Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“82 kiếp nạn” khi ra rạp xem phim

Tạp Chí Giáo Dục

Bất chấp việc hầu hết các đoàn phim Việt hiện nay đều cố gắng xây dựng những clip house rules (quy định xem phim tại rạp) để chiếu trước khi phim mở màn, những hành vi thiếu văn hóa ở rạp phim vẫn tồn tại.

Đủ kiểu làm phiền

Một trong những “đặc sản” thú vị của phim Việt nhiều năm gần đây là các house rules mang màu sắc riêng biệt của phim sắp chiếu. Đây là những clip có yếu tố vui vẻ, hài hước nhằm mục đích nhắc nhở người xem về các hành vi không được phép tại rạp. Các quy định cấm trong rạp phim thường là không nói chuyện, hút thuốc, gác chân lên ghế trước, dùng điện thoại… Nhiều clip được dàn dựng rất công phu, sáng tạo. Song mặc những nỗ lực phổ biến “cách đi xem phim mà không bị ghim” của đoàn phim, một bộ phận khán giả vẫn “hồn nhiên” phạm vào những hành vi bị cấm. 

“Kiếp nạn” phổ biến nhất mà nhiều người gặp phải khi ra rạp xem phim là ngồi gần người vô tư sử dụng điện thoại. Thôi thì đủ lý do: chụp ảnh selfie, lướt mạng, kiểm tra tin nhắn, thậm chí gọi điện thoại nói chuyện oang oang như chỗ không người. Màn hình điện thoại sáng trưng không chỉ gây chói mắt mà còn khiến các “nạn nhân” xung quanh bị phân tán, mất tập trung khi theo dõi phim. Rất ít người dùng điện thoại ý thức phải giảm độ sáng màn hình để tránh gây phiền toái. Cảm giác đang xem đến đoạn gay cấn, tiếng chuông điện thoại vang lên có thể nói không khác gì bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt.

Nhan nhản trên TikTok là các đoạn quay lén tiết lộ những cảnh đặc sắc trong phim Mai

Nhan nhản trên TikTok là các đoạn quay lén tiết lộ những cảnh đặc sắc trong phim Mai

Một hành vi khó coi khác thường xảy ra là đạp vào ghế ngồi phía trước. Trường hợp này thường gặp ở những bộ phim dán nhãn phân loại dành cho cả gia đình. Với bản tính hiếu động của trẻ con, các khán giả nhí thường vô tư vung tay vung chân, nhất là khi xem đến những đoạn cao hứng. Những phụ huynh lịch sự thì nhắc nhở con cái khi bị phàn nàn; nếu không, “nạn nhân” chỉ còn biết trân người chịu đựng suốt buổi xem phim. Các khán giả nhí cũng đem đến một “kiếp nạn” khác là làm ồn trong rạp. Không khó gặp trường hợp các ông bố bà mẹ phớt lờ quy định về độ tuổi xem phim, dẫn con nhỏ vào rạp. Phim đang đến đoạn cao trào, việc bất ngờ có tiếng khóc ré lên, tiếng quát nạt, la rầy của cha mẹ vang lên là điều không hiếm.

Thủ phạm làm ồn ở rạp không chỉ có trẻ em mà cả người lớn. Có những người xem phim nhưng miệng nói liên hồi: bình phẩm về diễn viên, giải thích cảnh phim với người bên cạnh, dự đoán thậm chí là kể trước tình tiết sắp xảy ra (những người đã xem trước), “buôn chuyện” với nhau… khiến người xung quanh chỉ biết ngao ngán, thở dài.

Hại người, tự làm xấu mình

Trong số những hành vi thiếu văn hóa trong rạp phim, chuyện quay lén, spoil (tiết lộ nội dung) phim là hành vi đáng lên án nhất. Mấy ngày qua, nhan nhản trên nền tảng TikTok là những clip quay trộm đoạn kết phim Mai hay vài cảnh quay đắt giá, xúc động trong phim Gặp lại chị bầu. Các video kết phim Mai đã thu hút nhiều người coi, lọt vào top tìm kiếm. Trước tình trạng này, đạo diễn Trấn Thành đã phải lên tiếng trên trang cá nhân: "Mọi người ơi, xin đừng spoil phim! Xin đừng post cái kết của phim lên các nền tảng. Làm ơn đi ạ! Em xin mọi người đấy!". Bài viết của anh thu hút đông đảo người hâm mộ vào ủng hộ và chỉ trích những kẻ spoil phim.

Hầu như phim nào đang ăn khách ngoài rạp cũng khó tránh chuyện bị quay lén, lộ nội dung. Các phim tết năm ngoái như Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2 cũng chung số phận. Dưới những clip quay trộm là các lời bàn tán, bình luận của những người đã xem. Họ kể vanh vách các tình tiết, diễn tiến, số phận nhân vật. Điều này làm những ai chưa xem phim mất hẳn hứng thú ra rạp, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của phim. Chuyện khoe mẽ trên mạng ở những “con sâu làm rầu nồi canh” này không chỉ làm hại đến đoàn phim mà còn tự hại mình, vì đây là hành vi phạm pháp. 

Những năm gần đây, điện ảnh Việt ngày càng phát triển. Doanh thu nhiều phim Việt vượt xa phim ngoại chiếu cùng thời điểm. Công đó thuộc về những người xem phim. Thị hiếu, văn hóa khán giả cũng ngày càng được nâng tầm. Tuy vậy, không thể phủ nhận vẫn còn một bộ phận người xem chưa có ý thức cao trong các hành xử ở rạp phim. Những hiện tượng như hút thuốc, đem thức ăn bên ngoài vào rạp, live stream, thể hiện tình cảm quá đà trong rạp ít còn thấy, nhưng nhiều hành vi kém văn hóa như đã kể trên vẫn còn tồn tại. Không phải ai cũng mạnh dạn lên tiếng phản ứng trước những hành vi thiếu văn hóa ấy vì gây ồn ào, chú ý giữa đám đông, tại nơi công cộng là điều thiếu tế nhị.

Xem phim là hình thức giải trí, nhưng cũng là một hoạt động văn hóa. Rạp chiếu phim là không gian văn hóa, vậy nên hãy là người có văn hóa khi bước vào không gian trên. Đó cũng là cách gián tiếp tạo nên sự chuyên nghiệp cho môi trường phim ảnh. 

Có một lưu ý nho nhỏ nữa để góp phần vào sự chuyên nghiệp khi xem phim là khoan vội đứng lên khi vừa xong cảnh cuối phim, trừ khi có việc phải về gấp, bởi đó thường là lúc bạn sẽ được thưởng thức một ca khúc đặc sắc kết phim hay nhiều cảnh hậu trường thú vị. Hơn thế, đó cũng là cách bày tỏ sự tôn trọng với ê kíp làm phim, bởi ngoài những diễn viên ta thấy trên màn hình còn có những người tạo nên thành công của phim mà tên tuổi chỉ được xuất hiện vài giây ngắn ngủi ở phần chạy chữ cuối phim (credit). 

Theo Nguyễn Ngọc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)