Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

80% bệnh nhân ung thư do viêm gan siêu vi B

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ sơ sinh cần tiêm phòng viêm gan siêu vi B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Ảnh: M.N

Đó là kết quả mà PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng (ĐH Y dược TP.HCM) cho biết tại hội thảo “Viêm gan siêu vi B: Tác nhân gây ung thư và xơ gan”. Nếu bị bệnh mà không được chẩn đoán, điều trị kịp thời thì dẫn đến xơ gan và ung thư gan gây tử vong.
Phần lớn trẻ sơ sinh bị lây nhiễm từ mẹ
Viêm gan nói chung là khi tế bào bị hư hại và vỡ ra, phóng thích men gan ra ngoài, khi xét nghiệm thấy men gan gia tăng trong máu. Hiện tượng này kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan. Theo BS. Hữu Hoàng thì nguyên nhân đầu tiên phổ biến là do siêu vi trùng, vi trùng, rượu, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, một số thuốc tây, thảo dược… trong đó viêm gan do siêu vi là nguyên nhân thường gặp nhất. Nó sẽ gây ra viêm gan cấp và mạn tính, lây nhiễm qua đường tiêu hóa, đường truyền máu, dịch tiết của người bị nhiễm, sinh dục. Có 6 loại siêu vi gây viêm gan đó là A, B, C, D, E, G, trong đó siêu vi viêm gan B và C là phổ biến và nguy hiểm nhất. Việc điều trị khó khăn, tốn kém và tỉ lệ dẫn đến xơ gan, ung thư gan cao nhất. Đối với viêm gan siêu vi B, siêu vi lây nhiễm qua đường tình dục, tiêm chích, từ mẹ sang con (trên 90%), truyền máu… Trong 6 tháng đầu nhiễm, gọi là viêm gan cấp. Nếu như cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng cao thì có thể loại sạch siêu vi trước khi chuyển sang mạn tính. Khoảng 80% người trưởng thành tuổi từ 17-18 tuổi có hệ miễn dịch tốt thì sẽ phục hồi sau đợt nhiễm siêu vi cấp tính, khoảng 10% chuyển sang siêu vi mãn tính trong đó có 20% có biến chứng nặng như xơ gan, ung thư gan. Khi viêm gan siêu vi B chuyển sang mạn tính, lúc này gan bị xơ hóa, qua thời gian thì chuyển thành xơ gan, tạo thành những sẹo gan, giảm đi các tế bào gan khiến gan teo dần dẫn đến suy gan, biến chứng như cổ chướng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư. Có đến 80% bệnh nhân bị ung thư do viêm gan siêu vi B này.
Phòng bệnh là chính
Thông thường viêm gan không có triệu chứng rõ ràng, diễn tiến âm thầm, BS. Hữu Hoàng cho biết: “Cứ 4 người bị thì 1 người có triệu chứng. Đối với viêm gan siêu vi B cấp sẽ có những biểu hiện như cảm cúm, buồn nôn, sụt cân, ăn kém ngon, mẩn ngứa khắp người. Khi nặng hơn thì sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu vàng sậm. Với trường hợp mạn tính, đa số không có triệu chứng, bản thân người bệnh cảm thấy sức khỏe bình thường. Đôi khi mệt mỏi, chán ăn thoáng qua kéo dài nhiều năm tháng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể”. Vì những lí do trên khiến nhiều người thường chủ quan về bệnh, không để ý đến sức khỏe. Không biết rằng gan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, bất cứ loại thức ăn, nước uống… nào dung nạp vào cơ thể thì gan có chức năng lọc, loại bỏ các độc chất, vi khuẩn và là nơi dự trữ năng lượng. Chỉ khi cơ thể có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, nổi mẩn ngứa mới đi khám. Qua khám, xét nghiệm thì gan đã bị tổn thương nặng, rất khó để cứu vãn. Việc điều trị viêm gan siêu vi B hết sức tốn kém. Mỗi tháng người bệnh mất khoảng 3-4 triệu đồng điều trị. Đối với những gia đình khó khăn thì cơ hội điều trị rất khó, có nguy cơ lây lan ra nhiều thế hệ khác và cả cộng đồng xung quanh. Vì thế, việc phòng ngừa là biện pháp hữu hiệu nhất. Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, một năm ít nhất 2 lần hoặc có thể 1 lần. Đối với phụ nữ mang thai cần xét nghiệm siêu vi viêm gan, trẻ sơ sinh cần tiêm phòng trong vòng 24 giờ đầu sau sinh vì chủng ngừa ở trẻ nhỏ đạt hiệu quả bảo vệ trên 95%, làm giảm đáng kể tỷ lệ mang kháng nguyên virus, chi phí chủng ngừa lại thấp hơn chi phí điều trị.
Ngọc Trinh

Bình luận (0)