Trẻ bị hen suyễn khi lớn lên có hết bệnh không; các yếu tố dẫn đến khởi phát cơn hen; làm sao phòng tránh bệnh… là những thắc mắc phổ biến.
Thạc sĩ, bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM giải đáp 8 thắc mắc phổ biến về bệnh hen suyễn như sau:
– Triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn?
Trả lời: Triệu chứng của hen suyễn là khò khè, ho, đàm, khó thở tái đi tái lại, có khi biến mất tạm thời rồi bị lại (thành đợt).
– Nếu không chữa trị kịp thời, biến chứng của hen suyễn nặng tới đâu?
Trả lời: Nếu là đợt cấp cứu, không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Không chữa trị thường xuyên và đúng cách, để lâu dài sẽ gây tắc nghẽn đường dẫn khí cố định (không gỡ ra được nữa), làm giảm khả năng hoạt động (gây khó thở kinh niên).
– Ngay cả khi cấp cứu, liệu triệu chứng hen suyễn có bị nhầm với các bệnh khác không?
Trả lời: Nếu không phải là bác sĩ, triệu chứng hen suyễn có thể nhầm lẫn với các đợt suy tim cấp, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), thuyên tắc phổi…
Các yếu tố làm khởi phát cơn hen ở trẻ.
– Cần bao lâu để chữa dứt hen suyễn? Với chương trình hỗ trợ thuốc trong 2 năm đã đủ chưa?
Trả lời: Chưa có cách chữa dứt bệnh hen suyễn nhưng có thể kiểm soát được. Hai năm hỗ trợ tiền thuốc sẽ đủ để kiểm soát bệnh hen, nhưng người bệnh vẫn cần tái khám mỗi năm một lần.
– Trẻ bị hen suyễn khi lớn có hết bệnh không?
Trả lời: Tỷ lệ trẻ bị hen suyễn khi lớn lên cứ 4 em sẽ có: Một trường hợp khỏi hẳn bệnh, một phải tiếp tục dùng thuốc cả đời, 2 em sẽ dứt tạm thời và đến tuổi trung niên có thể bị lại.
– Tỷ lệ trẻ bị hen suyễn trong cộng đồng là bao nhiêu?
Trả lời: Theo ước lượng của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ bị hen suyễn khoảng 10%.
– Các yếu tố giúp phòng tránh hen suyễn?
Trả lời: Để phòng bệnh, cần tránh hút thuốc dù chủ động hay thụ động. Không tiếp xúc các chất kích thích. Tránh các thức ăn gây dị ứng cho người bệnh. Tăng cường uống sữa và các loại trái cây như cam, chanh, quýt, bưởi. Tập thể dục, phơi nắng sáng. Lau chùi nhà cửa mỗi ngày một lần. Mùng mền chăn chiếu giặt nước sôi hoặc phơi nắng mỗi tuần một lần. Bệnh nhân đang điều trị cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
– Làm sao phòng tránh các yếu tố khởi phát cơn hen?
Trả lời: Có nhiều yếu tố dẫn đến khởi phát cơn hen như thay đổi thời tiết, nhiễm trùng hô hấp, cảm cúm, xúc động, hoạt động gắng sức. Các yếu tố qua đường thở gồm khói từ thuốc lá, bếp, nhang, nhà máy, bụi ngoài đường, trong nhà, trong vải, phấn, phấn hoa, các loại mùi nồng, nước hoa, thuốc xịt, hóa chất, nấm mốc. Thú nuôi có lông như chó, mèo. Gián và các chất chiết của gián. Con mạt nhà trên giường gối. Ngoài ra còn có các yếu tố qua đường ăn uống như hải sản, bò, gà, thức ăn lên men gồm mắm, chao, đồ lạnh, rượu bia, thuốc Aspirin, giảm đau, kháng viêm.
Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn (Asthma) là một bệnh lý viêm mãn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào.
Biểu hiện là phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp có hồi phục do được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc. Hen có 2 đặc tính then chốt: bệnh sử các triệu chứng hô hấp (ho, khò khè, khó thở, nặng ngực) biến đổi theo thời gian và độ nặng, và sự giới hạn dòng khí thở ra có thể thay đổi.
Triệu chứng bệnh bao gồm những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho đặc biệt xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm, đây là những dấu hiệu của suyễn. Giữa các cơn thì người bệnh cảm thấy bình thường.
Sự rối loạn mãn tính đường hô hấp tạo ra sự phản ứng với các kích thích khác nhau, xác định là sự phản ứng quá mức ở cuống phổi, viêm, gia tăng sự tạo đờm và sự nghẽn đường thở từng cơn. Triệu chứng của suyễn có thể xếp từ nhẹ đến nguy hiểm đến tính mạng, có thể điều chỉnh bằng sự kết hợp của nhiều loại thuốc hay thay đổi lối sống.
|
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)