Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

7 năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập” (2002-2009): “Nền móng” chưa vững

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đề án "Xây dựng xã hội học tập (XHHT) từ cơ sở", từ năm 2002 tới nay đã góp phần nâng cao dân trí, phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của Hội Khuyến học Việt Nam – lực lượng nòng cốt liên kết các lực lượng trong xã hội.
Dẫu vậy, để việc thực hiện đề án đạt hiệu quả, vẫn cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo trong việc quan tâm, đầu tư, làm thay đổi nhận thức của người dân, khiến họ học tập thường xuyên, suốt đời như mục tiêu đề ra.
Giờ thực hành môn Vật lý của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Phương Thảo
Xây dựng XHHT từ trong và ngoài nhà trường…
Tại hội nghị tổng kết 7 năm "Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng XHHT từ cơ sở" diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của người dân, Hội đã thiết kế 10 hoạt động tác động vào bộ phận giáo dục trong nhà trường và 12 hoạt động hỗ trợ vào bộ phận giáo dục bên ngoài nhà trường. Theo đó, việc tỷ lệ HS bỏ học giảm còn 0,56% trong năm 2008-2009 có vai trò đóng góp không nhỏ của Hội Khuyến học cấp cơ sở. Tiêu biểu như Hội Khuyến học Quảng Bình cấp học bổng cho 23.000 lượt HS nghèo có nguy cơ bỏ học; Thanh Hóa vận động được 2.342 HS trở lại trường, ngăn chặn 2.418 HS có nguy cơ bỏ học, cấp học bổng cho 85.000 HS…
Hội Khuyến học nhiều địa phương cũng có nhiều sáng tạo trong việc duy trì các hình thức tổ chức, quản lý HS ngoài nhà trường như vận động gia đình tạo điều kiện cho các em có góc học tập; đêm đêm có tiếng kẻng khuyến học, tiếng trống khuyến học báo đến giờ tự học của HS; hội viên khuyến học đi kiểm tra và nhắc nhở các gia đình. Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, miền Trung đã thực hiện công việc này đều đặn, đưa việc học tập của HS ở gia đình vào nền nếp.
Nhằm khích lệ phong trào học tập của mọi tầng lớp nhân dân, các cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, thôn, xóm khuyến học… đã được khởi xướng và nhanh chóng lan tỏa. Theo đó, đã có 3,5 triệu gia đình đạt tiêu chí gia đình hiếu học, 335.000 dòng họ khuyến học. Mô hình xã "5 không" (ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội) hoặc "5 có" (xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) với những tiêu chí như không có HS lưu ban, bỏ học; không tệ nạn xã hội; người lớn không mù chữ, thanh niên không mù nghề… đã được nhiều địa phương học tập.
Tạo nền tảng vững chắc
Bên cạnh việc hỗ trợ học tập cho HS, các cấp Hội Khuyến học luôn chú trọng đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân, đó là xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã, phường, thị trấn. Đây được coi là “nền móng” để xây dựng XHHT từ cơ sở, tạo điều kiện để người dân cần gì học nấy, thiếu đâu học đấy… ngay tại địa bàn sinh sống của mình. Nhận thức ấy đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng TTHTCĐ với 9.600 TTHTCĐ đã phủ kín 86,4% số xã, phường, thị trấn trên cả nước (trong đó 24 địa phương đã đạt tỷ lệ 100% số xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ), vượt mức quy định của Thủ tướng Chính phủ giao. Hoạt động của các TTHTCĐ đã đảm đương nhiệm vụ xóa mù chữ, tổ chức chuyên đề nhằm giúp dân xóa đói, giảm nghèo, thực sự trở thành "trường học của nhân dân".
Tuy nhiên, do thiếu cơ chế, thiếu sự quan tâm đầu tư, chỉ có khoảng 30% số TTHTCĐ hoạt động tốt, 40% hoạt động ở mức trung bình, hoạt động của TTHTCĐ nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở mức có đầu việc, ảnh hưởng tới hiệu quả xây dựng XHHT từ cơ sở. Minh chứng là việc triển khai công tác xóa mù chữ ngày càng khó khăn hơn. Nếu như năm học 2005-2006, cả nước vận động được hơn 86.000 người học xóa mù chữ, thì tới năm học 2007-2008 chỉ còn 34.000 người, mà không phải do số người mù chữ ít đi, mà do việc vận động người mù chữ ra lớp khó khăn do thiếu sự phối hợp của các lực lượng xã hội, động lực của những người làm công tác xóa mù có hạn…
Lý do được chỉ ra là dù đã triển khai được 7 năm, song không có nhiều nơi xây dựng được kế hoạch, vạch ra cơ chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội trong việc phát triển hệ thống các TTHTCĐ. Sự chậm trễ trong việc cho ra đời quy chế tổ chức và hoạt động của các TTHTCĐ (sau 2 năm triển khai đề án mới có quy chế) đã khiến hoạt động của các TTHTCĐ gặp khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phụ cấp cho những người đảm đương nhiệm vụ và biên soạn, in ấn tài liệu, tổ chức chuyên đề…
Thực tế ấy cho thấy, mức hỗ trợ ban đầu cho các TTHTCĐ mới thành lập (30 triệu đồng/năm) và những nơi khó khăn theo quyết định của Bộ Tài chính trong 2 năm qua đã có tác động tích cực, song vẫn cần thêm những hỗ trợ thiết thực cho công tác khuyến học nói chung, hoạt động của TTHTCĐ nói riêng để tham gia hiệu quả vào việc xây dựng XHHT từ cơ sở.
Thống Nhất / Hà Nội mới

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)