Bến đò B (Cửa Tùng) cửa tử nay đã tấp nập thuyền bè của ngư dân vươn khơi
|
Cách nay tròn 60 năm (ngày 20-7-1954), Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, vỹ tuyến 17 tại dòng sông Bến Hải (Quảng Trị) được phân chia làm giới tuyến quân sự tạm thời, chia cắt hai miền Nam – Bắc. Giờ đây, cuộc sống người dân đôi bờ vỹ tuyến đã có nhiều đổi thay nhưng kí ức về những năm tháng đấu tranh máu lửa vẫn còn nguyên trong trí nhớ những người lính công an tham gia bảo vệ vùng giới tuyến này…
Quá khứ bi hùng
Ở vào cái tuổi thất thập, ông Nguyễn Anh Thạc, nguyên Chỉ huy Đồn Công an vũ trang Hiền Lương, vẫn giữ được phong thái tinh anh của người công an giới tuyến năm xưa. Ông Thạc bắt đầu câu chuyện về những năm tháng bi hùng bằng chất giọng trầm ấm ẩn chứa sự mềm dẻo nhưng đầy quyết đoán: “Tháng 8-1954, tôi lúc đó đang là trinh sát của bộ đội địa phương huyện Cam Lộ thì được lệnh cùng với 100 cán bộ, chiến sĩ ra Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ mới. Tôi được phân công làm Tổ trưởng Tổ công an vũ trang tiếp nhận bàn giao Đồn Cửa Tùng và Đồn Hiền Lương theo tinh thần hiệp định đình chiến của hai bên. Ngày 25-8-1954, tôi cùng một quan hai Pháp tiến hành ký biên bản bàn giao và tiếp nhận Đồn Hiền Lương. Từ đó, tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy Đồn Công an vũ trang Hiền Lương cho đến tháng 7-1955. Ngày ấy, Đồn Hiền Lương được chia làm hai trạm, trạm Hiền Lương và trạm Cầu Trìa. Với quân số ban đầu chỉ có 9 người, nhưng anh em đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Những năm tháng đóng quân bên bờ giới tuyến, ông Thạc cùng đồng đội đấu tranh buộc phía địch thi hành các điều khoản của hiệp định; theo dõi, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tình báo của địch, đồng thời tổ chức cho bà con đôi bờ qua lại thăm nhau. “Mỗi ngày, chứng kiến cảnh gặp gỡ đầy xúc động của bà con đôi bờ, những người làm nhiệm vụ như chúng tôi thấy ấm lòng lắm”, ông Thạc nói.
“Mỗi lần về lại Hiền Lương, tôi như thấy mình đang cùng anh em bảo vệ tuyến lửa này, những cuộc đấu trí quyết liệt. 60 năm đã trôi qua như cái chớp mắt, đó là thời kỳ gian khổ nhưng tự hào”, ông Nguyễn Anh Thạc nói. |
Năm 1955, Mỹ ngang nhiên tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vỹ tuyến 17”, đơn phương phá hoại Hiệp định Genève. Phía Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Mỹ – ngụy tổ chức càn quét dân làng, đốt chợ, đưa cảnh sát dã chiến ra phía Nam sông Bến Hải thực hiện chính sách “ngăn sông, cấm chợ” không cho nhân dân đôi bờ Nam – Bắc thăm hỏi nhau nhằm chia cắt tình thân và làm “yếu” đi lực lượng đấu tranh. Trước tình hình căng thẳng đó, lực lượng vũ trang của ta đã được tăng cường thành trung đội có 30 người, tiếp tục cuộc đấu tranh trực diện đầy cam go, phức tạp với kẻ thù. Ông Thạc bảo: “Cuộc đời tôi với 30 năm khoác áo lính thì đến hơn 20 năm gắn bó với lực lượng công an vũ trang. Kỷ niệm khó quên nhất của đời lính có lẽ là những ngày công tác ở Đồn Công an Hiền Lương. Anh em ngày ấy bây giờ phần lớn đã khuất núi, có người hy sinh khi chưa được chứng kiến giây phút sum họp đôi bờ. Mỗi lần về lại Hiền Lương, tôi như thấy mình đang cùng anh em bảo vệ tuyến lửa này, những cuộc đấu trí quyết liệt. 60 năm đã trôi qua như cái chớp mắt, đó là thời kỳ gian khổ nhưng tự hào”, ông Thạc bày tỏ.
Đổi thay vùng đất lửa
Ông Đinh Như Quang với bức ảnh chụp cầu Hiền Lương những năm đất nước còn chia cắt
|
60 năm sau ngày đất nước bị chia đôi, người dân đôi bờ Hiền Lương -Bến Hải vẫn không quên câu ca: “Cách một dòng sông mà đó thương, đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Ông Đinh Như Quang (71 tuổi) – một người từng vào sinh ra tử ở vùng đất này – tâm tư: “Ngày đó ác liệt lắm, nhà cửa, hầm lán vừa dựng lên buổi tối, sáng mai ra đã bị đạn bom địch cày xới. Một vùng dân ca ngọt ngào bờ Bắc Bến Hải trở thành cửa tử trên chặng đường hành quân giải phóng đất nước. Con xa cha, vợ xa chồng. Có nhiều buổi chiều, người thân lặng đứng bên này ngóng sang bên kia sông. Thấy đoàn người lặng lẽ tang trắng đi bên triền sông biết rằng có người mới qua đời, họ có thể là người thân, là họ hàng hay làng xóm nhưng chỉ biết thắp nén hương phía bên này sông bái vọng sang”. Sông Bến Hải – cầu Hiền Lương 60 năm về trước là nơi trực tiếp chứng kiến mọi nỗi đau chia cắt, phân ly. Bom đạn cày tan nhà cửa, vườn tược, mảnh đất Gio Linh ở phía bờ Nam hiền hòa trở thành vành đai trắng rợn người; những đứa trẻ Vĩnh Linh ở bờ Bắc phải chào đời dưới lòng địa đạo…
Hiền Lương – Bến Hải bây giờ, đã qua rồi cái thời “hai vai, ba cáng”, “tay cầm cày, vai vác súng”… sản xuất và chiến đấu giải phóng quê hương. Một sự hồi sinh đã thực sự hiện diện. Dọc bờ sông Bến Hải, các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn… (huyện Vĩnh Linh) và Trung Hải, Trung Giang, Trung Sơn… (huyện Gio Linh), cây cối phủ xanh hố bom. Với nhiều mô hình đa canh, nhiều trang trại kinh tế được bà con nông dân xây dựng thể hiện bộ mặt miền quê trù phú. Theo thống kê của huyện Vĩnh Linh, hiện có hơn 7.000ha hồ tiêu và cao su tiểu điền, cùng với diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp theo mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) đã mang lại nguồn thu xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân trên địa bàn huyện. Ở bờ Nam, huyện Gio Linh cũng có đến hơn 400ha hồ tiêu và hàng trăm héc ta cao su đã khai thác. Đặc biệt, đôi bờ Cửa Tùng và Cửa Việt, lượng thủy hải sản đánh bắt chiếm 2/3 sản lượng toàn tỉnh, góp phần không nhỏ vào việc ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, phấn khởi nói: “Các làng quê ven đôi bờ Bến Hải – Hiền Lương nay đã thực sự thay da đổi thịt. Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của bà con nhân dân, một bộ mặt nông thôn mới đã được hình thành bền vững và ngày càng phát triển. Tôi tin rằng, một tương lai không xa, mảnh đất địa đầu giới tuyến này sẽ có nhiều mô hình kinh tế kiểu mẫu, xứng đáng với truyền thống anh hùng không chỉ trong hai cuộc trường chinh kháng chiến mà cả trong hòa bình”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Chiến thắng luôn thuộc về lẽ phải
Đến vỹ tuyến 17 hôm nay, vẫn còn đó một cây cầu Hiền Lương bắc ngang dòng Bến Hải huyền thoại như chứng nhân lịch sử nhắc nhở muôn đời sau về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Nhưng cây cầu hôm nay đã không còn là biểu tượng của sự chia cắt mà là sợi chỉ nối liền đôi bờ Nam – Bắc thành một nhà. Như lời ông Lê Văn Hiền: “Không có cây cầu hay dòng sông nào lại chia cắt đất nước mình. Chỉ có bọn xâm lược mới mang dã tâm chia cắt dải đất Việt. Nhưng chiến thắng luôn thuộc về lẽ phải. 60 năm qua, chứng nhân lịch sử Hiền Lương – Bến Hải đã minh chứng điều đó!”.
|
Bình luận (0)