Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

8 lời khuyên để chuẩn bị tốt cho các kỳ thi

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T

Học sinh đang ra sức ôn tập để đạt kết quả tốt trong các kỳ thi. Mục tiêu là làm sao trong thời gian ngắn nhất, ôn tập tốt nhất và để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất… 8 lời khuyên sau đây của các chuyên gia trên thế giới giúp các bạn “những điều kiện cần” để đạt kết quả tốt trong học tập.
1. Phải biết điểm mạnh, điểm yếu của chính mình
Mỗi người có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Có người kém toán nhưng giỏi ngoại ngữ; có người kém văn, toán nhưng có năng khiếu đặc biệt về nhạc hoặc họa. Phải dựa vào điểm mạnh của mình để có lòng tự tin khi chọn ngành. Đừng vì lý do nào khác (do sức ép của cha mẹ, do bạn bè rủ rê, do cảm tính yêu thích nhất thời…) mà bỏ điểm mạnh, chạy theo điểm yếu. Chú ý rằng cái mình ưa thích chưa chắc đã là điểm mạnh. Phải qua thực tiễn để đánh giá đúng thực lực (ví dụ điểm số, khả năng tiếp thu…) để tự đánh giá đúng điểm mạnh.
2. Phải chọn ngành nghề, môn học mà mình ưa thích
Não bộ chỉ tiếp thu tốt khi nó cảm thấy hưng phấn. Cố nhồi nhét cái mà mình không thấy thích, khó mà đạt kết quả tốt. Người ta đã chứng tỏ rằng sức chú ý và niềm say mê có liên quan chặt chẽ với nhau. Người thích môn toán có thể tập trung tư tưởng giải bài toán suốt buổi, thậm chí suốt ngày mà không chán. Điểm mạnh và niềm say mê tạo thành một động lực mạnh mẽ giúp học tập có kết quả.
3. Phải biết thay đổi loại hình lao động trí óc
Đừng bắt trí óc gò vào một loại hình lao động đơn điệu, sức tập trung và khả năng sáng tạo sẽ bị mòn mỏi. Sau nhiều giờ làm một bài toán không ra, hãy tạm thời để đó, chuyển qua đọc truyện, chơi cờ…, sau đó hãy trở lại làm toán. Nếp suy nghĩ cũ dẫn đến bế tắc có thể bị xóa đi nhường chỗ cho sáng kiến mới.
4. Dẹp bỏ stress    
Muốn học tốt phải loại bỏ những gì làm ức chế tình cảm, suy nghĩ. Phải giải quyết tốt mọi lo âu phiền muộn về kinh tế, tình cảm trong thời gian tập trung học. Tâm hồn có thư thái, tình cảm có thoải mái, điều kiện sống có đảm bảo thì học mới vào. Muốn như vậy phải có sự chuẩn bị trước (chỗ ở, sách vở, phương tiện đi lại, mọi vướng víu về tình cảm…).
5. Hoạt động thể dục thể thao
Bắt trí óc làm việc liên tục, trong khi các cơ bắp và khớp xương bị trì trệ, sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải, học nhiều mà kết quả ít, hoặc học không vô. Phải xem việc dành mỗi ngày ít nhất 30 phút để hoạt động thể thao (chơi bóng, chạy, bơi, đi bộ…) cũng là một phần trong quá trình học tập chuẩn bị cho kỳ thi.
6. Tuân theo nhịp sinh học của cơ thể
Mỗi người có một đồng hồ sinh học riêng. Người thích ngủ thật sớm, rồi dậy thật sớm để học; người thích thức khuya dậy muộn. Theo các nhà sinh lý học, nói chung trí não con người làm việc có năng suất nhất vào khoảng từ 8 giờ đến 11 giờ. Buổi sáng, trước 7 giờ, cơ thể còn sức ỳ chưa kịp nhả hết. Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, cần tập trung năng lượng cho dạ dày tiêu hóa, người ta hay buồn ngủ, uể oải, tốt nhất là ngủ một giấc ngắn mà sâu, nếu không cũng phải nằm thư giãn hoàn toàn khoảng 45 phút.
7. Ăn uống đủ chất, thích hợp
Não bộ chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng tiêu thụ 20% năng lượng thức ăn. Não bộ cần chế độ giàu axit béo, vitamin E, A, C. Cần ăn trái cây và rau. Cần ăn món ăn thay đổi và cân bằng. Chú ý rằng bữa ăn sáng rất quan trọng, vì nó giúp ta duy trì khả năng làm việc tốt buổi sáng.
8. Bảo đảm giấc ngủ ngon ban đêm
Nếu ban đêm ngủ ngon giấc, ban ngày thấy thoải mái, làm việc có năng suất. Mất ngủ ban đêm là một tai họa cho người làm việc trí óc. Theo thí nghiệm của những nhà khoa học, giấc ngủ ngon ban đêm củng cố rất tốt những gì đã tiếp thu ban ngày. Không phải “ngủ cho quên sự đời”, mà chính “ngủ để nhớ kỹ sự đời”.
Mỗi học sinh, tùy theo hoàn cảnh cần cố gắng thực hiện 8 điều kiện cần ở trên đến mức tối đa, để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi.
Phan Việt Khoa
 (Theo C’à m’intéresse – Pháp)

Bình luận (0)