Sự kiện giáo dục

Việt Nam dự kiến cần 100.000 chuyên gia AI trong 5 năm tới

Tạp Chí Giáo Dục

Để trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự phát huy tiềm năng và có nguồn nhân lực chất lượng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội.

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội nghị trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024 với chủ đề “Chân trời mới” diễn ra mới đây tại TP.HCM.

Giáo dục rất cần thiết

Những năm gần đây, AI không ngừng phát triển mạnh tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà AI mang lại.

TS.Jeff Dean (Giám đốc Khoa học của Google) chia sẻ tiềm năng phát triển của trí tuệ nhân tạo

TS.Jeff Dean (Giám đốc Khoa học của Google) khẳng định, AI giúp giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội. AI không chỉ là một công nghệ tiên tiến, thay đổi cách con người xử lý dữ liệu mà còn đưa ra quyết định. Đây sẽ là công cụ mang lại lợi ích to lớn, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn. “Càng mang đến những lợi ích to lớn, các ứng dụng của AI càng cần được đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về tính an toàn và đáng tin cậy. Trách nhiệm của các nhà phát triển AI là phải đảm bảo các hệ thống của họ không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chắc”, TS. Jeff Dean cho biết.

TS.Jeff Dean đề cập đến 7 nguyên tắc đạo đức mà Google tuân thủ trong quá trình nghiên cứu và phát triển AI, trong đó có tính công bằng, an toàn và trách nhiệm với xã hội. Bởi theo TS. Jeff Dean, AI đang mang đến một cuộc cách mạng trong y tế, giáo dục, quản lý xã hội – những lĩnh vực không cho phép xảy ra bất cứ sai sót nào dù chỉ nhỏ nhất. “Để AI thực sự phát huy tiềm năng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội”, TS. Jeff Dean nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đức Toàn (Giám đốc Quốc gia Google Cloud) cho rằng, Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI, nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tồn tại một số thách thức mà điển hình là chi phí lao động thấp. Vì vậy, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI để tăng năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Uyên Wendy (Giám đốc Đối ngoại toàn cầu) nhấn mạnh, đào tạo và giáo dục về AI một cách nhanh chóng là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe – nơi AI có thể tạo ra tác động đáng kể. “AI có thể giúp giảm chi phí, tăng tốc độ nghiên cứu và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, mang đến nhiều cơ hội chữa trị hơn cho người dân ở nông thôn”, ThS. Nguyễn Uyên Wendy chia sẻ.

Cần 100.000 chuyên gia AI trong tương lai

Một con số đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị là Việt Nam dự kiến sẽ cần 100.000 chuyên gia AI trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các bạn trẻ tìm hiểu cơ hội việc làm lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại một sự kiện về công nghệ tại TP.HCM

Các chuyên gia đều đồng ý rằng Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để đón làn sóng AI. Về chính sách hỗ trợ, thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước như Viettel, Vingroup để có thể đón sóng AI đang “nóng”. Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam có sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Theo đó, Google cam kết dành 40.000 học bổng Google Career Certificates hay đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI. Việc này không chỉ giúp xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Còn về hệ sinh thái, theo thống kê, Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đã ở mức trưởng thành tương đương Singapore và Malaysia, cho thấy tiềm năng đổi mới và khả năng tạo ra các giải pháp AI đột phá. Riêng nguồn nhân lực tài năng, Việt Nam có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI. Học sinh Việt Nam thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán học quốc tế, chứng tỏ khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề – những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển AI.

TS.Lương Minh Thắng (Nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind) nhìn nhận, học sinh – sinh viên Việt Nam có niềm đam mê mạnh mẽ với toán học. Điều này giúp các em có vị thế tốt để vượt trội trong kỷ nguyên mới của lý luận do AI thúc đẩy. “Sự chuyển dịch từ kỷ nguyên “Mô phỏng” sang kỷ nguyên “Khám phá” trong AI, trong đó lý luận toán học đóng vai trò then chốt. AI đã giải quyết được các vấn đề “siêu phàm”. Ví dụ, AlphaGeometry 2 đã giải quyết thành công một bài toán hình học đầy thách thức trong Olympic toán học quốc tế chỉ trong 19 giây”, ông Thắng dẫn chứng.

TS.Vũ Duy Thức (người lấy bằng tiến sĩ về AI tại ĐH Stanford, Mỹ) đánh giá, Việt Nam có lợi thế lớn về con người, nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI. Bởi theo ông, ở các tập đoàn lớn trên thế giới đều đang có người Việt nắm giữ các vị trí quan trọng.

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thu hút nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học. Các diễn giả đề xuất việc hợp tác giữa các trường ĐH, doanh nghiệp và Chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Bình luận (0)