Tại buổi tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Võ Trường Toản (TP.HCM) vừa qua, một học sinh lớp 12 hỏi: “Em chơi game giỏi, vậy em có thể theo học lập trình game được không? Học xong ngành này, ngồi tại nhà làm việc có thể kiếm được nhiều tiền không?”. Vấn đề này, ông Phan Viết Thế (đại diện Hệ thống Đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech) cho biết: Lập trình game thuộc lĩnh vực CNTT, bao gồm mảng phần cứng và phần mềm. Về phần cứng, sinh viên được học kỹ thuật thiết kế, quản trị, an ninh…; còn phần mềm chính là học lập trình game, tạo website… Học lập trình thực ra là học ngôn ngữ máy tính để có thể “giao tiếp” với máy tính. Cụ thể con người đưa ra những yêu cầu cho máy tính để tạo ra các phần mềm.
Đối với người học lập trình ra trường sẽ làm việc tại công ty phần mềm, công ty cung cấp giải pháp CNTT… Và cũng có thể ngồi tại nhà làm việc kiếm tiền bằng cách lập trình một sản phẩm nào đó rồi tung lên mạng để bán. Tuy nhiên, muốn kiếm được nhiều tiền thì phải thực sự giỏi, sáng tạo, nhạy bén. Đơn cử như cha đẻ của game Flappy Bird Nguyễn Hà Đông, được lọt vào danh sách 10 triệu phú làm giàu từ con số 0 nhờ giỏi lập trình trò chơi này.
Một vấn đề mà học sinh đang muốn chọn học ngành CNTT phải biết, đó là nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn. Từ nay đến 2020, thị trường việc làm cần đến 1 triệu nhân lực nhưng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/2 yêu cầu. Bên cạnh đó, học sinh cũng phải biết mặt tối của ngành này là 70% sinh viên ra trường đi làm bắt buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại; trong đó 40% phải đào tạo lại kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Nguyên nhân do trong quá trình học ĐH, sinh viên không có nổi một dự án nghiên cứu, vô cùng thụ động, lơ là rèn luyện các kỹ năng thực hành, làm việc nhóm, giao tiếp… Nhiều sinh viên luôn thắc mắc, mới tốt nghiệp ĐH xong thì làm gì có kinh nghiệm mà tại sao nhà tuyển dụng luôn yêu cầu trong hồ sơ xin việc phải có kinh nghiệm. Kinh nghiệm ở đây không phải là thời gian đã đi làm mà là thời gian thực tập, các hoạt động rèn luyện kỹ năng, thành quả dự án nghiên cứu.
Một hạn chế khác mà ông Thế nhấn mạnh đó là hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng yếu ngoại ngữ. Đối với CNTT, các thuật ngữ máy tính đều sử dụng tiếng Anh, chứ không dùng tiếng Việt, muốn học được thì phải giỏi tiếng Anh.
Trước thực trạng nêu trên, ông Thế khuyên những học sinh có dự định theo học ngành lập trình phải là người có tư duy logic, sáng tạo, nhạy bén, ham học hỏi, tiếp cận nhanh và hứng thú với công nghệ mới. Đặc biệt sớm tập trung trau dồi vốn ngoại ngữ cho thật tốt.
N.Trinh
Bình luận (0)