Dù còn tới 4 năm nữa thì Olympic 2020 mới diễn ra tại Tokyo nhưng nước chủ nhà Nhật Bản đã bắt đầu chuẩn bị phục vụ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh và người ta dự đoán rằng đây sẽ là olympic trang bị nhiều công nghệ tiên tiến nhất trong lịch sử.
Bên dưới đây là 7 công nghệ đang được chuẩn bị để sử dụng tại Olympic sắp tới và chắc chắn, con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Xe nhiên liệu hydro dùng để chở các vận động viên
Xe nhiên liệu hydro dùng để chở các vận động viên.
Công nghệ này đã và đang được đầu tư phát triển bởi nhiều hãng xe hơi trên thế giới. Tất nhiên danh sách đó không thể thiếu hãng xe hơi Toyota đến từ Nhật Bản với mẫu xe Mirai sử dụng các tế bào nhiên liệu hydro. Những chiếc xe vận hành bằng nhiên liệu hydro được cho là cho quãng đường đi được dài hơn so với pin thông thường, tuy nhiên do đòi hỏi cơ sở hạ tầng (các trạm cung cấp hydro) nên một số ý kiến đã hoài nghi về tính khả thi của công nghệ này. Và để mang xe hydro phục vụ cho thế vận hội lần này, chính phủ Nhật đã phải thiết lập các trạm cung cấp nhiên liệu trong lộ trình dự kiến đưa đón các vận động viên.
Khách tham quan sẽ được đi taxi tự lái
Khách tham quan sẽ được đi taxi tự lái.
Theo kế hoạch thì bắt đầu từ năm nay, Nhật Bản sẽ cho triển khai các dự án về dịch vụ taxi tự lái với hy vọng sẽ chính thức thương mại hóa rộng rãi vào năm 2020, đúng vào dịp Olympic Tokyo và đo đó, hành khách tham quan sẽ có dịp sử dụng loại hình dịch vụ công nghệ cao này. Hiện tại những chiếc xe taxi RoboCabđã được cho thử nghiệm lần đầu tiên tại khu vực quận Kanagawa, phía nam Tokyo. Chỉ có 50 người được dùng thử taxi tự lái trong các nhu cầu đi lại thường nhật, thí dụ như đi chợ trong phạm vi khoảng 3 km. Một công ty mang tên Robot Taxi cũng được thành lập, dự kiến sẽ trang bị đội xe công nghệ tự lái Toyota Estima để phục vụ du khách trong năm 2020.
" Vé điện tử" dạng vòng đeo khi bước vào sân vận động
" Vé điện tử" dạng vòng đeo khi bước vào sân vận động.
Chính phủ Nhật dự định sẽ sử dụng Wonder Japan Pass – một dạng vé điện tử dành cho khán giản muốn vào xem khu vực tổ chức thi đấu thể thao. Wonder Japan Pass có hình dạng như một chiếc thẻ cỡ nhỏ hoặc thiết bị đeo. Du khách sẽ dùng nó như một vé vào sân vận động, sử dụng các dịch vụ khác và thậm chí là phòng khách sạn. Mặt khác, chiếc thẻ này còn có thể tích hợp thêm nhiều dịch vụ khác, bao gồm cả thanh toán, giải trí,…
Người kiểm soát tại sân vận động sẽ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định danh tính du khách
Công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định danh tính du khách.
Sau khi quét thẻ hoặc thiết bị đeo để vào cổng sân vận động thì một hệ thốngcamera công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ được sử dụng để xác định danh tính người dùng một lần nữa trước khi họ bước vào chỗ ngồi. Được biết Nhật đã và đang triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt tại các địa điểm công cộng như tàu điện ngầm, sân bay,… và chắc chắn, nó sẽ được đưa vào phục vụ tại một sự kiện quan trọng như Olympic.
Ứng dụng trên smartphone giúp hướng dẫn cho du khách với 10 ngôn ngữ khác nhau
Ứng dụng trên smartphone giúp hướng dẫn cho du khách.
Không chỉ dẫn đường đi cho du khách trong các khu vực tổ chức thi đấu, tìm chỗ ngồi, chỗ vệ sinh,… mà ứng dụng này còn cung cấp thêm nhiều hướng dẫn khác về lịch thi đấu, các kết quả, đường đi tham dự cùng nhiều thông tin khác.
Hệ thống an ninh bao gồm hàng chục ngàn camera và cảm biến
Hệ thống an ninh hiện đại nhằm tăng cường quản lý và đảm bảo an ninh.
Tập đoàn điện tử Panasonic đang bắt đầu triển khai nâng cấp và lắp đặt thêm hàng chục ngàn camera quan sát, cùng nhiều cảm biến thông minh để hỗ trợ công tác an ninh khi thế vận hội diễn ra. Đồng thời, sẽ có một đội máy bay drone có gắn camera liên tục hoạt động trong khu vực thi đấu để hỗ trợ quan sát, tăng cường quản lý và bảo vệ an ninh. Một hệ thống phần mềm trí thông minh nhân tạo cũng dự kiến sẽ được áp dụng để theo dõi camera, phát hiện ra hành vi đáng ngờ nhằm có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Tạo mưa sao băng nhân tạo
Tạo mưa sao băng nhân tạo.
Bắn pháo hoa đã dần trở nên lỗi thời và trong sự kiện thế vận hội 2020, một nhóm khỏi nghiệp công nghệ giải trí không gian ALE đang muốn phóng các vệ tinh lên độ cao 80 km trên Trái Đất và phóng những viên pháo sáng xuống Trái Đất. Khi đi xuống, các viên vật liệu này sẽ ma sát với không khí và cháy sáng trong không trung, tạo nên hiệu ứng giống như mưa sao băng. Một đợt trình diễn như vậy dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 9 triệu đô la và ALE đang tìm nhà tài trợ cho ý tưởng này. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì thử nghiệm sẽ triển khai vào năm 2018. Hironori Sahara, kỹ sư hàng không vũ trụ tại ALE cho biết: "Mưa sao băng nhân tạo không chỉ phục vụ mục đích giải trí mà còn được dùng như một công cụ hỗ trợ quan sát khí quyển."
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)