Theo đại diện các trường ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, học sinh bắt đầu học tiếng Anh ngay từ nhỏ thông qua chương trình giảng dạy chính khóa hoặc ngoại khóa là cách Việt Nam có thể học các nước tiên tiến để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học gần đây nhận được sự quan tâm của đông đảo người học, phụ huynh và các trường ĐH. Bởi có một chuẩn đầu ra với lợi thế tiếng Anh không chỉ giúp người học có được việc làm phù hợp trong nước mà còn cả trên thế giới.
Nên tích hợp dạy chính khóa bằng tiếng Anh ngay từ nhỏ
Ông Jonny Western (Trưởng phòng Sáng kiến mới thuộc Khoa Tiếng Anh và Chuyển tiếp ĐH tại ĐH RMIT Việt Nam) cho hay, dựa trên Chỉ số năng lực tiếng Anh EF, bảng xếp hạng quy mô lớn về trình độ tiếng Anh của các nước, Philippines xếp thứ 20 trên 113 quốc gia và Singapore xếp thứ hai. Đối với cả hai nước này, những thành công kể trên có liên quan đến việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chung trong trường học. Về mặt lý thuyết, điều này đảm bảo rằng tất cả học sinh có thể phát triển tiếng Anh trong khi học các môn chính ở trường thay vì phải bỏ tiền học thêm ngoại ngữ.
Vì vậy, để thúc đẩy khả năng thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, ông Jonny Western cho rằng sẽ rất hữu hiệu nếu để học sinh bắt đầu học từ khi còn nhỏ và biến điều này thành một hành trình có mục đích rõ ràng. Đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy của nhà trường hoặc các lớp học ngoại khóa là những cách phổ biến.
Ông Jonny Western cũng chỉ ra, Việt Nam đứng thứ 58 trên 113 quốc gia (thứ 7 trong số 23 quốc gia ở châu Á) trong bảng xếp hạng và đây là mức trung bình. Để cải thiện trình độ tiếng Anh của người học tại Việt Nam, ông đề cập việc đầu tư phát triển giáo viên. Bởi để cải thiện trình độ tiếng Anh trên phạm vi toàn quốc, học sinh cần được tiếp cận với chương trình giảng dạy ngôn ngữ chất lượng cao. Theo đó, giáo viên cần có trình độ tiếng Anh và kiến thức sư phạm tốt nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy. Việc này đòi hỏi các chương trình đào tạo giáo viên phải chú trọng hỗ trợ quá trình phát triển nghề nghiệp của họ.
Một thách thức khác đối với phát triển ngôn ngữ ở Việt Nam theo ông Jonny Western là người học tiếng Anh thường chú trọng vào điểm số mong muốn đạt được trong các bài kiểm tra năng lực (chẳng hạn như IELTS) để nộp đơn đi du lịch nước ngoài, ứng tuyển ĐH hoặc xin miễn các lớp học ở trường. “Khi kết quả thi là động lực học, học sinh có thể bị thu hút vào các mẹo và “bí kíp” cũng như liên tục làm bài kiểm tra thử, điều này không hỗ trợ việc học ngôn ngữ một cách có ý nghĩa” – ông nói. Chính vì vậy, ông cho rằng, đạt được kết quả đề ra trong bài kiểm tra năng lực là điều quan trọng nhưng cần phát triển các kỹ năng ngôn ngữ để có thể vận dụng thành thạo khi tham gia các chương trình học bằng tiếng Anh hoặc làm việc tại nơi có sử dụng tiếng này. Trong đó, chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức nền tảng về văn hóa, giao tiếp giúp các em hòa nhập và phát triển ở những môi trường nói tiếng Anh.
Ngoài ra, một điều không kém quan trọng mà ông Jonny Western đề xuất để nâng cấp mạnh mẽ trình độ tiếng Anh tại Việt Nam là cần có những chính sách như tích hợp giảng dạy tiếng Anh nhiều hơn vào chương trình học chính khóa của nhà trường.
Học và dùng 100% tiếng Anh trong mọi hoạt động
Tạo môi trường sử dụng tối đa tiếng Anh là giải pháp hữu hiệu mà PGS.TS Huỳnh Khả Tú (Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) đề cập đối với việc cải tiến trình độ ngoại ngữ ở bậc ĐH cho sinh viên. PGS. Tú cho biết, lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong đào tạo nên Trường ĐH Quốc tế bắt buộc người dạy, người học đều phải sử dụng tiếng Anh ở cả giảng dạy và nghiên cứu. Thậm chí, ngoài giờ học và nghiên cứu, một số khoa, bộ môn hiện nay đã yêu cầu sinh viên sử dụng tiếng Anh cả khi trao đổi thông tin với giảng viên. “Đây là một trong những bước đầu nhằm hình thành thói quen sử dụng tiếng Anh thường xuyên hơn trong môi trường học tập” – PGS. Tú nói.
Ngoài ra, việc quy định giảng viên và sinh viên sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động học thuật không chỉ giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ mà còn giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho môi trường làm việc toàn cầu sau này. “Cách mà trường làm là xây dựng một môi trường mà tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến để sinh viên rèn luyện và phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên, hiệu quả” – PGS. Tú chia sẻ.
Để theo được, tất cả sinh viên của trường khi trúng tuyển đều phải đáp ứng yêu cầu về trình độ tiếng Anh. Những em chưa đạt thì nhà trường cung cấp thời gian và các khóa học bổ trợ để nâng cao trình độ đến khi đủ điều kiện; cụ thể như chương trình đào tạo tiếng Anh tăng cường, các nhóm học thuật, các nhóm hỗ trợ, trung tâm hỗ trợ tiếng Anh của Khoa Ngoại ngữ hoặc trực tiếp các giảng viên hỗ trợ sinh viên. Vì vậy, hầu hết sinh viên khi vào học đều có khả năng theo dõi và nghiên cứu bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, cũng còn một số nhỏ sinh viên vẫn e dè hoặc thiếu chủ động trong việc tìm kiếm sự trợ giúp, dẫn đến kết quả học tập không đạt mong muốn. Thách thức lớn đối với giảng viên trường là nhận diện kịp thời những trường hợp này để có sự hỗ trợ phù hợp.
Để việc học tiếng Anh hiệu quả, nhà trường cũng tăng cường hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết; tạo những hoạt động ngoại khóa như trại hè văn hóa, ngôn ngữ, cuộc thi hùng biện tiếng Anh… giúp các sinh viên xóa bỏ rào cản trong việc sử dụng tiếng Anh tại môi trường ĐH. Trường còn có lợi thế là hiện tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên đạt gần 70% với hơn 96% giảng viên tốt nghiệp từ các trường ĐH ở những nước phát triển rất thuận lợi trong việc dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ trong dạy – học.
Thục Trân
Bình luận (0)