Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng.
Mục tiêu của chương trình là phát triển nền Toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Đưa Việt Nam lên hàng thứ 40 thế giới về Toán học
Hiện nay, Toán học Việt Nam đang đứng ở vị trí từ 50-55 thế giới; và vị trí thứ 40 là mục tiêu mà Toán học Việt Nam hướng tới từ nay đến năm 2020.
Chương trình cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có đủ đội ngũ giảng viên Toán có trình độ ở các trường đại học, cao đẳng, trong đó trên 70% giảng viên ở các trường đại học lớn có bằng tiến sĩ. Bên cạnh đó, xây dựng Viện Toán học và 1-2 khoa Toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực.
Đồng thời, nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo học sinh giỏi Toán ở các cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là ở các trường chuyên. Có hình thức thích hợp đào tạo tiếp học sinh giỏi Toán ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Đến năm 2020 tăng gấp đôi số lượng công trình công bố quốc tế so với năm 2010.
Xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán
7 nội dung và giải pháp thực hiện chương trình trọng điểm được đưa ra, trong đó, giải pháp đầu tiên là xây dựng "Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán". Đây sẽ là một cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao.
Mới đây, cả 6 học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 51 (IMO 2010) diễn ra tại Astana, Kazakhstan từ ngày 2 – 14/7/2010 đều đoạt giải, bao gồm 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Với thành tích trên, đoàn Việt Nam đứng thứ 11 trên bảng xếp hạng.
|
Bên cạnh đó, hoàn thiện lại hệ thống các lớp chuyên Toán theo chủ trương mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi học sinh giỏi, cấp học bổng, ưu tiên tuyển chọn vào đại học, đào tạo giáo viên. Khuyến khích giảng viên Toán ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu.
Cử cán bộ nghiên cứu – giảng dạy Toán đi đào tạo nâng cao và thực hiện trao đổi khoa học định kỳ ở nước ngoài. Đồng thời, mời các nhà Toán học hàng đầu thế giới là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu, thực hiện các đề tài Toán học trọng điểm, các đề tài nghiên cứu chung.
Một giải pháp quan trọng khác là hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu ứng dụng Toán học trọng điểm với kinh phí đủ cao. Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị lớn về Toán học trong nước và quốc tế, trong đó có kinh phí hỗ trợ các nhà Toán học trẻ có năng lực từ các nước xung quanh, nhằm tạo ra sức hút trong khu vực.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ đăng cai và tổ chức Đại hội Toán học châu Á dự kiến vào năm 2017.
Tính từ năm 1954 tới nay, Toán học đã nổi lên như một trong những ngành khoa học cơ bản phát triển khá tốt tại Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nền Toán học vào loại khá, xếp vào hàng 50-55 trên thế giới. Tuy nhiên, những kết quả ban đầu đó cũng còn xa để đáp ứng được nhu cầu hiện tại của đất nước trong đào tạo cũng như phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế.
Mới đây, công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” của GS Ngô Bảo Châu và GS Gerard Laumon (người Pháp) đã được tạp chí nổi tiếng thế giới Times bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học nổi bật thế giới năm 2009.
Với những đóng góp thiết thực cho đất nước, những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tầm cỡ thế giới, GS. Ngô Bảo Châu xứng đáng trở thành niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam cũng như giới khoa học nước nhà. Và cùng với nhiều tấm gương tiêu biểu trong nền Toán học Việt Nam, Toán học đã ngày càng khẳng định vai trò như một con đường cao tốc trong hệ thống đường cao tốc phát triển khoa học và công nghệ nước nhà.
|
Theo Chinhphu.vn
Bình luận (0)