Chiều nay, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế để sẵn sàng bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được đánh giá là kỳ thi có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức cũng như kỳ vọng từ phụ huynh học sinh và dư luận. Bởi sau những bê bối gian lận thi cử chấn động tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình năm vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành nhiều thay đổi lớn để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Nghiêm ngặt ở tất cả các khâu
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của kỳ thi năm nay là Bộ GD&ĐT phát huy và tăng cường hơn vai trò của các trường đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) trong việc tổ chức thi. Theo đó, Bộ điều động các trường đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH-CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết năm nay Bộ quy định rõ cách thức bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi. Khu vực bảo quản bài thi, đề thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24/24 giờ, có camera an ninh giám sát ghi hình…
Các điểm thi phải thực hiện nghiêm túc việc bốc thăm phân công cán bộ coi thi để đảm bảo khách quan, thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi.
Năm nay, Bộ sẽ giao việc chấm bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH. Bộ đã sửa đổi, nâng cấp hoàn thiện phần mềm chấm trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi. Còn việc chấm bài thi tự luận (ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì. Tuy nhiên, Bộ sẽ quy định chặt chẽ việc cách ly khi làm phách, thực hiện nghiêm việc chấm hai vòng độc lập. Thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài thi đạt điểm cao sẽ được chọn để chấm kiểm tra…
Bên cạnh đó, công tác thanh tra thi cũng được Bộ GD&ĐT chú trọng và có nhiều đổi mới so với năm ngoái. Như cán bộ, công chức, viên chức sẽ không tham gia thanh tra, kiểm tra khi có người thân tham dự kỳ thi. Các cán bộ thanh tra, kiểm tra không được tự ý “bỏ chốt” mà không báo cáo lý do, tăng cường lực lượng thanh tra khâu chấm thi…
Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM khăn gói lên đường làm nhiệm vụ tại tỉnh Sóc Trăng sáng 23-6. Ảnh: HÀ ANH
Hàng ngàn giảng viên lên đường coi thi
Để chuẩn bị cho kỳ thi, những ngày qua, hàng ngàn giảng viên, cán bộ, nhân viên của các trường ĐH tại TP.HCM cũng như ở các tỉnh, thành đã khăn gói lên đường đến các địa phương được giao phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia 2019.
Sáng 23-6, hơn 250 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã tập trung lên đường đến tỉnh Sóc Trăng làm nhiệm vụ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay, trường được phân công thực hiện công tác thanh tra, giám sát, coi thi tại 12 trên tổng số 20 điểm thi của tỉnh Sóc Trăng.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho biết để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này, trước đó vào ngày 20-6, nhà trường đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, giảng viên tham gia hội đồng thi, ban coi thi, đoàn thanh tra lưu động và nhóm làm công tác hậu cần. Nhà trường cũng đã lưu ý, phổ biến những điểm mới quan trọng trong công tác tổ chức kỳ thi năm nay nhằm đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được diễn ra nghiêm túc, an toàn. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nơi ở và phương tiện đi lại trong thời gian làm nhiệm vụ đã được chuẩn bị hoàn tất nhằm đảm bảo an toàn và thoải mái cho cán bộ, giảng viên làm công tác coi thi. Trường cũng đã hỗ trợ thêm về kinh phí sinh hoạt cho từng cán bộ, giảng viên, cũng như quan tâm phối hợp chặt chẽ với địa phương về phương tiện di chuyển giữa nơi ở và các điểm coi thi để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Cuối tuần qua, các đoàn cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng đã lên đường đi Đắk Lắk và Phú Yên để ổn định chỗ ở, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tại các điểm thi được giao.
Nhà trường cho biết do năm nay được giao phối hợp tổ chức tại hai điểm thi nên trường đã cử 416 cán bộ, giảng viên tham gia công tác thi tại Đắk Lắk và Phú Yên là 61 người. Do di chuyển xa nên hầu hết thầy cô đều chọn phương tiện máy bay, chỉ có khoảng 100 người đi bằng ô tô và một số tự đi bằng xe cá nhân.
Được biết ngoài kinh phí đi lại địa phương cấp, nhà trường có hỗ trợ thêm 1,2-2,2 triệu đồng/người để chuẩn bị cho việc di chuyển, ăn uống trên đường đi.
Theo Nguyễn Quyên – Phạm Anh/PLO
Bình luận (0)