Đối với hầu hết các vai trò, ở mọi cấp độ, trước khi chính thức đảm nhận công việc, bạn sẽ trải qua giai đoạn thử việc thường kéo dài từ 1 đến 3 tháng tùy thuộc vào chính sách của công ty.
Tháng thử việc là một khoảng thời gian thú vị nhưng nó cũng có thể mang lại cảm giác sợ hãi, lo lắng. Đây là giai đoạn mà nhà tuyển dụng xem xét liệu bạn có thể đáp ứng hiệu quả những kỳ vọng trong vai trò đảm nhận hay không. Đồng thời đây cũng là dịp quan trọng để bạn xác định liệu công ty và vai trò có phù hợp với bạn hay không.
Dưới đây là một vài mẹo vượt qua giai đoạn khó khăn này mà bạn có thể tham khảo.
Tìm việc làm nhanh và hiệu quả tại CareerLink
Hiểu thời gian thử việc
Bạn cần hiểu rằng tháng thử việc thành công sẽ trông như thế nào, thời gian kéo dài bao lâu, sẽ có đánh giá và kiểm tra thường xuyên, nếu có thì bao nhiêu lần? Bạn sẽ báo cáo cho ai và họ hay ai đó sẽ tiến hành đánh giá? Hiệu suất làm việc của bạn sẽ được đo như thế nào? Nếu bạn không đáp ứng được mong đợi thì điều gì sẽ xảy ra? Khi nào bạn sẽ biết rằng công việc của mình “an toàn”?
Hiểu rõ về môi trường làm việc
Bạn đừng ngần ngại bày tỏ và chia sẻ những thắc mắc của mình với các đồng nghiệp, hãy tìm hiểu rõ ràng các sản phẩm mà công ty sản xuất, quan tâm đến quyền lợi và mức lương, xem có thỏa đáng với hiệu suất làm việc của nhân viên không? Hãy tìm hiểu hướng đi và tầm nhìn xa của công ty, từ đó bạn có thể quyết định được rằng mình có phù hợp với môi trường và công việc hay không? Hãy quan sát cách các đồng nghiệp giao tiếp với nhau, phong cách làm việc của họ và đặc biệt hãy tìm hiểu về sếp. Vì chắc hẳn bạn chẳng muốn đi làm chút nào khi môi trường làm việc đối nghịch với con người bạn.
Hiểu rõ vai trò
Môi trường mới, con người mới khiến bạn chưa mạnh dạn, tự tin, có khi “loay hoay” không biết nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, nếu không biết chính xác những yêu cầu bạn cần phải đáp ứng, bạn có thể thấy khó thành công. Hãy xác định những điều bạn được mong đợi và có hệ thống kiểm tra nhằm đảm bảo mọi thứ được thực hiện – trong khung thời gian và mức chất lượng mà công ty mong đợi.
Thân thiện và cởi mở với đồng nghiệp
Đồng nghiệp là người sẽ “đồng cam cộng khổ” với bạn không những trong giai đoạn thử việc mà cả khi bạn trở thành nhân viên chính thức. Vì vậy nên dành nhiều thời gian với họ. Họ sẽ giúp bạn thích nghi nhanh hơn và dễ dàng vượt qua tháng thử việc. Khi giao tiếp, bạn cần tôn trọng, lịch sự, lắng nghe nhiều hơn nói, sự chứng tỏ bản thân không có lợi cho bạn lúc này. Sự quan tâm chân thành, mở lòng và vui vẻ nhiệt tình sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm với đồng nghiệp.
Hành động nhanh chóng nếu bạn gặp rắc rối
Việc chờ đợi cho đến khi mọi thứ trở nên quá muộn có thể là một sai lầm lớn. Hãy đưa ra vấn đề sớm và thừa nhận thất bại của bạn để có thể khắc phục trước khi thiệt hại trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này sẽ thể hiện cho người quản lý thấy rằng bạn có ý thức tốt về bản thân, điểm mạnh và điểm yếu của mình và sẽ vui lòng hỗ trợ bạn để khắc phục trong lúc khó khăn.
Tránh các thói quen xấu
Trong thời gian những tháng đầu tiên, có thể bạn sẽ được chú ý đặc biệt. Do đó hãy đến văn phòng đúng giờ hoặc sớm hơn một chút, đừng cố gắng “lén lút” về sớm, kéo dài thời gian nghỉ hay lãng phí thời gian trên mạng xã hội, lướt mạng, trò chuyện xã giao với đồng nghiệp hoặc làm bất cứ điều gì bạn không nên làm.
Hãy là chính bạn!
Hãy hết mình cho công việc, nhưng hãy là chính bạn! Sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn làm những điều mà bản thân thực sự không yêu thích hay đam mê. Sự chân thành sẽ giúp bạn chiến thắng tất cả. Vì vậy, đừng quá gò ép mình vào khuôn khổ vô hình nào đó mà bạn đã đặt ra cho chính mình. Hãy thể hiện bản thân thật tốt, tự tin vào khả năng làm việc của mình với tinh thần học hỏi không ngừng thì không lí gì bạn lại bị từ chối.
Khi bạn cố gắng thể hiện tốt khả năng bản thân, luôn giữ tinh thần học hỏi, cầu tiến, nỗ lực hết mình để tạo được ấn tượng tốt với sếp và đồng nghiệp, đồng nghĩa với việc bạn cầm chắc “chiếc vé vào vòng trong”. Hy vọng với những cách trên đây, bài viết sẽ mang lại nhiều giá trị bổ ích cho các bạn đang trong giai đoạn thử việc. Chúc các bạn thành công!
Tuyết Nga
Bình luận (0)