Y tế - Văn hóaThư giãn

80 tuổi vẫn chạm được vào điểm nóng văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục


 

"Hiện tượng Nguyễn Xuân Khánh" vừa được "mổ xẻ" tại cuộc tọa đàm khoa học lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh do Viện Văn học tổ chức vào sáng 15-10.

"Nguyễn Xuân Khánh lựa chọn ngón chơi hợp lý (chí ít là trong thời hiện tại). Ông không chạy theo kiểu tự sự hiện đại, hậu hiện đại (còn quá lạ lẫm với nhiều người) mà lựa chọn lối viết gần với truyền thống (có đổi mới) để tiểu thuyết không rơi vào nệ thực và ghi chép… Chính vì tránh được lối viết tẻ nhạt này, lại chạm đúng điểm nóng xưa/nay mà tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh được nhiều người tìm đọc và dễ được nhất trí để trao giải. Ðiểm nóng thứ nhất là nhu cầu/phương cách đổi mới và điểm nóng thứ hai là bản sắc, sức mạnh văn hóa dân tộc trong quá trình xung đột về quyền lực chính trị và quyền lực văn hóa". Cách tiếp cận và lý giải của TS Nguyễn Ðăng Ðiệp – viện trưởng Viện Văn học – là một trong nhiều cách lý giải về bộ ba tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn Ðội gạo lên chùa của nhà văn đúng tháng 10-2012 này tròn "bát tuần thượng thọ".
Cuộc tọa đàm là một động thái của xu hướng tiếp cận đa chiều về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh như một hiện tượng đáng chú ý của tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21, khẳng định những nỗ lực tìm kiếm cũng như chỉ ra được hạn chế trong nghệ thuật tự sự nhằm nhận diện, lý giải chuyển động của tư duy tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Gần 30 tham luận của các nhà văn, nhà giáo, nhà lý luận, phê bình văn học từ Viện Văn học, Ðại học Sư phạm Hà Nội, Ðại học Văn hóa, Ðại học Khoa học Huế, Ðại học Hồng Ðức… đã tập trung làm rõ xu hướng tiếp cận này.
Và hầu hết các nhà văn – nhà nghiên cứu đều đánh giá tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh chưa đi ra ngoài phạm vi của tiểu thuyết truyền thống. Nhưng giá trị những đóng góp của ông về phương thức tiếp cận lịch sử, cách đặt vấn đề về ảnh hưởng của các hệ tư tưởng tôn giáo khác nhau trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam, và đặc biệt ý thức mãnh liệt của ông trong việc tìm tư liệu, lý giải, lắp ghép, đan cài chúng trong các xung đột tiểu thuyết của mình, tạo nên cái hồn cốt riêng cho tác phẩm… được nhiều diễn giả và cử tọa chia sẻ. TS Nguyễn Thị An còn khẳng định trong hệ thống tác phẩm của mình, Nguyễn Xuân Khánh đã sử dụng "tín ngưỡng dân gian với tư cách là phản tự vệ của một dân tộc".
Dịp này, cuốn sách Lịch sử, văn hóa – Cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh dựa trên các tham luận và các bài báo, bài phê bình về Nguyễn Xuân Khánh cũng đã được ấn hành.
Theo TTO

Bình luận (0)