Tóc bạc là dấu hiệu của tuổi già nhưng không quá xa lạ khi ta bắt gặp người chưa đầy 30 tuổi mà tóc đã bạc trắng đầu. Đây không chỉ là nỗi lo về tình trạng sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, ngoại hình của họ.
Người trẻ ngày nay tóc hay bạc sớm nên thường nhuộm tóc – Ảnh: DUYÊN PHAN
Người tóc bạc sớm không nên lo lắng nhiều mà cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn, không để mất ngủ, stress… BS Huỳnh Huy Hoàng |
Nhiều người chọn phương án nhuộm tóc thường xuyên nhằm "thay đổi" mái tóc "trước tuổi" của mình. Như vậy có ảnh hưởng sức khỏe không khi phải dùng thuốc nhuộm mỗi tháng? Các chuyên gia y tế tư vấn một số phương pháp làm giảm bạc tóc.
Tóc bạc sớm do thiếu melanin
BS Huỳnh Huy Hoàng (chuyên khoa da liễu) cho biết bình thường màu tóc đen là do chất melanin của tóc quyết định, khi tóc thiếu melanin thì sẽ bị bạc.
TS.BS Lê Thái Vân Thanh – giảng viên ĐH Y dược TP.HCM – phân tích sự tạo thành sắc tố của tóc bị chi phối bởi các yếu tố chính bao gồm: môi trường (khói thuốc, ô nhiễm, lối sống không lành mạnh), dinh dưỡng (thiếu vitamin B12, tiêu thụ rượu bia, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ), nội tiết tố (rối loạn chức năng tuyến giáp), bệnh lý (bạch biến, thiếu máu, chấn thương…) và gen (chủng tộc, gia đình).
Các tế bào sắc tố bắt đầu sản xuất sắc tố ngay trước khi chúng ta được sinh ra và chức năng của các tế bào này sẽ giảm dần theo tuổi.
BS Vân Thanh cho hay ngoài việc tóc lão hóa bị mất sắc tố còn do tăng sản xuất hydrogen peroxide – một chất hoạt động như chất tẩy và tẩy trắng sợi tóc từ trong ra ngoài.
Đồng thời, các yếu tố như stress, mất ngủ thường xuyên…cũng là nguyên nhân làm tóc bị mất sắc tố. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân, y học gọi là tóc bạc vô căn – BS Huy Hoàng cho biết thêm.
Thông thường, bắt đầu khoảng 50 tuổi thì có khoảng 50% người bị tóc bạc. Còn hiện tượng tóc bạc sớm ở người trẻ tuổi đến nay vẫn còn là một câu hỏi bí ẩn – các bác sĩ da liễu cho hay.
Tóc dễ hư khi nhuộm liên tục
"Đa số trường hợp không biết được nguyên nhân gây tóc bạc sớm nên việc điều trị gặp khó khăn. Do đó, nhiều người phải chọn cách nhuộm tóc" – BS Huy Hoàng nói.
BS Vân Thanh cho biết nhuộm tóc có nhiều loại: "nhuộm tóc dần" (tóc sậm màu dần), "nhuộm tạm" (màu nhuộm bị mất sau một lần gội), "nhuộm lâu" (màu nhuộm bị mất sau 4 – 6 lần gội hoặc lâu hơn), "nhuộm luôn" (không mất màu khi gội đầu).
Kiểu "nhuộm luôn" gây tổn thương tóc nhiều nhất bởi vì các hạt màu trong loại thuốc nhuộm này có kích thước rất lớn, chúng chen lấn vào thân sợi tóc, vướng luôn ở trong đó.
Trước khi nhuộm màu cho tóc thì thuốc nhuộm còn có tác dụng tẩy màu cũ của các sợi tóc. Trong quá trình tẩy màu, oxygen của chất sừng sợi tóc sẽ bị phóng thích ra khỏi sợi tóc, dẫn đến sợi tóc bị mỏng lại, xốp hơn, dễ bị chẻ, bị gãy.
"Nếu nhuộm tóc thành màu càng sáng (đỏ, vàng, xanh) thì trong quá trình nhuộm tóc sẽ bị tẩy màu càng nhiều" – BS Vân Thanh lưu ý.
Cách hạn chế tác hại
Thuốc nhuộm có thể gây ra các tác hại sau đây cho người sử dụng: tóc khô, mất bóng, rụng tóc, viêm chân tóc (các nốt đỏ ở chân tóc, rất ngứa), viêm da tiếp xúc (các mảng đỏ da, tróc vảy, phù nề, nổi mụn nước… ở những vùng da tiếp xúc thuốc nhuộm), viêm da dị ứng, tăng hoặc giảm sắc tố da đầu…
Nguy hiểm nhất là nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc thuốc nhuộm (ung thư bàng quang, ung thư hệ tạo máu, u não – màng não – thần kinh thính giác…). Nguy cơ này càng gia tăng khi thuốc nhuộm càng sậm màu.
Theo BS Vân Thanh, nên áp dụng những điều sau đây khi nhuộm tóc nhằm hạn chế tối đa các tác hại có thể xảy ra:
Khoảng cách giữa 2 lần nhuộm không quá gần nhau, ít nhất là 6 tháng. Cố gắng tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc. Dùng găng tay khi nhuộm hoặc cắt tóc nhuộm. Gội đầu bằng dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho da và tóc. Chỉ dùng dầu xả cho phần ngọn tóc.
Chống nắng cho da đầu và tóc: đội nón sậm màu, che phủ tóc khi đi nắng. Điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Bình luận (0)