Lần đầu tiên Việt Nam – Trung Quốc xác định được đường biên giới đất liền dài 1.400 km sau nhiều năm đàm phán; Hà Nội vừa mở rộng đã đối mặt với trận mưa ngập chưa từng có. Năm 2008, Việt Nam cũng phải hứng chịu "bão" melamine và hệ lụy từ nghi án PCI.
Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý…
Hơn 7 năm sau khi cắm cột mốc đầu tiên, Việt Nam – Trung Quốc đã xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền dài 1.400 km với hệ thống mốc giới hiện đại. Sau hàng chục cuộc đàm phán, tuyên bố chung được đưa ra vào ngày cuối cùng năm 2008, khi hai khu vực "nhạy cảm" là thác Bản Giốc (Cao Bằng) và cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) được giải quyết.
Phân giới cắm mốc đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc đã hoàn tất. Ảnh: Pháp luật TP HCM. |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán biên giới Vũ Dũng khẳng định, không có sự nhân nhượng trong đàm phán về chủ quyền. Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc có ý nghĩa lịch sử đối với quan hệ hai nước, giải quyết được một vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung, tạo cơ hội mới thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch.
0h ngày 1/8, những tấm biển ghi địa giới Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc Lương Sơn (Hòa Bình) được dỡ bỏ, đánh dấu thời khắc Hà Nội mở rộng với diện tích gấp 3,6 lần trước đây, nằm trong top thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
Hà Đông trở thành quận mới của Hà Nội mở rộng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với vị tri tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế "Rồng cuộn Hổ ngồi", có đủ quỹ đất xây dựng đô thị hiện đại, phát triển kinh tế, thuận lợi xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, quy mô diện tích, dân số quá lớn cũng đặt ra nhiều thách thức cho lãnh đạo Hà Nội. Tỷ trọng lao động nông nghiệp tăng từ 23% lên 80%, tỷ lệ mù chữ thuộc loại cao nhất nước. Năm 2008, thu nhập bình quân của người dân thủ đô sụt giảm từ khoảng 1.900 USD một năm xuống còn 1.500 USD.
Giữa tháng 6, báo chí Nhật Bản đồng loạt đăng tải thông tin các quan chức Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Công ty PCI) đưa hối lộ hơn 700.000 USD cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây của TP HCM để nhận được hợp đồng tư vấn cho dự án này từ vốn ODA. Trong phiên tòa tại Tokyo, các bị cáo thừa nhận hành vi đưa hối lộ.
Dự án đại lộ Đông Tây. Ảnh: Kiên Cường. |
Vụ PCI từ nước Nhật làm xôn xao dư luận trong nước. Trả lời chất vấn trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Sẽ xử lý đúng theo pháp luật Việt Nam". Vài ngày sau, ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị đình chỉ chức vụ. Vụ án được khởi tố.
Nghi án hối lộ của PCI đã "gây hình ảnh xấu cho Việt Nam". Đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Mitsuo Sabaka tuyên bố, nước này tạm ngừng mọi dự án ODA mới, có lãi suất ưu đãi tới khi có kết luận cuối cùng về nghi án hối lộ.
"Trận đồ bát quái" hay "tinh vi" là cụm từ mà cơ quan chức năng nói về thủ đoạn hủy hoại môi trường của Công ty Vedan VN suốt 14 năm. Với hệ thống đường ống bí mật, sâu dưới lòng đất, mỗi tháng lượng dịch thải sau lên men xả trực tiếp ra sông lên tới 105.600 m3. Thị Vải thành khúc sông chết. Hàng nghìn người dân quay quắt trong ô nhiễm.
Miệng ống xả thải chưa qua xử lý tại cầu cảng của công ty Vedan. Ảnh: Cục Cảnh sát môi trường. |
Những sai phạm nghiêm trọng của Vedan làm chấn động dư luận, gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp, nạn chạy theo các dự án đầu tư, bỏ qua nguy hại về môi trường. Hàng loạt doanh nghiệp vi phạm liên tiếp bị xử lý. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường "đau đầu" trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Vụ Vedan cũng làm lộ ra những khiếm khuyết trong hành lang pháp lý của Việt Nam. Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai đùn đẩy trách nhiệm xử lý. Tuy nhiên, Vedan không bị tạm đóng cửa mà chỉ chịu mức phạt hành chính gần 300 triệu đồng và khoản truy thu phí môi trường 127 tỷ đồng. Còn Bộ Tài nguyên và UBND Đồng Nai đều bị Thủ tướng phê bình, yêu cầu kiểm điểm.
Cuối tháng 9, "bão" melamine – chất gây sạn thận – tràn đến Việt Nam, một trong những thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu sữa Trung Quốc. Cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc với hàng loạt sản phẩm sữa, bánh kẹo của doanh nghiệp lớn nhỏ được tiến hành. 32 sản phẩm bị ghi vào "sổ đen" đề xuất tiêu hủy.
Ngành sữa lao đao sau "bão melamine. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi các nhà sản xuất hối hả chạy đua đến các phòng thí nghiệm, "nín thở" chờ kết quả thì người tiêu dùng đã "ngoảnh mặt" với các sản phẩm nghi ngờ hoặc cắt bỏ khẩu phần sữa con em. Thị trường tụt dốc thê thảm trong gần 2 tháng, người chăn nuôi ở nhiều vùng quê điêu đứng, thậm chí người ta dùng sữa bò ế để tắm.
Tháng 12, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành giới hạn an toàn của melamine, Bộ Y tế cũng đưa ra ngưỡng melamine là 1 mg một kg đối với thực phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và 2,5 mg với các thực phẩm khác. Theo ngưỡng này, đa số sản phẩm nhiễm melamine trước đây trở thành "an toàn", tuy nhiên thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp và nông dân thì không thể lấy lại.
Cơn mưa lịch sử trong 35 năm qua đã nhấn chìm Hà Nội. Hệ thống thoát nước gần như tê liệt, quân đội ứng trực 24/24 tại họng thoát nước duy nhất Yên Sở. Hàng loạt tuyến đê trọng yếu bị sạt lở, người thủ đô náo loạn trước tin đồn vỡ đê. Thủ tướng lệnh: "Bất cứ giá nào không được phép để đê vỡ". Hà Nam buộc phải bơm nước sông Nhuệ vào nội đồng, "hy sinh" hàng nghìn ha lúa, cứu thủ đô.
Ngay tại nội thành, hàng loạt khu chung cư trở thành "ốc đảo". Người Hà Nội huy động mọi thứ có thể để kết bè. Không nước sạch, mì tôm trở thành thức ăn cứu đói, rau xanh là món ăn xa xỉ.
Ba ngày sau trận mưa kỷ lục, nước vẫn ngập sâu một mét tại Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hà. |
5 ngày mưa, 22 người chết, hơn 3.000 tỷ đồng thiệt hại, chỉ riêng tiền bảo hiểm 900 ôtô bị ngập đã lên tới 40 tỷ đồng. Thiên tai đã phơi bày những hạn chế của dự án thoát nước triệu đô cũng như khả năng điều hành của lãnh đạo Hà Nội sau khi mở rộng.
Đầu tháng 10, Bộ Y tế ra quy định, người nặng dưới 40 kg hoặc cao dưới 1,45 mét không đủ tiêu chuẩn điều khiển môtô từ 50 phân khối trở lên. Người cao dưới 1,5 mét sẽ không được lái ôtô.
Quy định "thấp bé nhẹ cân" của Bộ Y tế đã bị bãi bỏ. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà. |
Văn bản này lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận. Bộ Tư pháp khẳng định, Quyết định của ngành y tế làm hạn chế quyền công dân sử dụng tài sản. Các phương tiện truyền thông dồn dập lên tiếng. Ít ngày sau, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xin dừng thi hành hai quy định trên.
Cùng thời điểm này, TP HCM, nơi có gần 4 triệu ôtô, xe máy đăng ký cũng xôn xao khi UBND thành phố đề xuất Bộ Tài chính thu phí lưu hành xe máy 500.000 đồng, ôtô dưới 7 chỗ là 10 triệu đồng một năm. Vấp phải phản ứng của dư luận và các nhà chuyên môn, đề án chết ngay từ khi thai nghén. Bộ Tài chính có văn bản bác bỏ.
Theo VnExpress.net
Bình luận (0)