- 1 7 lần sốc điện cứu sống sản phụ và em bé chào đời khỏe mạnh
Sản phụ bị bệnh lý tim phức tạp (rung nhĩ, cuồng nhĩ, suy tim, bệnh cơ tim chu sinh) được sốc điện 7 lần, may mắn em bé nặng 2,6kg được chào đời khỏe mạnh.

Ngày 10-3, theo thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ, chị Định Thị T., 36 tuổi, sống tại TP.Thuận An, Bình Dương, từng sinh thường một lần vào năm 2019. Lần này, chị mang thai tự nhiên và khám thai định kỳ tại địa phương.
Ba tháng đầu thai kỳ diễn ra bình thường, nhưng đến tuần thứ 26, nhịp tim của chị bắt đầu tăng cao bất thường. Mặc dù không có triệu chứng rõ ràng, các bác sĩ vẫn khuyến cáo chị đến khám chuyên khoa tim mạch. Tuy nhiên, tình trạng của chị không cải thiện, nhịp tim tiếp tục tăng vọt. Đến ngày 24-2, chị nhập Bệnh viện Từ Dũ với nhịp tim 187 nhịp/phút.
Ngày 3-3-2025, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị T. được chẩn đoán mắc bệnh tim phức tạp, bao gồm rung nhĩ, cuồng nhĩ, suy tim, bệnh cơ tim chu sinh, và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Các bác sĩ quyết định chấm dứt thai kỳ để bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và con. Ngay lập tức, chị được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ để tiến hành mổ lấy thai.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, nhịp tim của chị T. tiếp tục tăng cao, lên đến 197 nhịp/phút. Các bác sĩ đã nỗ lực cắt cơn nhịp nhanh bằng thuốc nhưng không thành công. Phương án cuối cùng được đưa ra là thực hiện sốc điện.
Tuy nhiên, 5 lần sốc điện liên tiếp với mức năng lượng tăng dần đều không mang lại kết quả. Tình trạng của chị T. trở nên nguy kịch, đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và con.

Trước tình thế cấp bách, một cuộc hội chẩn mở rộng được tiến hành với sự tham gia của các chuyên gia tim mạch và sản khoa từ cả hai bệnh viện. Cuối cùng, các bác sĩ quyết định thực hiện mổ lấy thai cấp cứu bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng để đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.
BS.CKII Tào Tuấn Kiệt, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Đứng trước một tình trạng bệnh lý tim phức tạp như chị T., để mổ lấy thai thì việc cân nhắc lựa chọn phương pháp vô cảm nào phù hợp nhất là vô cùng khó khăn. Nếu chọn gây mê toàn thân thì giai đoạn hồi tỉnh sau mổ sẽ vô cùng phức tạp, còn nếu chọn gây tê thì khó kiểm soát được tốt hô hấp tuần hoàn. Sau khi cân nhắc thật kỹ các bác sĩ quyết định tiến hành gây tê ngoài màng cứng để mổ lấy thai”.
Ca mổ diễn ra thành công, một bé gái khỏe mạnh chào đời với cân nặng 2.600g. Tuy nhiên, cuộc chiến giành giật sự sống vẫn chưa kết thúc. Sau khi bé gái chào đời, chị T. tiếp tục được sốc điện thêm 2 lần để ổn định nhịp tim. Sau phẫu thuật, tình trạng của chị dần ổn định.
Ngày 5-3, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị T. được điều trị chuyển nhịp bằng phương pháp đốt điện tim bằng sóng cao tần. Đây là một kỹ thuật giúp xác định chính xác vị trí gây rối loạn nhịp tim và tạo ra các vết sẹo nhỏ để chặn đứng các xung điện bất thường. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đã thành công ngoài mong đợi, nhịp tim của chị T. trở về mức bình thường.
Đây là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các bác sĩ chuyên khoa sản của Bệnh viện Từ Dũ và các bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sự tận tâm, chuyên nghiệp và tinh thần đồng đội của họ đã mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho gia đình chị T.
Theo thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, đốt điện tim là một phương pháp xâm lấn tối thiểu để điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim. Phương pháp đốt điện tim được thực hiện bằng cách sử dụng năng lượng nhiệt hoặc lạnh để tạo các vết sẹo trên mô tim nơi xảy ra loạn nhịp. Các vết sẹo giúp chặn các xung điện bất thường và ngăn ngừa tình trạng rối loạn nhịp tim.
Kỹ thuật đốt điện tim bằng năng lượng sóng cao tần có sử dụng hệ thống lập bản đồ 3 chiều giải phẫu – điện học buồng tim. Đây là phương pháp tiên tiến với nhiều ưu điểm vượt trội như có thể xác định vị trí của ổ gây rối loạn nhịp chính xác hơn so với các phương phát triệt đốt thông thường, tỷ lệ thành công sau điều trị cao hơn.
Thủy Phạm
Bình luận (0)