Dấu hiệu đau ruột thừa có thể nhầm lẫn với các dấu hiệu bệnh đường tiêu hóa khác. Bởi vậy nếu không hiểu rõ sẽ khiến ruột thừa có thể vỡ và tình trạng viêm sẽ nhanh chóng lây lan đến các vùng khác của hệ tiêu hóa.
Tìm hiểu về ruột thừa
Ruột thừa (Appendix) là 1 bộ phận của ống tiêu hóa, nằm ở đáy manh tràng, gần ngã 3 nối ruột non (Ileum) và ruột già (Cecum). Đó là 1 ống mỏng dài khoảng 2-4 inches (khoảng 5-10 cm). Thông thường, ruột thừa nằm ở vùng bụng dưới bên phải, tuy nhiên nhiều trường hợp nằm ở các vị trí khác lân cận, thậm chí ở giữa và bên trái bụng.
Vai trò của ruột thừa: Chức năng thật sự của ruột thừa đến nay vẫn còn bàn cãi. Có giả thiết cho rằng, ruột thừa đóng vai trò như 1 kho chứa các lợi khuẩn có ích, nhằm giúp khôi phục lại hệ tiêu hóa sau các đợt tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa. Cũng có giả thiết khác, ruột thừa chỉ là 1 tàn tích của ống tiêu hóa trong quá trình tiến hóa của con người.
Dấu hiệu đau ruột thừa
1. Đau bụng dữ dội
Sự xuất hiện của cơn đau bụng dữ dội là một trong những dấu hiệu đầu tiên của viêm ruột thừa. Triệu chứng này gây ra bởi tình trạng viêm và tăng áp lực lên ruột thừa.
Vị trí đau ruột thừa thường định vị ở vùng bụng dưới bên phải. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cũng có thể bị đau ở vùng gần rốn hay dưới lưng.
Hắt hơi, cử động chân hoặc bụng có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.
2. Buồn nôn và nôn
Bên cạnh đó, cảm thấy buồn nôn và nôn một cách đột ngột cũng có thể là một dấu hiệu đau ruột thừa.
Hiện tượng này được ghi nhận ở 90% ca viêm ruột thừa và thường đến sau cơn đau bụng dữ dội ở người bệnh.
Nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, bạn cần phải đi khám ngay để biết chắc mình có bị viêm ruột thừa hay không.
Nôn một cách đột ngột cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa.
3. Táo bón hoặc ỉa chảy
Ở bệnh nhân đau ruột thừa, có người bị táo bón nặng nhưng cũng có người bị tiêu chảy liên tục. Triệu chứng này thường kèm theo trướng bụng.
4. Trướng bụng
Do đáp ứng viêm ở các mô và sự tích tụ khí trong lòng ruột, người bị viêm ruột thừa thường bị trướng bụng với cảm giác đầy hơi rất khó chịu.
5. Sốt
Cùng với cơn đau bụng, bệnh nhân cũng hay bị sốt (tuy không quá cao) kèm theo run lẩy bẩy. Do đó, nếu bạn bị đau bụng dưới bên phải kèm theo sốt thì tốt nhất phải đi khám ngay để tránh việc phát hiện bệnh quá muộn gây nguy hiểm đến tính mạng.
6. Chán ăn
Khi bị viêm ruột thừa, bệnh nhân có thể bỗng dưng cảm thấy chán ăn mặc dù bình thường họ ăn rất ngon miệng.
Tình trạng viêm ở ruột thừa gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của cơ thể. Trong nhiều trường hợp, viêm ruột thừa có thể ức chế quá trình tạo ra hormon gây đói khiến bệnh nhân mất cảm giác đói và thèm ăn.
Tuy nhiên, tình trạng này cần được được đánh giá cùng sự hiện diện của các triệu chứng khác để đưa ra chẩn đoán một cách chính xác.
7. Đau dội ngược
Đau dội ngược là dấu hiệu giúp chẩn đoán viêm ruột thừa một cách chính xác.
Bác sĩ kiểm tra bằng cách ấn vào vùng bụng dưới bên phải của bệnh nhân. Nếu bị viêm ruột thừa, bạn sẽ thấy đau nhói ở chỗ bị ấn và khi hết ấn, cường độ đau càng dữ dội hơn.
Liệu cơ thể bạn có đang xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào đã đề cập ở trên? Nếu có, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức để biết chắc rằng bạn có bị viêm ruột thừa hay không.
Hãy luôn nhớ rằng, phát hiện bệnh càng sớm, khả năng điều trị thành công càng cao.
8. Co cứng thành bụng
Bệnh đau ruột thừa có thể nhận biết qua việc thành bụng co cứng. Khi đau bụng tăng dần dẫn đến nguy cơ bệnh nhân bị vỡ ruột già từ đó gây hiện tượng co cứng bụng. Đây là một trong những dấu hiệu đau ruột thừa thường gặp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu trên có thể dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hoá hay ngộ độc. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ viêm ruột thừa khác với trúng độc ở chỗ là bụng đau âm ỉ và tăng dần, còn ngộ độc hay đau do rối loạn tiêu hoá sẽ bị đau quặn ngay lập tức. Bên cạnh đó, khi bị ngộ độc, các dấu hiệu trên thường xuất hiện cùng lúc, còn các dấu hiệu đau ruột thừa sẽ xuất hiện lần lượt, từ nhẹ đến nặng.
Đau ruột thừa thực sự rất nguy hiểm bởi nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể gây vỡ ruột, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, tốt nhất, khi xuất hiện các dấu hiệu đầu, các bạn nên đi khám ngay, đừng để đến khi gặp các dấu hiệu nặng như sốt hay thành bụng căng cứng mới đi điều trị nhé.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)