Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

7 bước chế một hồ sơ du học hoàn hảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bạn quyết định “tự lực cánh sinh” nộp hồ sơ đi du học? Hãy tham khảo một vài bí kíp nho nhỏ của chúng tớ để có được một bộ hồ sơ như ý!
7 bước chế một hồ sơ du học hoàn hảo
Bước 1: Chuẩn bị đơn xin học
Tuy chỉ là phần hình thức nhưng đừng coi nhẹ vai trò của đơn xin học. Một số trường có cung cấp mẫu đơn xin học sẵn và việc của bạn chỉ là điền vào lá đơn đó. Nhưng có những trường lại yêu cầu bạn tự viết đơn xin học. Hãy chú ý viết ngắn gọn, đầy đủ thông tin, không văn chương tỉa tót quá nhiều (vì lá đơn này cũng không tạo điểm nhấn quá nhiều cho hồ sơ của bạn). Tham khảo những mẫu đơn có sẵn hay của các “tiền bối” cũng là một cách hay khi bạn không biết phải viết gì vào đơn.
Nên photo lá đơn của bạn thành nhiều bản để đề phòng trường hợp có “lỗi kĩ thuật” còn có bản thay thế. Đọc kĩ những tiêu chí cần có trong đơn và viết thật chính xác, không sai lỗi chính tả và sạch sẽ, rõ ràng.
Bước 2: Dịch học bạ
Nếu bạn tự tin vào khả năng ngoại ngữ của mình và đảm bảo có thể dịch chính xác toàn bộ học bạ sang ngôn ngữ đó, tự mình dịch học bạ cũng là một cách hay – vừa có thể tiết kiệm tiền dịch thuật lại còn có thể “phô diễn” hết những thành tích của bạn. Những bản học bạ này thường được dịch theo một hình thức nhất định, hãy chú ý thực hiện theo đúng mẫu sẵn có để bảng điểm của bạn không trở nên “lạc lõng” giữa những bảng điểm chuẩn mực nhé.
Nếu bạn không thể tự dịch thì hoàn toàn có thể đem tới phòng dịch thuật để đảm bảo tính chính xác của học bạ.
Chú ý rằng: Nhớ công chứng để đảm bảo tính pháp lý, đúng đắn của học bạ teen nhé!
Bước 3: Bằng IELTS/TOEFL/SAT/GMAT
Nếu bạn muốn dành được một suất học bổng thì mức điểm IELTS/TOEFL/SAT/GMAT phải lớn hơn tiêu chuẩn của trường mới có thể mong dự vào vòng xét học bổng. Tuy nhiên, một số trường đại học lại đánh giá thí sinh theo điểm Reading và Writing cao hơn những điểm khác. Hãy đọc kỹ thông tin trên trang web hoặc quyển giới thiệu của trường vì rất có thể đó là cơ hội được nhận học bổng cho bạn.
Bạn tham gia một kì thi IELTS/TOEFL/SAT/GMAT thường chỉ được cấp 1 bảng điểm duy nhất. Nếu bạn nộp hồ sơ tới nhiều trường thì có thể photo bản gốc này để nộp cho bộ hồ sơ của mình.
Bước 4: Chứng minh tài chính
Hãy chú ý yêu cầu của nước mà bạn định du học, tham khảo ý kiến của các anh chị đã “apply” thành công để không làm sai và bị loại hồ sơ chỉ vì chưa chứng minh được tài chính. Thường thì trường sẽ yêu cầu trong tài khoản của bạn phải có ít nhất một khoản tiền đủ để  bạn đóng học phí và sinh hoạt trong một năm đầu tiên. Do đó bạn cần gửi đúng tiền vào tài khoản của chính bạn chứ không phải tài khoản của bố mẹ hay anh chị nhé!
Bước 5: Bài luận/Bản tự giới thiệu bản thân
Các trường thường cho sẵn đề tài để teen có thể chọn lựa và viết theo ý tưởng của mình. Với những đề tài khuôn mẫu như: Tại sao bạn chọn học ở trường chúng tôi? Sau khi hoàn thành quá trình học tập bạn có dự định gì cho tương lai…? đã quá quen thuộc, vì vậy không khó để teen “bắt” được mạch bài và thể hiện mình. Hãy viết theo suy nghĩ, cảm xúc chân thật của chính bạn bằng những lời lẽ chân thành và sâu sắc nhất. Chắc chắn bài luận của bạn sẽ không thể nào bị bỏ qua!
Nếu bạn định nộp đơn theo học những ngành cần năng khiếu hay đam mê (nghệ thuật, âm nhạc…) thì nên tập trung viết sâu về những hoạt động có liên quan đến lĩnh vực này. Hội đồng tuyển sinh ấn tượng với bạn hơn là những bài viết lan man với nhiều lời lẽ sáo rỗng.
Bước 6: Thư giới thiệu của giáo viên
Nếu bạn nhờ thầy cô trực tiếp viết thư giới thiệu thì hãy nhờ những thầy cô mà bạn hay tiếp xúc và có nhiều tình cảm nhất. Nếu không, bạn có thể viết sẵn thư giới thiệu rồi nhờ thầy cô ký (cách này áp dụng với các thầy cô hiệu trưởng, hiệu phó, giáo sư, tiến sĩ….thường có ít thời gian). Lưu ý, bạn nên chuẩn bị một bản Tiếng Việt để thầy cô được xem trước nội dung trước khi ký vào bản Tiếng Anh. Vậy nên đừng có "chém" quá đà teen nhé!
Bước 7: Hoạt động ngoại khóa/Thư giới thiệu từ nơi làm việc
Các trường đại học ngoại quốc đánh giá rất cao việc học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, do đó nếu teen có tham gia từ thiện, chương trình ngoại khóa hay có tài lẻ thật lạ, hãy phô diễn khả năng của mình để gây ấn tượng với ban tuyển sinh nhé!
Một cứu cánh cực hay cho teen khi học bạ không thực sự xuất sắc, đó là lá thư giới thiệu từ nơi làm thêm của bạn (nhất là những công việc có liên quan đến ngành học). Điều này thể hiện bạn thực sự đam mê và mong muốn học tập chuyên ngành đó. Nhờ vậy, hồ sơ của bạn được đánh giá cao hơn những hồ sơ xin học bổng khác và hoàn toàn có cơ hội được trao học bổng!
Phù, vậy là tạm xong phần hồ sơ rồi, cùng cố gắng để được phơi phới nơi “trời” Tây nhé!
Theo Đất Việt

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)