Sự kiện giáo dục

TP.HCM: Nhiều quận huyện hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm học 2024-2025, TP.HCM có 13 quận huyện hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đến trường (từ 5-18 tuổi). Tính trên toàn thành phố, chỉ tiêu đạt 295 phòng học.

Nhiều địa phương TP.HCM hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân

13 địa phương đạt chỉ tiêu

Nỗ lực xây dựng trường lớp ở từng địa phương đã không chỉ giải quyết bài toán về chỗ học cho mọi học sinh thành phố mà còn từng bước kéo giảm sĩ số học sinh/lớp, sĩ số học sinh/trường, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Các địa phương đạt chỉ tiêu 300 phòng học trong năm học tới bao gồm: TP.Thủ Đức (303 phòng); quận 1 (720); quận 3 (404); quận 4 (301); quận 5 (478); quận 6 (317); quận 7 (308); quận 10 (422); quận 11 (303); quận Phú Nhuận (368); huyện Củ Chi (315); huyện Nhà Bè (307); huyện Cần Giờ (397).

Như vậy, so với năm học 2023-2024, năm nay TP.HCM có thêm quận 4 đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân. Năm trước, chỉ tiêu của quận này là 286 phòng.

Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu, gồm: quận 8 (296 phòng); quận 12 (227); quận Gò Vấp (233); quận Tân Bình (297); quận Tân Phú (244); quận Bình Thạnh (298); quận Bình Tân (291); huyện Hóc Môn (216); huyện Bình Chánh (289). Đây là những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực gia tăng dân số cơ học hàng năm cao.

Dù thế, so với số phòng học đạt được trong năm học trước thì năm nay số phòng học tại các địa phương này đã được tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm học trước các quận này đạt số phòng học như sau: quận 8 (292 phòng); quận 12 (235); quận Gò Vấp (205); quận Tân Bình (288); quận Tân Phú (255); quận Bình Thạnh (297); quận Bình Tân (288); huyện Hóc Môn (211); huyện Bình Chánh (260).

Nỗ lực về đích Đề án 4.500 phòng học giúp TP.HCM giảm áp lực về trường lớp

Điều này cho thấy, các địa phương đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng trường lớp, nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho con em trên địa bàn. Tuy nhiên, do đặc thù của một thành phố lớn nhất cả nước, với tốc độ đô thị hóa nhanh, áp lực dân số tăng cơ học hàng năm cao, nhất là các địa bàn ở vùng ven, ngoại thành tập trung nhiều khu công nghiệp như quận 12, huyện Hóc Môn, Tân Phú… thì những nỗ lực về xây dựng mới trường lớp, cơ sở vật chất về cơ bản vẫn chưa theo kịp được với tốc độ tăng dân số cơ học…

Nỗ lực về đích Đề án 4.500 phòng học

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, mỗi năm TP.HCM tăng trung bình khoảng 25.000 học sinh. Thành phố với chủ trương đảm bảo quyền lợi học tập cho mọi con em của thành phố, vì vậy với số học sinh tăng theo hàng năm là áp lực lớn cho các địa phương, đặc biệt là những quận, huyện tập trung nhiều khu công nghiệp. Trong khi số trường lớp xây mới không theo kịp với số học sinh tăng cao hàng năm.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiện nay ngành giáo dục thành phố đang nỗ lực thực hiện công trình xây dựng 4.500 phòng học mới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2025). Công trình đã góp phần tăng thêm nhiều số phòng học mới tại các địa phương, phần nào giúp giảm áp lực về trường lớp cũng như sĩ số học sinh tại nhiều địa phương.

Năm học 2024-2025, TP.HCM dự kiến có trên 1,7 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, tăng hơn 24.000 học sinh so với năm học trước. Các địa phương có số học sinh cao trong năm học mới có thể kể đến như: TP.Thủ Đức với 244.569 học sinh, tăng hơn 6.000 em so với năm học trước; quận 12 với 122.904 học sinh, tăng thêm 5.586 em; quận Gò Vấp với 106.715 học sinh, tăng thêm 2.212 em; quận Tân Phú với 105.113 học sinh, tăng thêm 1.930 em; quận Bình Tân với 137.701 học sinh, tăng thêm 5.831 em; huyện Hóc Môn với 115.471 em; huyện Bình Chánh với 117.551 học sinh, tăng thêm 3.284 em.

Năm học mới, thành phố dự kiến có 23 dự án trường lớp được đưa vào sử dụng, với tổng số 476 phòng học mới được tăng thêm, đảm bảo viêc dạy và học cho học sinh thành phố.

Các địa phương có nhiều dự án mới đưa vào sử dụng như, quận Bình Tân với 7 dự án trường học (1 mầm non, 5 tiểu học và 1 THCS) tổng số phòng học tăng thêm là 206 phòng; TP.Thủ Đức với 2 dự án (2 mầm non, 1 THCS), tổng số phòng học tăng thêm là 45 phòng; huyện Bình Chánh với 3 dự án (2 tiểu học, 1 THCS), số phòng học tăng thêm là 65 phòng…

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, suốt thời gian qua, Ban Giám đốc Sở GD-ĐT đã xuống làm việc với lãnh đạo UBND từng quận, huyện, TP.Thủ Đức khi thực hiện công trình 4.500 phòng học. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng ngồi với từng địa phương tháo gỡ từng dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học.

Đến năm 2025 TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành xây mới 5.560 phòng

Thực hiện Đề án 4.500 phòng học, tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung thành phố từ nay đến 2025 gồm 277 dự án với số phòng học xây dựng mới 5.560 phòng (ước tính tăng thêm 4.343 phòng), tổng mức đầu tư khoảng  32.135,391 tỷ đồng.

UBND TP.HCM yêu cầu ngành giáo dục thành phố vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tham mưu trình UBND thành phố ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa trường học trên địa bàn thành phố (không ảnh hưởng đến quy mô phòng học hiện hữu).

“Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay nhiều địa phương đã từng bước về đích khi thực hiện các dự án trường học, giúp giảm áp lực trường lớp. Đơn cử như quận Bình Tân năm học mới này cùng lúc đưa vào đến 7 dự án trường học, giúp quận kéo giảm số học sinh/trường cũng như sĩ số học sinh/lớp, nâng cao tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong năm học mới – năm học cuối kết lại Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học” – ông Nguyễn Văn Hiếu đánh giá.

Hóc Môn là địa phương đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học thấp nhất toàn thành phố, trong năm học mới cũng đưa vào sử dụng mới Trường Tiểu học Lê Văn Phiên với 15 phòng học, tổng kinh phí 57,5 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn trong quỹ đất sạch để xây dựng trường lớp. Do đó, việc có thêm trường lớp mới đưa vào sử dụng là nỗ lực rất lớn từ các cấp lãnh đạo, ban ngành trên địa bàn huyện… Tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung của huyện từ nay đến 2025 gồm 8 dự án với số phòng học xây dựng mới 181 phòng, tổng mức đầu tư khoảng 684,612 tỷ đồng.

Yến Hoa

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)