Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

900 container thực phẩm chờ phân huỷ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gần 2.000 container, trong đó chủ yếu là hàng thực phẩm đông lạnh (trên 900 container) đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh bởi phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng hoá từ đầu quý II/2010.

Thiếu điện để bảo quản hàng hoá khiến doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại nặng.
Hàng hoá vẫn tiếp tục đưa lên cửa khẩu

Hàng loạt xe container hàng hoá mắc kẹt tại cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: T.N.D.

Theo nắm bắt tình hình và phản ánh của các DN, hàng hóa tồn đọng hiện nay chủ yếu tập trung tại Móng Cái. Riêng tại Hải Hà và Bình Liêu gần như không có hàng tồn đọng. Do phía Trung Quốc kiểm soát gắt gao nên tốc độ xuất hàng rất chậm. Đặc biệt, hàng thực phẩm đông lạnh tươi sống là mặt hàng phải được bảo quản rất cẩn thận, nếu không sẽ mất phẩm chất không đạt tiêu chuẩn XK.
Nhưng có thời điểm thuận lợi, mỗi ngày các DN xuất sang được khoảng 20 – 40 container, nhưng cũng có ngày không xuất được container nào (trước kia bình quân DN XK sang Trung Quốc thời điểm này từ 300 – 400 container/ngày). Trước tình hình này, một số doanh nghiệp đã thỏa thuận với khách Trung Quốc di chuyển lên xuất ở Lạng Sơn, Cao Bằng, nhưng lượng hàng không lớn.
Trong thời gian chờ xuất hàng, các DN cần phải có đủ nguồn điện để bảo quản hàng hoá, nhưng trước đó tại khu vực cửa khẩu Bình Liêu, do nguồn cung cấp điện hạn chế, thời gian mất điện kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp phải chở hàng quay về Móng Cái để bảo quản, khiến cửa khẩu này trở nên quá tải, lượng hàng ứ đọng càng nhiều lên.
Bà Nguyễn Thị Liễu – Phó GĐ Sở Công Thương Quảng Ninh – trong báo cáo gửi UBND tỉnh cho biết: “Khó khăn hiện nay là sau khi có sự ách tắc xảy ra, hầu hết các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đã thông báo cho chủ hàng nước ngoài hạn chế gửi hàng về.
Nhưng còn một số DN mặc dù biết quy luật hằng năm vào thời gian này thường hay xảy ra ách tắc hàng hóa XK theo đường biên mậu, nhưng vẫn tranh thủ đưa hàng về để giao sang Trung Quốc”. Bên cạnh đó, phí lưu container hiện rất cao. Năm 2009, phí lưu container bình quân là 30-40USD/ngày, thì năm nay lên tới 60-80USD/ngày, thậm chí có hãng tàu thu phí lên đến 260USD/ngày.
Chưa hết, theo bà Liễu, nguồn điện cho bảo quản hàng đông lạnh hiện không đảm bảo, tại Quảng Ninh thời gian mất điện dài, nên ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản hàng đông lạnh. Chi phí cắm điện năm nay cũng rất lớn. ở Hải Phòng chi phí cắm điện năm ngoái là 26,4USD/ngày, thì hiện nay đang là 55-60USD/ngày.
Thêm khó khăn

Hàng loạt container bị ùn ứ tại điểm thông quan Lục Lầm (Móng Câí).  Ảnh T.N.D

Theo các DN, từ ngày 1.6.2010, trạm kiểm tra tải trọng xe quốc lộ 18 Quảng Ninh đưa vào hoạt động, hầu hết các DN chuyển từ vận tải hàng hóa bằng đường bộ sang đường biển do trọng tải của hàng container phần lớn được đóng từ nước ngoài khi đi qua trạm hầu hết vượt quá tiêu chuẩn cho phép và việc kiểm tra, xử lý về tải trọng xe, điều kiện bảo quản hàng hóa khi sang tải… đang là mối lo của nhiều DN.
Ngoài ra, việc vận hành trạm cân hiện nay còn có những bất cập như mặt bằng khu vực trạm cân chật hẹp, việc xử lý hàng vượt tải trọng rất khó khăn, đồng thời nơi đây là cửa ngõ vào thành phố, khi những dãy xe container ùn tắc đã gây mất mỹ quan của thành phố du lịch.
“Ngay từ giữa tháng 3, khi bắt đầu dấu hiệu ách tắc hàng hóa XK qua các cửa khẩu khu vực biên giới, Sở Công Thương đã khuyến cáo các DN XNK hàng hóa theo đường biên mậu theo phương thức tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu tăng cường trao đổi thông tin, đàm phán với đối tác nước ngoài có kế hoạch hạn chế gửi hàng từ nước ngoài về VN, tránh lưu giữ hàng hóa nhiều ngày tại khu vực biên giới.
Song các DN vẫn chủ quan, một số DN vẫn tiếp tục đưa hàng về ồ ạt với số lượng lớn với mục tiêu xuất thật nhanh trước khi Trung Quốc siết chặt lệnh kiểm soát hàng hoá” – bà Nguyễn Thị Liễu cho biết.
Điều đáng nói là cùng với sự ách tắc tại cảng, hiện vấn đề an toàn, vệ sinh môi trường tại các cửa khẩu cũng đáng báo động. Khu vực cửa khẩu đang tồn đọng khoảng 421,81 tấn ắcquy và 255,88 tấn vi mạch điện tử và đầu kỹ thuật số đã qua sử dụng bị hải quan phát hiện nằm trong container của 5 DN tạm nhập tái xuất. Nếu không nhanh chóng được tái xuất, số hàng này có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Để giải quyết lượng hàng hoá tồn đọng, ách tắc tại biên giới, Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho DN để giải quyết các thủ tục phía VN. Để giải phóng hàng hoá qua trạm kiểm tra trọng tải xe quốc lộ 18, đề nghị Bộ GTVT tạm dừng hoạt động trạm cân.
UBND tỉnh yêu cầu Cty điện lực Quảng Ninh chỉ đạo các chi nhánh điện tại các địa phương biên giới có biện pháp cung cấp đủ nguồn điện, nhất là các khu vực tập trung hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Hồng Quân / Lao Động

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)