Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

8 năm – vui buồn cùng Một thời dấu yêu

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như chương trình Duyên dáng Việt Nam gắn liền với thương hiệu của Báo Thanh Niên thì Một thời dấu yêu gắn với thương hiệu của Báo Giáo Dục TP.HCM suốt 8 năm qua. Và cũng ngần ấy năm, tôi được chú Tạ Văn Doanh – Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM tin tưởng giao vai trò biên tập chương trình. Có thể nói, Một thời dấu yêu là “món ngon đặc sản” của riêng báo chúng tôi – chương trình được thực hiện nhân ngày kỷ niệm 20-11 hàng năm để tôn vinh công ơn của quý thầy cô giáo cũng như gợi nhớ lại những kỷ niệm của một thời cắp sách đến trường. Chương trình đầu tiên được thực hiện trong thời kỳ hưng thịnh của Làn sóng xanh, một số ca sĩ “ngôi sao” (không có ý thức với nghề) khi được mời tham gia đã một mực đòi hát bài “hit” của mình chứ nhất định không đồng ý hát ca khúc mà tôi – người biên tập sắp xếp cho phù hợp với nội dung của chương trình. Dù đã cố gắng thuyết phục nhưng cuối cùng, vẫn không có “tiếng nói chung” nên tôi quyết định thà mất “sao” chứ nhất định không để nội dung chương trình đi lệch hướng, đi lệch với tiêu chí từ đầu mà Ban tổ chức đặt ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều “ngôi sao” mà tình cảm của họ dành cho chương trình này khiến tôi vô cùng xúc động. Trong Một thời dấu yêu 3, tôi gọi điện mời ca sĩ Lam Trường tham gia. Anh cho biết thời gian này sẽ đang lưu diễn ở nước ngoài, đồng thời ở lại dự đám cưới của cô em gái bên Mỹ cách ngày chương trình công diễn có hai ngày. Cứ tưởng anh thẳng thừng từ chối. Không ngờ anh cứ phân vân và tìm cách giải quyết “sự cố” về mặt thời gian. Cuối cùng, anh quyết định nhận lời tham gia. “Bay” sang Mỹ diễn một số chương trình bên ấy, dự lễ cưới của em gái xong, thay vì ở lại nghỉ ngơi một ngày, anh trở về Việt Nam ngay để tối hôm sau, anh bước ra sân khấu Lan Anh biểu diễn. Xong, hôm sau anh lại tiếp tục “bay” sang Mỹ để giải quyết một số công việc. Nhiều người đùa: “Lam Trường bỏ 10 triệu tiền chi phí đi lại để lấy… 1 triệu đồng (tiền cát-xê chương trình)”, anh cười thật tươi bảo đó là trách nhiệm cần phải làm. “Ngôi sao” trẻ hôm nay, có mấy ai được như anh?
Là nhà báo kiêm biên tập, tôi chịu khá nhiều áp lực, bởi chương trình được truyền hình trực tiếp, giờ giấc tính khít khao từng phút. Vậy mà có năm do nhà đài “lên sóng” trễ, một số ca sĩ hát cuối bị “rớt sóng” trực tiếp. Thế là tôi phải “hứng chịu” sự giận dỗi của các “sao”. Nhưng rồi sau đó khi được giải thích, họ cũng hiểu ra, lại vui vẻ và năm sau hợp tác tiếp… Mỗi năm đến “mùa” Một thời dấu yêu, tôi lại ăn ngủ không yên vì lo lắng. Nhưng tôi cảm thấy vui thật sự vì chương trình đến hôm nay đã có thương hiệu riêng trong lòng khán giả, nhất là đối tượng giáo viên và học sinh. Tôi yêu Một thời dấu yêu như yêu Báo Giáo Dục TP.HCM – “mái nhà” mà tôi đã gắn bó suốt 12 năm qua. Mới đó mà đã tròn số báo 1.000 (bộ mới), giật mình nhìn lại, thời gian qua thật nhanh nhưng cũng đủ để cho tôi trưởng thành hơn với nghề mà mình đã chọn…
SONG MINH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)