Các tổ chức ác tính (còn gọi là ung thư) có thể coi là một tai hoạ đối với nhân loại, làm cho gần 15% người chết. Việc phòng chống và chữa trị vẫn còn nhiều điều phải lưu tâm. Hiện nay còn ít người biết được bệnh ung thư là gì và làm thế nào để chống lại căn bệnh này.
1. Tại sao lại gọi là bệnh ung thư
Tên gọi ung thư (theo tiếng Hy-lạp là “oncos”, tiếng La-tinh là “canser”) do lương y cổ đại danh tiếng là Hippocrat đặt cho chứng bệnh này vì vẻ ngoài của khối u ác tính giống như com tôm hoặc con cua có những “chiếc vòi” xuyên sâu vào trong tế bào khoẻ mạnh. Trong y học hiện đại chỉ có những tổ chức ác tính xuất phát từ biểu mô mới được gọi là ung thư.
Những loại u ác tính khác (phát sinh từ mô cơ, mô thần kinh và các mô khác) gọi là ung thư thì không đúng. Tuy nhiên, theo truyền thống thì bất cứ các loại bệnh nào thuộc dạng bệnh u cục đều được gọi là ung thư. Để dễ cảm nhận hơn thì tất cả những tổ chức ác tính phát sinh cũng là nói về bệnh ung thư.
2. U ác tính khác với u lành tính ở điểm gì?
Có 3 sự khác nhau cơ bản. Thứ nhất là các u ác tính phát triển không kiểm soát được, có nghĩa là các tế bào của nó tự phân chia không ngừng. Thứ hai là chúng không bị hạn chế bởi mô mà chúng xuất phát, có nghĩa là chúng phát triển trong các tổ chức xung quanh và mô đồng thời phá huỷ chúng. Thứ ba là các tổ chức ác tính có khả năng di căn. Các tế bào ung thư có thể cùng với dòng máu hoặc bạch huyết chuyển sang những cơ quan khác, từ đó lại phát triển thành các khối u mới giống với u ban đầu.
3. Ung thư có thể lây nhiễm không?
Khi tiếp xúc với người có u ác tính thì không thể bị lây bệnh. Để phát triển thành ung thư phải có hai điều kiện. Thứ nhất là sự thay đổi của bộ gene của tế bào, có nghĩa là ADN buộc tế bào nhân lên không kiểm soát được và tiến tới sự diệt vong đã được lập trình sẵn đối với tất cả các tế bào ở giai đoạn cuối của sự sống. Như vậy là bất kỳ một khối u ung thư nào nảy sinh từ các tế bào của người khi biến thành ác tính thì tế bào có thể lưu giữ lại những dấu hiệu gốc của mình (gọi là u phân lập cao), hoặc hoàn toàn triệt tiêu chúng (gọi là u phận lập thấp). Thứ hai: đó là sự rối loạn một mắt xích của hệ thống miễn dịch, nơi có chức năng phát hiện và tiêu triệt các tế bào ung thư.
Một số dạng ung thư phát triển trong cơ thể được gọi là các bệnh tiền ung thư, thí dụ như bị loét dạ dày lâu ngày sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày. Đa số các dạng tiền ung thư là do nhiễm virus, chúng chiếm 15% các trường hợp ung thư.
4. Ung thư có di truyền không?
Ung thư không di truyền trực tiếp. Tuy nhiên với một số dạng nhất định thì ung thư có thể di truyền và đối với mỗi khối u khác nhau thì tính di truyền cũng có ý nghĩa khác nhau. Một số đặc tính di truyền có nhiều nguy cơ gây ung thư vú đối với họ hàng của người phụ nữ đã mắc bệnh này. Những khối u như ung thư gan thì phần lớn phụ thuộc vào các tác động bên ngoài. Trong bất kỳ trường hợp nào thì mức độ phát bệnh ung thư do di truyền chỉ có tính xác suất chứ không truyền bệnh trực tiếp.
5. Có thể tiêm chủng phòng ngừa bệnh ung thư không?
Mặc dù đã có những tìm tòi khoa học thường xuyên nhưng chưa có sự tiêm chủng nào ngừa được các loại bệnh ung thư. Có rất nhiều thông tin về việc nghiên cứu trong lĩnh vực này cho phép ta hy vọng rằng vấn để sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất. Nhưng đối với một số dạng ung thư thì hiện không thể tiêm ngừa được, tuy vậy không phải là mọi thứ đều tồi tệ. Hiện vẫn đang tiếp tục có tiêm ngừa để tránh nhiễm các virus có khả năng phát triển thành ung thư.
6. Có thể chữa được bệnh ung thư, hay là nó luôn dẫn đến tử vong?
Có thể chữa được, song không phải là lúc nào cũng chữa được hoàn toàn. Khả năng chữa khỏi bệnh tuỳ thuộc vào một số yếu tố như:
– Dạng khối u ác tính: những loại u khác nhau có tốc độ phát triển và khả năng di căn khác nhau (thông thường những khối u thể phân lập thấp sẽ nguy hiểm hơn, các tế bào của nó sẽ làm tổn hại những dấu hiệu thuộc tính đối với mô gốc).
– Các giai đoạn bệnh có thể chẩn đoán: nếu khối u có kích thước không lớn, còn đang khu trú giới hạn trong một cơ quan và không có di căn thì cơ hội để diệt trừ nó là rất lớn.
– Chẩn đoán chính xác và lựa chọn đúng phương pháp điều trị.
– Khả năng áp dụng các liệu pháp: có thiết bị cần thiết, đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và một số điều kiện khác.
7. Làm thế nào để phát hiện được ung thư ở giai đoạn sớm?
Rất tiếc là không có một thủ thuật tuyệt đối nào để phát hiện ra mọi khối u. Tuy nhiên việc tìm tòi các cách phát hiện bệnh ung thư đã được đặt ra và thường xuyên được hoàn thiện. Trong số đó có một số đã được áp dụng sớm kịp thời, chẳng hạn như phương pháp phát hiện ung thư phổi, tự theo dõi để phát hiện ung thư vú.
Hiệu quả từ thử nghiệm đối với kháng nguyên tuyến tiền liệt đặc hiệu để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt còn chưa được rõ ràng. Đã lập được biểu đồ để chuẩn đoán sớm ung thư tuyến sữa, nghiên cứu tế bào bôi trơn cổ tử cung, xét nghiệm máu ngấm trong phân và phép soi ruột kết để chẩn đoán ung thư ruột. Ngày càng có nhiều hơn khả năng phát hiện bệnh ung thư do di truyền…
8. Điều đáng lo ngại nhất trong bệnh ung thư là sự di căn có đúng không?
Trong bệnh ung thư thì mọi điều đều đáng lo cả. Sự di căn quả thật làm cho việc chẩn đoán khó khăn hơn bởi vì không thể cắt bỏ tất cả mọi thứ và chúng phá hoại hoạt động của các cơ quan mà chúng khu trú. Nhưng ngay cả khi không có sự di căn ung thư thì vẫn có một phần dẫn đến tử vong. Vì các tế bào ung thư đang tích cực nhân lên đòi hỏi thường xuyên phải nạp thêm chất dinh dưỡng, như thể nó “gặm nhấm” toàn bộ cơ thể.
9. Tại sao khi điều trị ung thư lại bị rụng tóc?
Tác dụng của các thuốc chống ung thư cơ bản là cân bằng tế bào dựa trên cơ sở tích cực kìm hãm sự phân chia các tế bào. Bởi các u ác tính gồm có những tế bào bị phân chia nên chúng đã biến thành mục tiêu chính đối với thuốc. Nhưng trong cơ thể có cả những mô khỏe mạnh mà các tế bào của chúng thường xuyên đổi mới, như nang tóc, tuỷ xương và các biểu mô ruột. Vì thế mà những người đang dùng liệu pháp hoá trị thường bị rụng tóc, cũng như bị hạn chế việc tạo máu và chịu sự ăn mòn ruột.
Theo Báo Nông Nghiệp
Bình luận (0)