Năm 2011, giáo dục Việt Nam chứng kiến nhiều sự đổi thay với nhiều chính sách. Năm 2012 sắp tới, Giáo Dục TP.HCM đưa ra 9 sự kiện giáo dục Việt Nam tiêu biểu trong năm 2011 này.
1. Thành lập Viện Toán cao cấp
Đầu năm 2011, những người yêu toán Việt Nam vô cùng phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán trực thuộc Bộ GD-ĐT tại Hà Nội. Theo quy chế tổ chức và hoạt động của viện, mục tiêu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về toán, để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học Việt Nam. Viện có biên chế từ 15-20 người. Ngoài ra viện có hội đồng khoa học và các nhóm nghiên cứu. Giám đốc khoa học là người đứng đầu viện, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học và hỗ trợ đào tạo nhân tài của viện; làm việc toàn bộ thời gian hoặc kiêm nhiệm tại viện. Giáo sư Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán theo chế độ kiêm nhiệm, song song với công việc tại Đại học Chicago hiện nay. Thời gian bổ nhiệm là ba năm.
2. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tái đắc cử
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII từ ngày 21-7 đến 6-8-2011, GS.TS Phạm Vũ Luận được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trước đó từ 6-2004 đến 4-2010: GS.TS Phạm Vũ Luận đã làm Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT. Sau đó, GS.TS Phạm Vũ Luận còn làm Thứ trưởng Thường trực điều hành Bộ GD-ĐT, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT.
Từ 6-2010 đến nay: GS.TS Phạm Vũ Luận được bầu là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Việc GS.TS Phạm Vũ Luận được tái đắc cử Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được hy vọng trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình ông sẽ có nhiều chính sách cải cách giáo dục.
3. Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần đầu tiên trình Quốc hội
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Đây là dự thảo luật rất được dư luận mong chờ bởi các trường ĐH đều mong chờ một cơ chế mở để hoạt động. Dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng có thể nói, Dự thảo Luật Giáo dục ĐH đã đánh dấu một sự kiện quan trọng: lần đầu tiên, Việt Nam có luật riêng dành cho giáo dục ĐH.
4. Giảm tải sách giáo khoa
Đầu năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đưa ra hướng dẫn giảm tải sách giáo khoa (SGK) từ tiểu học đến THPT. Trong hướng dẫn này, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 nhóm nội dung giảm tải gồm: những kiến thức được viết trong chương trình, SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau; Những nội dung trùng lặp dạy ở cả lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình, SGK theo nguyên tắc đồng tâm; Những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; Rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương; Những bài học sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại. Bằng hướng dẫn này, phần nào giảm bớt được việc học trong trường của học sinh hiện nay nên được dư luận và phụ huynh rất quan tâm.
5. Đề án đổi mới chương trình, SGK
Chúng ta không bàn đến con số để thực hiện đề án. Nhưng có thể thấy, việc đổi mới chương trình, SGK là hết sức cần thiết. Bởi trong thực tế, thế giới đang tiến dần đến SGK số. Nếu không đổi mới kịp thời, giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục lạc hậu. Đề án này tuy còn nhiều hạt sạn, nhưng điều này cũng cho thấy, các nhà quản lý giáo dục cũng đã nhận thức được sự cấp bách của vấn đề hiện nay.
6. Tụt hạng của các đội tuyển Olympic Việt Nam
Có thể nói, chưa bao giờ đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam lại “tụt hạng” ghê gớm như năm 2011. Đây là sự kiện đáng buồn nhưng nó cũng dóng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đào tạo “gà nòi” không còn phù hợp với các kỳ thi Olympic hiện nay. Việc thay đổi tư duy đào tạo, thay đổi cách ra đề, thay đổi phương tiện kỹ thuật hỗ trợ học tập là điều cần thiết để giúp các đội tuyển lấy lại “phong độ” của mình.
7. 10 năm thực hiện Đề án 322
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức 10 năm thực hiện Đề án 322 (Đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước). Sau 10 năm, Đề án 322 đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung lực lượng giảng viên, cán bộ có trình độ cao tại Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2007, đề án đã dành nhiều chỉ tiêu để đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH tại Việt Nam.
8. Phổ cập mầm non 5 tuổi
Năm nay là năm thứ 2, cả nước thực hiện Đề án phổ cập mầm non 5 tuổi. Có thể nói, nhờ có đề án này mà tại tất cả các địa phương, trẻ 5 tuổi đã có cơ hội được học tại các trường mầm non công lập. Đồng thời, cũng nhờ có đề án mà nhiều địa phương đã giải quyết được bài toán biên chế cho giáo viên mầm non.
9. Bộ GD-ĐT giữ nguyên điểm sàn
Kỳ tuyển sinh 2011, nhiều người cho rằng đề thi năm nay tương đối khó. Đồng thời, các trường ĐH ngoài công lập cũng gửi kiến nghị yêu cầu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên điểm sàn như năm 2010. Bởi theo quan điểm của bộ tính toán thì với số lượng thí sinh từ điểm sàn trở lên, các trường vẫn đủ nguồn tuyển.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)