Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

7 năm dẫn học sinh qua đường

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Hồ Văn Điều, xóm 6 xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) vốn là công nhân tại mỏ than Quảng Ninh, từ khi về hưu được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm bảo vệ đồng. Vào một ngày năm 2004, khi đang làm việc dưới ruộng, cạnh ngã tư Quỳnh Văn, ông thấy cảnh học sinh tan trường đang nháo nhào, chen chúc tìm cách sang đường Quốc lộ 1A, trong khi từng dòng ô tô, xe gắn máy đang lao đi như những “hung thần”. Trong đầu ông nảy ra một ý nghĩ “không thể để tình trạng nguy hiểm này kéo dài thêm nữa”. Ngày hôm sau, ông sắm một cây gậy rồi ra đứng ở ngã tư Quỳnh Văn. Từ đó đến nay đã 7 năm, ông Điều tự nguyện dẫn các em học sinh qua đường.
 
Khi đang làm bảo vệ đồng cho UBND xã Quỳnh Văn, nhận hỗ trợ một tháng gần “một tạ lúa”, mọi việc đang yên lành lại ra đứng đường vừa nguy hiểm lại không có thu nhập. Ông Điều cười – thời gian đầu, gặp sự phản đối từ phía vợ, con và anh em. Năm đó, còn phải nuôi 4 con ăn học, thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào ruộng. Kinh tế gia đình khó khăn lắm. Nhưng lòng yêu trẻ, nỗi lo lắng vì đã chứng kiến nhiều tai nạn giao thông xảy ra mà phần lớn nạn nhân là các em học sinh, nên ông vẫn quyết tâm thực hiện tâm niệm của mình. Vậy là 4 lần/ngày, ông túc trực tại “ngã tư tử thần” để làm người bảo vệ cho các em.
 
Ngã tư Quỳnh Văn nằm gần chợ Quỳnh Văn là đoạn đường dài chỉ gần 200m nhưng là “điểm nóng” về tai nạn giao thông. Chị Lệ (xóm 5, Quỳnh Thạch) người buôn bán rau nói: Tôi bán rau ở đây đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Nhưng từ khi ông Điều ra “đứng gác”, dẫn đường cho học sinh thì không còn vụ tai nạn nào xảy ra nữa. Người dân ở đây biết ơn ông lắm!”.
Mặc dù, với số tiền chính quyền hỗ trợ không đáng kể, nhưng với tấm lòng của một người cha, một người ông… thương yêu các cháu học sinh, càng ngày, ông càng thêm tâm huyết công việc của mình. Ông luôn ghi nhớ trong đầu những “khung giờ vàng”: Sáng từ 7 giờ kém 15 phút đến 11 giờ kém 25 phút. Buổi chiều từ 1 giờ kém 15 phút đến 5 giờ kém 25 phút. Đó là giờ các cháu đi học và giờ tan học mỗi ngày. Ông nhớ các em học sinh, tên tuổi và cả số điện thoại của từng gia đình. Ông phối hợp với nhà trường, nếu em nào ốm đau xin về sớm thì báo với ông, ông sẽ đến đón và đưa về tận nhà.
 
Có người bảo ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông chỉ cười. Với ông “Sống thì cần tạo Đức, Đức sẽ tạo Phúc, rồi Phúc ắt sẽ tạo Lộc”. Ông nói: “Sau một ngày làm việc, nhìn các em học sinh được an toàn tôi thấy lòng mình vui, tâm tư thật thoải mái vì việc làm của mình đã có ý nghĩa”.
Trải qua 7 năm tận tụy, giờ đây, với các em học sinh, ông Điều là người ông đáng kính, các bậc phụ huynh yên tâm, tin tưởng ông, bà con lối xóm kính trọng vì nghĩa cử cao đẹp, góp phần giữ bình yên cuộc sống của ông.
 
Theo Nguyễn Thị Quỳnh
(QĐND)

Bình luận (0)