Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

62% người học thạc sĩ, tiến sĩ cảm thấy không hài lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Người học thạc sĩ và tiến sĩ không hài lòng khi phải vật lộn với việc đảm bảo sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống, đào tạo nghề nghiệp và sức khỏe tinh thần, theo Nature.

Đối mặt với khó khăn về tài chính, đòi hỏi nhiều thời gian và triển vọng nghề nghiệp không chắc chắn, nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ đang mất niềm tin vào con đường sự nghiệp mà họ đã chọn.

Trong cuộc khảo sát toàn cầu năm 2022 của Nature về học viên sau đại học, chỉ 62% người được hỏi nói rằng họ hài lòng với chương trình hiện tại của mình, giảm 9% so với năm 2019. Một số người được hỏi cho biết sự hài lòng của họ đã giảm sút kể từ khi bắt đầu chương trình học.

Cuộc khảo sát có sự tham gia của 3.253 người bất kỳ trên khắp thế giới. 35% câu trả lời đến từ châu Âu, 28% từ Bắc Mỹ và 24% từ châu Á. Phần còn lại được phân bổ gần như ngang nhau giữa Nam Mỹ, châu Phi và châu Úc.

56% người được hỏi xác định là nữ và 42% là nam. Học viên cao học chiếm gần 1/4 tổng số câu trả lời.

Thông qua câu trả lời và nhận xét bằng văn bản, những người được hỏi chia sẻ suy nghĩ về chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ, cùng chất lượng cuộc sống của họ.

Kết quả chỉ ra một số thách thức phổ biến. Đối với một số người, mức độ căng thẳng cao, khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống, vật lộn với chứng lo âu hoặc trầm cảm là mối đe dọa làm chệch hướng đào tạo.

Bà Katelyn Cooper – nhà nghiên cứu sinh học – giáo dục học tại ĐH Arizona State (Tempe, Mỹ) – nhận định khảo sát này cung cấp cái nhìn sâu sắc về hoạt động đào tạo học viên sau đại học trên toàn thế giới và những gì cần thay đổi. Trong đó, sự sụt giảm tỷ lệ hài lòng so với năm 2019 là mối quan tâm đặc biệt.

Theo bà Cooper, các tổ chức cần thực hiện các bước để làm cho học viên an toàn hơn về tài chính và chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai, đồng thời giúp họ cảm thấy được hỗ trợ hiệu quả trong thời gian căng thẳng.

Kỳ vọng và thực tế

Đặt thách thức sang một bên, hầu hết học viên cảm thấy họ đang đi đúng hướng. 76% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với quyết định theo học chương trình sau đại học, bao gồm 21% cực kỳ hài lòng với quyết định của mình.

Hơn một nửa (56%) nói chương trình của họ đang đáp ứng được kỳ vọng, 10% nói nó đang vượt quá kỳ vọng. Phần lớn người học yêu thích việc thử thách trí tuệ (63%) và làm việc với những người thú vị và sáng tạo (59%) trong chương trình học.

Tuy nhiên, hơn 1/3 (35%) số người được hỏi nói chương trình của họ không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. Đối với nhiều người, đại dịch Covid-19 diễn ra, việc gián đoạn hoặc ngừng hoạt động góp phần làm cho kỳ vọng trở nên xấu hơn. 65% số người được hỏi nói đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng chương trình của họ.

Kết quả khảo sát cũng nhấn mạnh để theo đuổi một văn bằng cấp cao, người học cần có nỗ lực to lớn. Hầu hết, đó là nỗ lực toàn thời gian.

70% số người được hỏi nói họ dành hơn 40 giờ/tuần cho chương trình học. Gần 50% đồng ý với nhận định "có văn hóa làm việc nhiều giờ ở trường đại học, kể cả đôi khi làm việc xuyên đêm”. 41% nói họ rất lo lắng về khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trong phần bình luận của cuộc khảo sát, một nghiên cứu sinh ở Italy nói rằng anh ta thực sự không có thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, người cố vấn luôn gọi cho anh ta vào cuối tuần.

Chỉ hơn 1/3 (34%) người được hỏi đồng ý trường đại học của họ hỗ trợ tốt cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Sức khỏe tinh thần giảm sút

Sức khỏe tâm thần là vấn đề quan trọng trong các chương trình sau đại học ngày nay. 1/3 số người được hỏi nói họ nhận được sự trợ giúp khi gặp lo âu hoặc trầm cảm do việc học và nghiên cứu gây ra.

21% khác nói họ muốn được giúp đỡ nhưng vẫn chưa nhận được. Chưa đến 1/3 (29%) số người được hỏi đồng ý các dịch vụ sức khỏe tâm thần và phúc lợi tại trường đại học được điều chỉnh và phù hợp với nhu cầu của học viên sau đại học.

Những người trả lời khảo sát xác nhận bắt nạt là vấn đề đang diễn ra trong học thuật. 18% số người được hỏi nói bản thân họ từng bị bắt nạt trong chương trình của mình (giảm nhẹ so với mức 21% trong cuộc khảo sát năm 2019). Trong đó, hơn 1/4 (26%) nói họ cảm thấy tự do nói về hoàn cảnh của mình mà không sợ bị ảnh hưởng cá nhân hoặc nghề nghiệp.

“Khi bắt đầu học tiến sĩ, tôi bị người giám sát bắt nạt trong một năm. Các đồng nghiệp xung quanh tôi – những người nhìn thấy những gì xảy ra – coi đó là văn hóa trong học thuật. Tôi ước điều đó không phải như vậy, tôi có thể đổi người giám sát và đồng nghiệp của mình”, một nghiên cứu sinh ở Anh viết trong phần bình luận của cuộc khảo sát.

Người giám sát

Mối quan hệ giữa người học và người giám sát là phần quan trọng của bất kỳ chương trình nào. Khi được hỏi sẽ làm gì khác đi nếu có thể bắt đầu lại, 22% người được hỏi nói họ sẽ thay đổi người giám sát, 26% muốn thay đổi đội nhóm của mình.

Một nghiên cứu sinh ở Mỹ ước mình biết trước một cố vấn tồi sẽ hủy hoại kinh nghiệm và triển vọng giáo dục của anh ta. Trong khi đó, một nghiên cứu sinh tại Australia nhận xét người giám sát và nhóm nghiên cứu là tất cả. Chủ đề hay lĩnh vực không quan trọng, môi trường làm việc mới là quan trọng nhất.

Mối quan hệ của người học và người giám sát là một chủ đề thường xuyên trong suốt cuộc khảo sát. Gần 2/3 (65%) số người được hỏi nói họ hài lòng về tổng thể mối quan hệ với cố vấn của mình, 72% số người được hỏi hài lòng với mức độ độc lập của họ.

Xiangkun Cao – nghiên cứu sinh sau đại học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Cambridge) – đã trả lời cuộc khảo sát ngay sau khi lấy bằng tiến sĩ Kỹ thuật tại ĐH Cornell (New York).

Anh Cao nói cho rằng người giám sát chính là chìa khóa cho thành công cuối cùng. Khi bắt đầu chương trình, nghiên cứu sinh này cảm thấy không phù hợp với nhóm nghiên cứu. Anh không chắc sự nghiệp sẽ đi đến đâu và luôn trong trạng thái đau khổ.

hoc sau dai hoc anh 2

Anh Xiangkun Cao nói cho rằng người giám sát chính là chìa khóa cho thành công cuối cùng. Ảnh: Nature.

Thay vì bỏ việc hay tìm dịch vụ sức khỏe tâm thần, anh Cao lựa chọn chia sẻ rắc rối với một trợ lý nghiên cứu mới tốt nghiệp. Người này kết nối anh với giám đốc nghiên cứu sau đại học, giúp anh chuyển đổi phòng thí nghiệm và bắt đầu lại với người giám sát mới, và anh thành công.

Không hối tiếc

Joanna Nowacka – nghiên cứu sinh sắp kết thúc chương trình tại Miltenyi Biotec, một công ty công nghệ sinh học ở Bergisch Gladbach (Đức) – không hối hận về quyết định theo đuổi bằng cấp sau đại học.

Tuy nhiên, không giống như phần lớn những người được hỏi, cô ấy đang được đào tạo tại một công ty thay vì một trường đại học. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến sự hài lòng của cô. Hiện tại, Nowacka đang làm luận án, nhưng ngược lại, cô ấy không phải lo lắng nhiều về các ấn phẩm.

“Tôi không có nhiều áp lực như các đồng nghiệp trong giới học thuật. Thay vì áp lực xuất bản khoa học như người khác, tôi tập trung vào dự án của mình để nộp và lấy bằng”, nghiên cứu sinh Nowacka nói.

Đấu tranh và hối tiếc là một phần của nghiên cứu sinh mới tốt nghiệp, nhưng hơn 40% người được hỏi nói họ sẽ không thay đổi bất cứ điều gì về chương trình của mình.

Đối với anh Cao, anh từng sợ theo đuổi tiến sĩ là sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình. Tuy nhiên, đó lại là một bước đi dài đầy thử thách và đúng hướng.

Theo Bích Ngọc/Zingnews

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)