Sự kiện giáo dụcTin tức

9 thành viên Chính phủ không tham gia BCH T.Ư khoá mới

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV diễn ra vào tháng cuối 3 tới, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước trong nhiệm kỳ mới. Các thành viên Chính phủ đều do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. (Ảnh: TTXVN)

Chính phủ hiện có 26 thành viên, trong đó có 21 bộ trưởng, trưởng ngành. Sau Đại hội XIII của Đảng, có 2 phó thủ tướng và 7 bộ trưởng, trưởng ngành không tham gia Ban Chấp hành Trung ương.

Trong 7 bộ trưởng không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, có sáu người thuộc trường hợp quá tuổi, gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (sinh năm 1954); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (sinh năm 1958); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (sinh năm 1959); Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (sinh năm 1959); Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (sinh năm 1958); Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (sinh năm 1959). Người duy nhất còn đủ tuổi tái cử nhưng không có tên trong danh sách 200 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Tại Bộ Quốc phòng có 2 người được bầu vào Bộ Chính trị, là Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Ngoài ra, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam được bầu vào Ban Bí thư, vừa được phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cùng với đó, 2 Bộ trưởng tái cử vào Trung ương và lần đầu được bầu vào Bộ Chính trị là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; 2 Bộ trưởng, trưởng ngành cũng tái cử vào Trung ương và được bầu vào Ban Bí thư là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Thông thường, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ là Uỷ viên Trung ương Đảng. Tuy nhiên, tại nhiệm kỳ qua có bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng không phải Uỷ viên Trung ương Đảng.

Toàn bộ các thành viên Chính phủ sẽ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Các chức danh Thủ tướng, cùng với Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước và Chánh án TAND Tối cao sẽ thực hiện nghị thức tuyên thệ trước Quốc hội sau khi nhậm chức.

Theo Luân Dũng/TPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)