Các bà vợ trò chuyện tại một phòng tư vấn hôn nhân ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) – Ảnh: Chinadaily |
Sau bảy năm yêu nhau, Gao và cô bạn gái Deng làm đám cưới năm 2006. Ba năm chung sống, họ thường xuyên cãi nhau về việc… rửa bát ngay hay để lại hôm sau, để rồi đầu năm nay họ quyết định đường ai nấy đi.
Gao và Deng, đều là những 8X con một, đã đệ đơn ly dị tại Tòa án quận Mentougou (Bắc Kinh) đầu năm nay. Họ nêu lý do ly hôn là vì liên tục cãi cọ về việc nhà. Song lý do của họ bị tòa án bác bỏ.
Gao và Deng chỉ là một trường hợp trong vô số những đôi vợ chồng sinh sau năm 1980 ở Trung Quốc đưa nhau ra tòa vì những việc cỏn con.
Một ví dụ khác là cặp vợ chồng Wang Jing, 24 tuổi, và Chen Sen ở Bắc Kinh. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài vỏn vẹn 18 tháng vì Wang phàn nàn rằng chồng cô nghiện game online đến nỗi bỏ bữa và không chăm sóc cô khi ốm.
Còn Chen Juan, 27 tuổi, muốn bỏ chồng là anh Zhou Jun (kém cô hai tuổi) hồi tháng tám năm ngoái ngay trước khi cô sinh con đầu lòng vì anh nói tục, không mua cho cô quần áo và hiếm khi đi cùng cô tới nơi khám thai. Đơn ly dị của cô cũng bị tòa án bác bỏ nhưng đến nay cô lại nộp đơn lần hai.
Người già lo lắng, người trẻ bình thản
Theo Bộ dân sự Trung Quốc, trong năm 2008 Trung Quốc có hơn 10 triệu cặp vợ chồng làm đám cưới, tăng 10,8% so với năm 2007. Khoảng 73% trong số này là những người dưới 30 tuổi. Trong khi đó, cũng trong năm 2008, có 2,26 triệu cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị, tăng 8,1% so với năm 2007.
Trước đó trong năm 2005, Trung Quốc có 8,23 triệu vụ kết hôn và 1,78 triệu vụ ly hôn. Các chuyên gia cho rằng xu hướng gia tăng của các vụ kết hôn và ly hôn đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tâm tính của thế hệ 8x.
Liu Fengqin ở Trung tâm tư vấn tâm lý phụ nữ Maple (Bắc Kinh) cho rằng những người sinh sau năm 1980 là con một, họ thông minh và cởi mở nhưng được nuông chiều và ít quan tâm đến người khác. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đời sống hôn nhân của họ.
Nhà tư vấn Liu giải thích rằng những đứa trẻ con một luôn được gia đình quan tâm, vì vậy khi lớn lên họ thiếu trưởng thành và không sẵn sàng đón nhận những thử thách lớn của cuộc sống như kết hôn hay có con. Khác với bố mẹ, họ không chịu nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do vậy, khi cãi nhau với bạn đời họ cảm thấy bế tắc và nhiều người dễ dàng bỏ cuộc.
Mặc dù những vụ kết hôn sét đánh và ly hôn chớp nhoáng tăng mạnh ở những cặp vợ chồng 8x, song chính thế hệ này lại cho rằng vấn đề của họ không đến nỗi tệ như người già nghĩ.
Zhao Rui (27 tuổi, sắp kết hôn) cho rằng xã hội đã quá chỉ trích thế hệ 8x. Theo Zhao Rui, những người con một vẫn coi trọng những giá trị truyền thống, đồng thời cũng theo đuổi lối suy nghĩ hiện đại, trong đó vợ và chồng phải có sự độc lập và sự bình đẳng.
Theo Tian Fanjiang, tổng giám đốc trang Baihe.com – trang web hẹn hò trực tuyến và tư vấn tình cảm lớn ở Trung Quốc với 15 triệu thành viên, các bậc cha mẹ có con một muốn con mình ổn định về hôn nhân. Nhưng con họ thì không muốn thỏa hiệp với nhau, họ muốn có tình yêu say đắm, hạnh phúc và sự hưởng thụ. Với thế hệ 8x, hôn nhân không phải là thứ chỉ đến một lần trong đời giống như bố mẹ và ông bà họ.
Những giải pháp "cứu" hôn nhân
Vợ chồng Wang Yin ở Bắc Kinh là một ví dụ về một cặp vợ chồng 8x hạnh phúc. Wang (là con một, cưới chồng đã sáu năm) tiết lộ rằng bí quyết của cuộc hôn nhân êm ấm là chuyện trò.
"Vợ chồng tôi rất khác nhau, nhưng chúng tôi trân trọng và học hỏi lẫn nhau" – chị Wang chia sẻ- Chúng tôi tôn trọng không gian của nhau và cố gắng tìm cách giải quyết những xung đột về lợi ích. Vợ chồng tôi thống nhất rằng chúng tôi bình đẳng và nên duy trì giao tiếp, kể cả khi cãi nhau".
Chị Wang kể vợ chồng chị có những cách rất buồn cười và độc đáo để "hàn gắn" những khác biệt. Chồng chị Wang có thể ăn mì suốt cả ngày, còn chị thích ăn cơm. Chị Wang nghĩ ra cách là chị sẽ làm hầu hết việc nấu ăn nhưng chồng chị phải ăn cơm nhiều hơn. Đồng thời chị cũng học những món ăn mới để "dụ khị" chồng ăn cơm.
"Cuộc hôn nhân của bạn sẽ lớn mạnh nếu bạn nhận ra rằng chăm chút cây tình yêu không phải là một việc dễ dàng", Wang Yin – một phụ nữ 8x đã kết hôn -chia sẻ. |
Bà Shi Qilan (ở tỉnh Liêu Ninh, có một con gái) cho rằng các cặp vợ chồng phải phối hợp cùng nhau để vượt qua tính ích kỷ của họ. Quen được bố mẹ chiều chuộng, họ cảm thấy mất thăng bằng khi phải nghĩ cho người khác sau khi kết hôn. Họ cần phải quan tâm và khoan dung lẫn nhau.
Theo nhà tâm lý Liu Fengqin, việc các bậc cha mẹ can thiệp vào cuộc sống và chuyện kết hôn của con cũng tốt nhưng không nên quá mức. Các ông bố bà mẹ cần "thả lỏng" để con họ học cách tự mình làm các việc và tự giải quyết vấn đề. Mặt khác, điều quan trọng là người trẻ phải được giáo dục về hôn nhân, học về các giai đoạn khác nhau của hôn nhân cũng như học cách tạo dựng tầm nhìn về cuộc sống gia đình.
Chị Wang Yin cũng chia sẻ là cần có thêm các nhà tư vấn hôn nhân để hỗ trợ những cặp vợ chồng đang trên bờ vực bỏ nhau. Các cặp vợ chồng cũng phải học cách quản lý cuộc hôn nhân của họ giống như quản lý nghề nghiệp. Hôn nhân không phải là điều mà người ta có thó thể lờ đi và cho là lẽ đương nhiên.
Theo TTO
Bình luận (0)