Sự kiện giáo dục

8 năm liên tiếp TP.HCM dẫn đầu điểm thi tiếng Anh: Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ lý do

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM có điểm trung bình môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 6,73 – giảm nhẹ so với năm trước nhưng vẫn dẫn đầu cả nước. Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp TP dẫn đầu cả nước về kết quả môn tiếng Anh.

Kế đó là Bình Dương với 6,65 điểm; Bà Rịa – Vũng Tàu với 6,22 điểm. Hà Nội ở vị trí thứ 4 với 6,19 điểm.

Năm 2023, điểm trung bình môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT của TP.HCM là 6,75. Kết quả năm so với 2023 không thay đổi quá nhiều, chỉ giảm nhẹ 0,02 điểm.

Nhìn lại trong vòng 8 năm nay, từ năm 2017 đến năm 2024, có thể thấy điểm trung bình môn tiếng Anh của TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn cao hơn so với điểm trung bình môn của cả nước với mức vượt ổn định, dao động từ 1,14 điểm – 1,42 điểm. Trong đó, vượt xa nhất là năm 2019 khi TP “bỏ xa” cả nước đến 1,42 điểm.

Cụ thể, bảng số liệu điểm trung bình môn tiếng Anh TP.HCM so với điểm trung bình môn tiếng Anh cả nước tính từ năm 2017 đến nay như sau:

Vì sao TP.HCM luôn dẫn đầu môn tiếng Anh?

Từ năm 1999, TP.HCM là địa phương tiên phong trên cả nước trong việc dạy chương trình tiếng Anh cho học sinh lớp 1, với thời lượng 8 tiết/tuần và mang lại hiệu quả tốt. Từ đó đến nay, hàng năm tỷ lệ học sinh lớp 1 tại TP được học tiếng Anh lên đến 100%.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc

Nhiều năm nay, nhằm đáp ứng với yêu cầu của đổi mới và đòi hỏi của một TP lớn nhất cả nước, TP.HCM đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, qua đó đa dạng được các loại hình giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường, bao gồm: Tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD-ĐT; tiếng Anh tăng cường; tiếng Anh với người nước ngoài; tiếng Anh với phần mềm bổ trợ.

Từ học kỳ II năm học 2014-2015, TP.HCM triển khai đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp khung chương trình quốc gia Anh và Việt Nam”, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn thành phố theo chuẩn quốc tế, mở ra thêm một loại hình tiếp cận tiếng Anh cho học sinh thành phố.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, sự đa dạng các loại hình tiếng Anh trong trường học đã đáp ứng được nhu cầu học của từng đối tượng học sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong mỗi nhà trường.

“Thời gian qua, ngành GD-ĐT TP thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM. Các chương trình, đề án đột phá của ngành huy động được nguồn lực xã hội và đạt hiệu quả cao như: chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học; chương trình “Dạy và học toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP.HCM; chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài; các hoạt động câu lạc bộ; các cuộc thi khoa học kỹ thuật, học thuật đánh giá theo chuẩn quốc tế được chú trọng. Những điều này đã góp phần giúp TP.HCM đạt được kết quả cao trong dạy và học tiếng Anh” – ông Nguyễn Bảo Quốc phân tích.

80% học sinh THPT thông tạo giao tiếp bằng tiếng Anh đến năm 2030

Trong chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học có trình độ ngoại ngữ A1 hoặc tương đương; 100% học sinh hoàn thành chương trình trung học đạt cấp độ ngoại ngữ từ A2 và tương đương trở lên; 50% học sinh tiểu học đạt chứng chỉ tin học, ngoại ngữ quốc tế (trường tiên tiến hội nhập quốc tế tỷ lệ 80%).

80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ); 60% giáo viên thành thạo giao tiếp và tiếp cận học liệu bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ); 

Riêng ở bậc mầm non, hiện TP.HCM đang đẩy mạnh tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT, song song đó TP khuyến khích khảo sát kết quả làm quen tiếng Anh cho trẻ, để nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả 8 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, không thể không kể đến sự đầu tư của phụ huynh học sinh, quan tâm đến trang bị năng lực ngoại ngữ cho con em từ xa, từ sớm. Đến thời điểm này, TP.HCM có gần 800 số lượng trung tâm ngoại ngữ, tin học, trong đó có 102 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy nhu cầu của phụ huynh học sinh trong việc học tiếng Anh là rất lớn.

TP.HCM 8 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước môn tiếng Anh

Hơn cả, theo ông Quốc, kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của TP.HCM nhiều năm nay cho thấy những nỗ lực của quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá trong môn học của giáo viên, nhà trường, từ cấp tiểu học đến THPT. Ngành GD-ĐT TP.HCM rất chú trọng trong việc triển khai các mô hình hay, hiệu quả trong dạy và học môn tiếng Anh. Từ cấp tiểu học, 2 năm nay TP duy trì việc thực hiện sân chơi nhạc kịch bằng tiếng Anh, làm phim bằng tiếng Anh, học lịch sử bằng tiếng Anh, đã mang đến sự hứng thú cho học sinh cũng như nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)