Ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) dự báo 6 nhóm ngành sẽ phát triển mạnh và đang bổ sung nguồn nhân lực cho sự thiếu hụt của thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19 cũng như cho thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh nhân lực toàn cầu.
Sinh viên được đại diện doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng mới đây
Trong bối cảnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, để thành công bắt buộc các bạn trẻ cần phát triển để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, bước vào cạnh tranh với chính các… thầy cô, người lao động và bạn bè năm châu.
Thị trường cần nhân lực chất lượng cao
Ông Tuấn nhận định, thị trường lao động sắp tới là thị trường của công nghệ số, của nhân lực chất lượng cao. Đặc trưng của thị trường lao động thời kỳ này là lao động tự do di chuyển, hội nhập toàn cầu. Thời đại công nghiệp 4.0 đã gắn kết, đan xen vào nhiều ngành nghề để mở rộng thị trường lao động, mở rộng các ngành nghề. Đặc biệt, trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh của các em không phải chỉ là cạnh tranh của bằng cấp; mà để thành công bắt buộc các bạn trẻ cần phát triển để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, bước vào cạnh tranh với chính các… thầy cô, người lao động và bạn bè năm châu.
Muốn tham gia vào hàng ngũ nhân lực chất lượng cao, các em cũng cần tiếp tục học tập và đạt một trình độ nhất định. “Các em cần có trong tay nghề nghiệp bởi vì các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang tiếp tục tuyển dụng và đang bổ sung nhiều nguồn lực để chọn những người có đức có tài; các cơ quan doanh nghiệp phải tiếp tục thành lập và bổ sung cho sự phát triển sau đại dịch Covid-19, cho sự cạnh tranh mới của toàn cầu. Đồng thời, chúng ta vẫn phải bổ sung nhân lực cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có TP.HCM. Và chúng ta phải tiếp tục phát triển những chương trình xuất khẩu lao động, trong đó có lao động trình độ cao; mở rộng di chuyển lao động trong khối ASEAN… Những điều này chính là câu chuyện của những người có trình độ ĐH, CĐ” – ông Tuấn nói.
Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật trong một giờ thực hành, đây là lĩnh vực đang “khát” nhân lực
Theo ông Tuấn, không có chuyện cào bằng trong thị trường lao động. Sinh viên có trình độ ĐH không thể thất nghiệp lâu dài, mà chỉ có những người không tìm được việc làm tương thích, công việc không xứng đáng với bằng cấp mà mình đã học. Vấn đề đặt ra là các em cần lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp, rồi nỗ lực học tập, quyết liệt hành động, trải nghiệm. Chỉ như vậy mới có khả năng thành công, còn chỉ học để có bằng cấp, hoặc chọn “an nhàn” thì có thể chỉ đạt thành tựu nhỏ bé.
6 nhóm ngành cần nhân lực trong năm 2023
Ông Tuấn dự báo 6 nhóm ngành sẽ phát triển mạnh trong thời kỳ hậu Covid-19, cách mạng công nghiệp 4.0 và đang bổ sung nguồn nhân lực. Thứ nhất là nhóm ngành thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật và kể cả lĩnh vực khoa học tự nhiên. Đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 35% tỷ trọng nguồn nhân lực đang thiếu hụt của cả nước. Trong đó, có cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ kỹ thuật ô tô, điện – điện tử, kỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ xây dựng vật liệu, công nghệ môi trường.
“Trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh của các em không phải chỉ là cạnh tranh của bằng cấp; mà để thành công bắt buộc các bạn trẻ cần phát triển để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, bước vào cạnh tranh với chính các… thầy cô, người lao động và bạn bè năm châu”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM). |
Thứ hai là nhóm ngành công nghệ thông tin nhưng để dễ có việc làm, các em cần đi vào chuyên sâu hơn ở những chuyên ngành như: An toàn thông tin, bảo mật mạng, lập trình, trí tuệ nhân tạo… Thứ ba là nhóm ngành quản trị kinh doanh, tài chính, hành chính pháp luật. Đây là nhóm ngành đang có sự chuyển động cực nhanh, cực mạnh gắn liền với công nghệ số. Thứ tư là nhóm ngành khoa học xã hội, trong đó, cần bổ sung nhanh nguồn nhân lực về nhà hàng khách sạn, ẩm thực, sư phạm, luật, ngôn ngữ, tâm lý chuyên ngành.
Thứ năm là nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, trong đó có điều dưỡng, y dược, nghiên cứu tế bào gốc, dịch vụ làm đẹp… Thứ sáu là nhóm ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp, khoa học cây trồng, chăn nuôi thú y, công nghệ thủy hải sản, công nghệ sinh học, hóa dược…
Ông Tuấn một lần nữa khuyên các bạn trẻ, cần nỗ lực lựa chọn ngành học, cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để có được công việc như mong đợi vì tốt nghiệp ĐH thời nay, các em có cơ hội việc làm ở nhiều ngành nghề chứ không bó hẹp ở đơn ngành như ngày xưa.
Thục Trân
Bình luận (0)