Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

72 giáo viên mầm non ngoài công lập TP.HCM được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

72 giáo viên mầm non ngoài công lập TP.HCM được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 72 giáo viên mầm non ngoài công lập TP.HCM được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố Audio

Sở GD-ĐT TP.HCM công nhận 72 giáo viên mầm non ngoài công lập là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố qua Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố chủ đề “Giáo viên tài năng” dành cho giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập năm học 2024-2025.

Đây là năm thứ 2 TP.HCM tổ chức hội thi dành cho đối tượng giáo viên mầm non độc lập, là dịp để giáo viên thể hiện khả năng, giao lưu, học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực của giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, tại hội thi năm nay, cấp cơ sở có hơn 1.105/2.024 giáo viên tham gia dự thi, tỷ lệ 54,59%; cấp huyện có 309/1.105 giáo viên, tỷ lệ 27,96%. Sau thời gian diễn ra hội thi, các phòng GD-ĐT đã tuyển chọn 72 giáo viên mầm non tiêu biểu tham dự Hội thi cấp thành phố. 72/72 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, được nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT. Trong đó có 8 giải nhất; 24 giải nhì và 40 giải ba.

Tại hội thi cấp thành phố, giáo viên thực hiện 2 phần thi: kiến thức và thuyết trình. Trong đó, phần Kiến thức: Trình bày một số nội dung trong thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) và xây dựng 1 giáo án theo nội dung.Thiết kế 1 lịch hoạt động tuần theo lứa tuổi. Đề xuất nội dung cần được tập huấn bồi dưỡng.

Sở GD-ĐT TP.HCM công nhận 72 giáo viên mầm non ngoài công lập là giáo viên dạy giỏi thành phố

Ở phần Thuyết trình: Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ tại cơ sở.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, qua hội thi giáo viên được củng cố kiến thức chung của ngành và hiểu hơn về việc thực hiện vận dụng hiệu quả vào thực hiện Chương trình GDMN trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập có sự quan tâm về bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho giáo viên.

Giáo viên có đầu tư, nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị chu đáo các nội dung thi, thể hiện tinh thần trách nhiệm tự tin và ý thức nghề nghiệp.

100% giáo viên hiểu vận dụng và trình bày đầy đủ các nội dung trong Chương trình GDMN về mục tiêu, nội dung, xây dựng môi trường, phương pháp, hình thức tổ chức và đánh giá sự phát triển của trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.

Giáo viên thiết kế đa dạng các hoạt động giáo dục ở các lĩnh vực phát triển; đảm bảo kết cấu của giờ học từ mục đích yêu cầu đến chuẩn bị và xây dựng các hoạt động tổ chức thực hiện; các hoạt động có sự kết nối, chuyển tiếp, nội dung các hoạt động được thể hiện qua các hình thức (nhóm, cá nhân, tập thể).

Một số giáo viên xây dựng tốt kế hoạch tuần về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và theo chế độ sinh hoạt 1 ngày của trẻ.

Đa số giáo viên có kiến thức cũng như kỹ năng thuyết trình tốt, tự tin mạnh dạn đảm bảo thời gian; 100% giáo viên có ứng dụng CNTT trong bài thuyết trình, các phần mềm ứng dụng dạy học và AI có minh chứng cụ thể qua số liệu, hình ảnh, video clip.

Các bài thuyết trình thể hiện được các nội dung về giải pháp trong tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc đa văn hóa cho trẻ; công tác phối hợp giữa nhà trường cộng đồng, xây dựng môi trường… được giáo viên vận dụng dựa trên thực tế tại đơn vị, nhằm góp phần nâng cao chất lượng trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ tại cơ sở giáo dục.

Giáo viên đề xuất được bồi dưỡng ứng dụng AI tổ chức hoạt động cho trẻ

Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong hội thi cấp thành phố, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã đề xuất nhiều nội dung trong phần tự luận, mong muốn được bồi dưỡng một số nội dung như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm và xử lý các tình huống của giáo viên mầm non trong các mối quan hệ giữa trẻ, cha mẹ trẻ; hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch giáo dục theo độ tuổi; tổ chức các hoạt động giáo dục toán, giáo dục âm nhạc và kỹ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng CNTT, phần mềm AI trong quá trình tổ chức các hoạt động; giáo dục biện pháp can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật học hòa nhập; phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại vận dụng trong tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ.

Bên cạnh đó giáo viên mong muốn các chủ nhóm/ lớp quan tâm và tạo điều kiện được học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non trong thành phố.

Bà Châu cho hay, trên cơ sở kết quả hội thi, Sở GD-ĐT lựa chọn các hoạt động và báo cáo điển hình để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trên địa bàn TP.HCM.

Tiếp tục chỉ đạo các phòng GD-ĐT ngày càng quan tâm đến các hoạt động của các cơ sở GDMN độc lập; đẩy mạnh bồi dưỡng năng lực giáo viên mầm non và tạo điều kiện để giáo viên học tập nâng chuẩn đáp ứng Luật Giáo dục 2019.

Tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền đến các cơ sở GDMN độc lập để ngày càng nhiều giáo viên tham gia hội thi trong thời gian tới.

“Sở GD-ĐT tiếp tục duy trì tổ chức hội thi dành cho giáo viên tại các cơ sở GDMN độc lập, với nhiều nội dung phát triển trong chuyên môn phù hợp tình hình nhóm/lớp”.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)