Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmGương sáng
Tạp Chí Giáo Dục

Nghị lực của một cựu giảng viên khuyết tật

Vi anh Nguyn Lâm Duy, sinh năm 1980, nguyên là ging viên ca Trưng Trung cp Công ngh Bến Tre thì: “Khuyết tt thân th không đáng s, khuyết tt tâm hn và ngh lc mi đáng s. Ngưi khuyết tt nếu không có ngh lc, ý chí vươn lên thì không ai giúp đưc mình…”.

Anh Nguyễn Lâm Duy nhận sửa chữa điện – điện cơ tại nhà để tăng thêm thu nhập

1.Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, do di chứng của căn bệnh sốt bại liệt lúc lên ba tuổi nên chân phải của anh bị teo cơ, đi đứng khó khăn. Dù vậy, anh vẫn quyết tâm vượt lên số phận, ra sức học tập để không trở thành gánh nặng cho gia đình.

Anh Duy cho biết, trong khoảng thời gian đó, anh tình cờ đọc được cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của tác giả nước ngoài Kim Woo Choong. Tác giả Kim Woo Choong là người gặp nhiều chông gai trong cuộc sống, nhưng từ 2 bàn tay trắng ông đã tạo dựng nên Daewoo – một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Vùi mình trong những trang sách, anh bảo, cuộc đời của Kim Woo Choong đã góp phần định hình cho anh quyết tâm không gục ngã trước số phận.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi đậu vào một trường trung cấp kỹ thuật tại TP.HCM. Sau khi lấy được bằng cấp chuyên ngành điện – điện tử, anh đi làm được vài năm thì quyết định trở về quê hương Bến Tre thực hiện ước mơ làm nhà giáo.

Từ năm 2004 đến 2010, anh giảng dạy tại Trường Cao đẳng Đồng Khởi (chuyên ngành điện – điện tử), sau đó anh chuyển sang Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre, vẫn với chuyên ngành này. Đến năm 2019, khi vợ anh chuẩn bị sinh thêm con thứ hai, vì nhà ở Chợ Lách quá xa trường nên anh quyết định tạm thời xin nghỉ việc giảng dạy để về nhà làm vườn, thuận tiện việc chăm sóc con, đưa rước con đi học.

Anh cho biết, bà xã anh là chị Trần Thị Hồng Linh (sinh năm 1977), cũng bị di chứng sốt bại liệt nên bị liệt cả hai chân, hiện là một thợ may tại gia. Do đồng cảm về hoàn cảnh nên cả hai đến với nhau từ năm 2013, hiện có 2 con nhỏ. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh chị rất hạnh phúc vì luôn thấu hiểu nhau.

2.Căn nhà nhỏ của anh chị ở xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre luôn tràn ngập tiếng cười. Chị Linh làm thợ may, còn anh Duy thì làm vườn và đưa đón 2 con đi học. Những chậu kiểng bonsai, kiểng lá do anh tỉ mỉ chăm sóc cũng là nơi anh gửi gắm hy vọng về một tương lai bớt nhọc nhằn hơn cho gia đình.

Anh Duy kể: “Từ khi có đứa con thứ hai, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn, tôi cố gắng làm thêm việc vườn như ghép cây, sửa cây. Tôi nhìn những cây già cỗi, điều kiện sống khắc nghiệt mà vẫn vươn lên thì giống như cuộc đời của mình. Có nhiều cây sức sống của nó quá mãnh liệt nên tôi mới tìm cách tạo hình sao cho điểm nhấn của cây có sự vươn lên, phân tán cành cho nó đẹp”.

Ngoài làm cây, anh Duy còn tranh thủ nhận sửa chữa điện – điện cơ cho bà con quanh xóm để kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học. Anh nói: “Tôi làm thêm nghề điện gia dụng, sửa động cơ bơm nước, bàn ủi, máy sấy, mô tơ. Có khi lắp quạt trần, tôi tự chế thang để leo lên sửa, cặp thêm cây vào để thang vững. Sửa điện dưới thấp thì được 10 ngàn, trên cao thì 20 ngàn, có thêm tiền mua sữa cho con. Làm điện cũng đỡ nhớ nghề dạy học”.

Dù làm nhiều việc nhưng thu nhập vẫn không ổn định do thiếu vốn. Không ít lần, chị Linh phải giấu nước mắt khi thấy những vết thương xước trên tay chân anh sau những lần đi bứng cây, sửa kiểng.

Chị nói: “Làm vườn cây kiểng thì chỉ bán được nhiều vào mùa Tết. Chân ảnh khuyết tật nhưng vẫn đi cưa cây, bứng cây bị dao cắt vào chân nhìn đau lòng lắm nhưng ảnh vẫn luôn bảo không sao. Nỗi lo lớn nhất của hai vợ chồng vẫn là hai đứa con, kiếm tiền để tụi nhỏ ăn học đổi đời”.

Anh Duy cũng đang thử nghiệm hướng đi mới, tạo dáng bonsai cho các cây ăn trái như mận, xoài, ổi vừa để bán, vừa có trái để thưởng thức. Tuy nhiên, đây không phải cây chuyên kiểng nên dễ gãy, rất khó tạo dáng, thời gian nuôi kéo dài gấp đôi cây kiểng thông thường. Rủi ro cao, nếu không thành công thì cây không bán được, bị chôn vốn. Trong khi chờ cây lớn, anh trồng xen kẽ các loại cây ngắn ngày như hoa mười giờ, ớt, rau ăn để duy trì sinh hoạt.

Nghị lực chiến thắng số phận, không chỉ vượt qua chính bản thân mình, hiện anh Duy còn thầm lặng nuôi dưỡng một ước mơ trên hành trình xóa bỏ định kiến, đó là mở lớp dạy nghề điện và điện tử miễn phí cho những người chung hoàn cảnh nhằm thay đổi cách nhìn của cộng đồng đối với người khuyết tật, tạo ra cho người khuyết những cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Minh Anh

Bình luận (0)