Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

6 xu hướng nghề nghiệp – 6 chiến lược tìm việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

“Hãy làm công việc thực sự thuộc về mình, và hãy sống một cuộc sống có thể mang lại tương lai cho mình”. Đó là lời nhắn gửi của GS. Kim Rando (ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) dành cho các bạn trẻ Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thị trường lao động.

GS. Kim Rando cho biết có 6 xu hướng nghề nghiệp mới và tương ứng là 6 giải pháp phát triển bản thân để đáp ứng 6 xu hướng đó.

6 xu hướng nghề nghiệp mới

Theo GS. Kim Rando, 6 xu hướng nghề nghiệp mới bao gồm: Xu hướng từ cổ cồn trắng (làm công ăn lương) chuyển sang cổ cồn nâu. Nhưng sự cạnh tranh trong môi trường công sở ngày càng khốc liệt hơn, vì vậy xuất hiện một xu hướng mới là cổ cồn nâu, xuất phát từ công việc lao động chân tay, nhưng vẫn mang tính tư duy, sáng tạo ở trong đó. Tại Anh, có cả một trường để đào tạo nghề quản gia, đây là nghề phục vụ đòi hỏi có những chuyên môn nhất định. Những  người tốt nghiệp trường này sẽ xin việc ở các khu vực Trung Đông, các khu vực có nhiều người giàu với thu nhập 100-200 ngàn USD/năm.

Theo quan niệm truyền thống, đây là nghề nghiệp bị đánh giá là khá thấp hèn trong xã hội nhưng thực tế nó cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao như nhiều ngành nghề khác và có thu nhập khá tốt. “Tôi cho rằng công việc của bạn là gì không quan trọng, quan trọng là bạn kiếm được nó như thế nào và nó có phù hợp với bạn hay không”, GS. Kim Rando nói.

Sinh viên tìm việc làm tại một ngày hội việc làm tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Xu hướng thứ 2 là xu hướng xê dịch trong công việc: Những người không bó buộc ở một cơ quan nhất định, mà có thể di chuyển tự do, tận dụng khoa học kỹ thuật để phát huy chuyên môn của mình.

Xu hướng thứ 3 là làm các công việc liên quan đến xã hội. Bình thường theo quan điểm của mọi người chúng ta đi làm để kiếm tiền phục vụ các nhu cầu của bản thân. Nhưng hiện nay có nhiều người làm việc không chỉ cho lợi ích bản thân mà cả lợi ích của cộng đồng xã hội.

Khi được làm công việc mà bản thân yêu thích nghĩa là người đó đang củng cố sức cạnh tranh cho mình. Và khi có sức cạnh tranh của riêng mình thì những khoản tiền lớn cũng tự động rơi vào túi.

Xu hướng thứ 4 là làm những công việc khiến mình thật vui vẻ, cống hiến hết sức trong một thời gian ngắn nhất và dành thời gian còn lại cho bản thân, gia đình. Hàng ngàn công việc tại L’oreal, Google, Smule chính là những ví dụ điển hình. Sự thành công của các họa sĩ, kiến trúc sư, nhà văn… cũng là những ví dụ tiêu biểu.

Xu hướng thứ 5 là quay trở về địa phương. Không chỉ ở Hàn Quốc mà ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay các bạn trẻ đều có xu hướng đổ xô về các thành phố lớn để kiếm tìm việc làm, khiến tình trạng cạnh tranh diễn ra khốc liệt. Vì vậy, hiện tại đã xuất hiện xu hướng nhiều bạn trẻ quay trở về quê hương, tiếp tục thực hiện các công việc truyền thống của làng nghề hoặc dựa trên các đặc sản của địa phương để khởi nghiệp theo một cách làm hoàn toàn mới với những kiến thức họ đã học được trên giảng đường và đã gặt hái thành công.

Xu hướng thứ 6 là khởi nghiệp kinh doanh nhỏ.

6 chiến lược tìm kiếm công việc cho bản thân

Để thích ứng với 6 xu hướng công việc này, người lao động cần có 6 chiến lược để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân. Theo GS. Kim Rando, 6 chiến lược đó là thay đổi sự lệnh pha trong mô hình việc tìm người, người tìm việc. Người trẻ không nên chỉ để ý đến quy mô, danh tiếng của công ty mình muốn đầu quân mà phải xem xét công ty đó như thế nào, văn hóa doanh nghiệp ra sao, cơ hội phát triển bản thân như thế nào. “Nếu chỉ “sống chết” muốn được tuyển dụng vào một doanh nghiệp lớn nào đó, bạn sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội tốt của mình”, GS. Kim Rando nhấn mạnh. Thêm vào đó, nếu thực sự quan tâm, hãy tìm việc qua mạng xã hội, nơi người trẻ sẽ chiến thắng nhờ ý tưởng, khả năng sáng tạo của mình thay vì bằng cấp. Chiến lược thứ 2 là hãy chú trọng xây dựng thương hiệu của bản thân và khi có một thương hiệu tốt, công việc sẽ tự tìm đến hoặc sẽ giúp người trẻ chiến thắng được đối thủ. Chiến lược thứ 3 là đừng bao giờ ngừng học hỏi. Vượt qua biên giới, nắm bắt việc làm là chiến lược thứ 4 được GS. Kim Rando đề cập tới. Theo ông, mặc dù thay đổi môi trường sống và làm việc là lựa chọn đầy mạo hiểm, nhưng không mạo hiểm thì không có cơ hội. Chiến lược thứ 5 là thay vì lo lắng làm sao để có thể tồn tại, hơn hết, cần phải biết mơ ước về hướng đi trong tương lai và dũng cảm đối đầu với thử thách. Cuối cùng, đừng làm việc vì tiền, hãy làm việc vì hạnh phúc của chính mình. Thay vì giúp trưởng thành hơn, làm việc chỉ vì tiền rất có thể chỉ là hành động tiêu tốn thời gian của người trẻ.

GS. Kim Rando cũng trích dẫn câu nói nổi tiếng của Steve: “Đừng làm việc vì tiền bạc. Hãy làm một việc gì đó mà bạn có thể tự hào rằng ngày hôm nay mình đã làm được những điều tuyệt vời có thể thay đổi thế giới”.

Nghiêm Huê

Vài nét về GS. Kim Rando

GS. Kim Rando là một chuyên gia tư vấn về nhân sự cho nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong số đó có nhiều tập đoàn đã đến Việt Nam đầu tư như Samsung, Lotte, Aeon. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Tuổi trẻ – Khát vọng và nỗi đau bán được hơn 2 triệu cuốn tại Hàn Quốc (tái bản tới 800 lần) và cuốn Tương lai của nghề nghiệp của tôi đang làm mưa làm gió trên thị trường.

 

Bình luận (0)