa thì lại ở trong trạng thái thiếu máu.
Ăn nhiều đồ ướp lạnh không những hạ thấp nhiệt độ trong dạ dày, mà cũng làm loãng dịch trong dạ dày, nếu nhẹ thì bị đầy bụng, nặng thì dẫn đến viêm dạ dày cấp tính.
Sau khi ra mồ hôi không thay áo
Luyện tập trong mùa hè nhất định là ra nhiều mồ hôi, áo hầu như là ướt đẫm mồ hôi.
Có một số người cho là mình khỏe mạnh không cần phải thay áo, mặc một lúc là khô, như vậy rất dễ bị viêm khớp hoặc thấp khớp.
DS. Kim Chung
Theo Sức khỏe&Đời sống
Theo Sức khỏe&Đời sống
Bình luận (0)