Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

8 kiến nghị ngành giáo dục TP.HCM gửi Bộ Giáo dục – Đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD – ĐT, trong buổi làm việc giữa Bộ GD – ĐT và UBND TP về phát triển giáo dục và đào tạo, đã đưa ra 8 kiến nghị lớn đối với Bộ GD – ĐT. 

Tại buổi làm việc, sau khi có báo cáo rất chi tiết về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn đã trình bày 4 mục tiêu đạt được cụ thể của mỗi học sinh định hướng đến năm 2020 bao gồm:

  – Được học tập và hoạt động cả ngày trong trường.

  – Được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới, chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu.

  – Có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn để có thể tiếp tục học tập, làm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

  – Có thể chơi được ít nhất một môn thể thao; có kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật và có kỹ năng thực hành xã hội để có thể thích ứng cuộc sống.   


Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với Bộ GD ĐT. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để đạt được mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo 8 kiến nghị: 

1. Cho phép ngành giáo dục và đào tạo thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, trước mắt đề xuất một số nội dung cụ thể như sau:

1.1. Cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc (Văn – Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.

1.2. Cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.

1.3. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.

1.4. Giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi toàn quốc.

1.5. Tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo 4 kỹ năng Nghe – Đọc – Nói – Viết (không xét việc hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay)

1.6. Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…)

2. Giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh…

3. Thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp (hiện nay do ngành giáo dục & đào tạo và ngành lao động-TB-XH quản lý).

4. Bộ GD&ĐT có Thông tư hướng dẫn việc điều động giáo viên sang làm việc ở các Trung tâm học tập cộng đồng.

5. Điều chỉnh Thông tư 06/2015/BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 liên Bộ GD&ĐT – Bộ Nội vụ cho phép trường mầm non hạng 1 tuyển dụng đủ 4 chức danh, hạng 2 tuyển 3 chức danh.

6. Điều chỉnh tỷ lệ % trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tùy theo đặc thù từng địa phương.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kiến nghị của UBNDTP tại văn bản số 6672/UBND-VX ngày 12/12/2013 về kiến nghị điều chỉnh, bổ sung Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể : điều chỉnh đối với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố có diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ giáo dục và đào tạo tối thiểu là 2m2/học sinh.

8. Hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc quản lý các đơn vị có yếu tố nước ngoài, các trung tâm tư vấn du học (do hiện nay theo Luật Đầu tư thì hoạt động tư vấn du học không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Cụ thể:

 + Kiến nghị đưa dịch vụ tư vấn vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

+ Bộ GD&ĐT sớm hướng dẫn các Sở GD&ĐT thực hiện công tác quản lý nhà nước các cơ sở dịch vụ tư vấn du học theo Khoản 15, Điều 6, Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục sau ngày 01 tháng 7 năm 2016.

 

 PHẠM ANH – HOÀNG GIANG/ PLO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)