Hơn 20 năm nay, một phương án tối ưu cho kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) luôn luôn là nỗi khát khao, trăn trở, tìm tòi, không chỉ đối với những cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo, mà còn là sự quan tâm của toàn xã hội. Tôi xin đề xuất 9 giải pháp đổi mới kỳ thi tuyển sinh đạo học, mà tôi cho là khả thi.
1 – Mỗi năm, chỉ tổ chức một kỳ thi chung (một đợt) cho tất cả các trường ĐH, ở tất cả các khối A, B, C, D,… và các trường năng khiếu, kể từ các trường công lập (gồm cả các trường thuộc lực lượng vũ trang nhân dân), dân lập, tư thục và liên danh, liên kết với nước ngoài, trường trung ương cũng như trường địa phương. Các trường CĐ (và hệ CĐ trong trường ĐH) không tổ chức thi tuyển sinh, mà chỉ xét tuyển qua giấy báo điểm thi ĐH và đơn xin học của các TS đã trượt ĐH. Như vậy, HS tốt nghiệp THPT mỗi năm chỉ thi ĐH một lần.
2 – Trong đơn đăng ký dự thi ĐH, TS chỉ được ghi hai (2) nguyện vọng (NV): NV1- là vào học tại một trường ĐH cùng khối thi, nhưng có điểm chuẩn thấp hơn điểm chuẩn của trường mà mình đã dự thi; NV2 – là vào học hệ CĐ của chính trường ĐH mình đã dự thi (trường ĐH có hệ CĐ), hoặc vào học tại một trường CĐ cùng khối thi. Làm như vậy, sẽ không gây nhiễu cho kỳ thi, không gây nhốn nháo, phức tạp, tiêu cực trong việc tuyển sinh. Đây cũng là một cách để nâng cao chất lượng tuyển sinh ĐH (chất lượng “đầu vào”). Hiện nay, TS được ghi nhiều nguyện vọng, nên việc tuyển sinh rất chậm, quá kéo dài, gây nhiều tiêu cực, lộn xộn.
Thí sinh tại điểm thi Học viện Quân y làm bài trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Ảnh: Nguyễn Minh Trường |
3 – Bộ GD và ĐT vẫn ra đề thi chung cho các trường ĐH (trừ môn năng khiếu); tuyệt đối không thi trắc nghiệm. Chung đề thi sẽ thống nhất được “chuẩn” của đề, đảm bảo được tính khoa học, tránh được việc ra đề sai và không lãng phí tiền bạc cho việc ra đề – như để các trường ĐH-CĐ trước đây tự ra đề (từ năm 2002 trở về trước). Kỳ thi ĐH là kỳ thi có tính khoa học nghiêm túc, không phải là thứ trò chơi, nên tuyệt đối không thi trắc nghiệm theo lối cầu may, mà phải thi tự luận để kiểm tra tư duy và kiến thức có thực của thí sinh, nhưng coi thi và chấm thi phải nghiêm ngặt.
4 – Thí sinh ở địa phương nào, thi ngay tại thành phố hoặc tỉnh lỵ của địa phương đó. Ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì có 63 Hội đồng coi thi (mỗi Hội đồng coi thi có nhiều “điểm” thi). Làm như vậy, không gây tốn kém tiền bạc, công sức cho TS và gia đình các em, không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, hạn chế tối đa các tai nạn, rủi ro, cạm bẫy đối với thí sinh.
5 – Cán bộ coi thi phải được lựa chọn từ giáo viên các trường THCS trở lên và phải được tập huấn chu đáo về nghiệp vụ coi thi. Tuyệt đối không lấy sinh viên ĐH-CĐ để coi thi, vì họ thường lúng túng, dễ dãi trong việc coi thi, dễ mắc sai phạm Quy chế coi thi. Thực tế các kỳ thi tuyển sinh, do các trường không tập huấn kỹ càng, nghiêm túc cho các cán bộ coi thi nên không ít cán bộ coi thi đã mắc các sai phạm, nhiều khi đến mức ấu trĩ!
6 – Tổ chức chấm chung, phúc khảo chung hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo. Chấm thi tuyển sinh ĐH là công việc cực kỳ hệ trọng, hết sức nhạy cảm, xã hội rất quan tâm, theo dõi. Lâu nay, các trường đều tự chấm bài thi vào trường mình. Việc này, tưởng là để các trường “tự chủ”, nhưng sự thật lại là một lỗ hổng rất lớn đẻ ra nhiều tiêu cực trong việc tuyển sinh. Để các trường tự chấm bài thi và chấm phúc khảo, thì nhiều phụ huynh và TS sẽ có cơ hội “chạy tiền” trực tiếp một số giám khảo, hoặc cán bộ, nhân viên nhà trường, hoặc qua "cò mồi". Vì vậy, để ngăn chặn tiêu cực trong khâu chấm thi, cần phải chấm chung, phúc khảo chung hoặc chấm chéo, phúc khảo chéo.
7 – Việc công bố điểm chuẩn do các trường định ra, sau khi báo cáo lên Bộ GD và ĐT. Công bố điểm chuẩn sau kỳ thi tuyển sinh không quá 20 ngày. Điểm chuẩn lấy theo khối ngành, sao cho phù hợp với chất lượng cụ thể (tức là điểm thi của đa số các thí sinh thuộc các khối ngành của trường mình) nhưng không quá thấp và dựa trên số lượng thí sinh cần tuyển. Không cần điểm sàn chung cho các trường ĐH trên cả nước.
8 – Những thí sinh trượt, nhưng có tổng điểm tương đối khá, có thể xin xét tuyển vào học một trường ĐH khác, cùng khối thi (tức NV1), nhưng có điểm chuẩn thấp hơn điểm chuẩn trường mình đã dự thi, nếu trường ĐH này công bố có nhu cầu tuyển cho đủ chỉ tiêu được giao; hoặc xin xét tuyển vào học một trường CĐ cùng khối thi, theo điểm quy định của các trường này (NV2); hoặc xin xét tuyển vào các trường trung cấp, dạy nghề. Việc xét tuyển thêm đối với TS đã thi trượt vào một trường ĐH khác, hoặc trường CĐ, chỉ tiến hành tối đa trong vòng 20 ngày, kể từ sau khi các trường ĐH đã công bố điểm chuẩn; không kéo dài như mấy năm nay! Các trường xét tuyển theo giấy báo điểm thi (bản chính) của TS. Nếu đến chỉ tiêu cuối cùng, mà có nhiều TS cùng điểm, thì ưu tiên cho TS là con em các gia đình chính sách, đặc biệt là con các thương binh, liệt sĩ và vì thế, Bộ có thể chấp nhận dôi dư một vài chỉ tiêu (không đáng kể) cho các trường này.
9 – Thí sinh thi vào các trường ĐH sư phạm (SP) phải có học lực từ khá trở lên và kết quả thi tốt nghiệp THPT phải đạt từ khá trở lên; điểm thi tốt nghiệp của môn chính thi vào ĐHSP phải đạt từ 6,5 điểm trở lên. Ví dụ: Thí sinh thi vào khoa Văn – ĐHSP thì phải có học lực khá, tốt nghiệp THPT từ loại khá trở lên, trong đó điểm thi môn Văn phải đạt từ 6,5 điểm trở lên. Tất nhiên kèm với đó Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cao đối với nghề giáo viên.
Các trường CĐ, trung cấp, dạy nghề không thi tuyển, mà chỉ xét điểm thi của các TS đã trượt ĐH.
Tôi cho rằng: 9 giải pháp trên đây đảm bảo tính khoa học, gọn gàng, không tốn kém, không phiền toái, thúc đẩy rõ rệt chất lượng đích thực của GDPT và nâng cao được chất lượng đầu vào ĐH, góp phần nâng cao chất lượng GDĐH.
Theo Đào Ngọc Đệ
(QĐND)
Bình luận (0)