Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

96 bộ phim bắt đầu tranh giải ở Liên hoan phim ngắn TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Trần Luân Kim, Uỷ viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM nhìn nhận liên hoan lần này tạo một sân chơi bình đẳng, rất rộng rãi cho các bạn trẻ chuyên nghiệp và không chuyên, các bạn làm phim độc lập cùng thực hiện các ý tưởng của mình.

Tối 27/10, tại Nhà hát Thành phố, Liên hoan phim ngắn TPHCM lần thứ nhất – năm 2023 đã chính thức khai mạc, mở màn chuỗi hoạt động tranh tài thú vị giữa các tác phẩm phim ảnh tiêu biểu.

Diễn ra từ ngày 27 đến 29/10 tại TPHCM, liên hoan là hoạt động hướng đến kỷ niệm ngày truyền thống của điện ảnh Nam bộ, ngày Chính ủy Khu 8 Nguyễn Văn Bình ký sắc lệnh thành lập Điện ảnh và Nhiếp ảnh Nam Bộ, thành lập Hội Điện ảnh TPHCM.

96 bộ phim bắt đầu tranh giải ở Liên hoan phim ngắn TPHCM ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khai mạc liên hoan phim. Ảnh: Ngô Tùng.

Phát biểu khai mạc liên hoan phim, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho hay, thành phố vừa ban hành Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, trong đó xác định ngành công nghiệp điện ảnh là trọng tâm. Cùng với Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần đầu tiên vào năm 2024 và Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 24 – năm 2025, liên hoan phim ngắn này được xem là bước cơ bản, nền tảng, mang tính tổng thể nhằm cụ thể hóa chiến lược trên.

Theo ông Đức, từ khi bắt đầu công bố, liên hoan đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà làm phim và công chúng yêu điện ảnh, với gần 100 tác phẩm gửi tham dự.

PGS.TS Trần Luân Kim, Uỷ viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM nhìn nhận liên hoan lần này tạo một sân chơi bình đẳng, rất rộng rãi cho các bạn trẻ chuyên nghiệp và không chuyên, các bạn làm phim độc lập cùng thực hiện các ý tưởng của mình. “Đây là môi trường đào tạo cho điện ảnh tương lai của nước nhà và môi trường ấy được xây dựng nên bởi tất cả chúng ta”, ông nói.
96 bộ phim bắt đầu tranh giải ở Liên hoan phim ngắn TPHCM ảnh 2
PGS.TS Trần Luân Kim trao đổi tại buổi lễ.

PGS.TS Trần Luân Kim chia sẻ không giống như phim dài, phim ngắn có một cấu trúc riêng, có hệ thống ghi chép riêng. Do đó đòi hỏi phải có sự liên tưởng, sự bất ngờ và có một sự vỡ lẽ, trên một cơ sở triết lý nào đó. “Chúng tôi mong rằng mọi người tham gia liên hoan phim này với tâm thế tươi vui, phấn chấn”, ông Kim bày tỏ.

Chia sẻ cảm xúc tại buổi lễ, đạo diễn Xuân Phượng bày tỏ xúc động khi gợi nhắc ký ức về các thế hệ làm phim cách mạng năm xưa đã cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà. Theo nữ đạo diễn gạo cội, những người làm phim chiến trường, làm phim ngắn, phim tài liệu trong chiến tranh đã lấy xương máu của mình để đổi lại những thước phim. “Tôi mong muốn các nhà làm phim trẻ hiện nay nên nhớ ơn, nguyện một lòng theo bước chân những người trước kia từng làm”, đạo diễn Xuân Phượng bộc bạch.

Mượn lời đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đạo diễn Xuân Phượng gửi gắm đến các đồng nghiệp trẻ: “Phim ngắn hôm nay là sức mạnh của nền điện ảnh trong tương lai”.

96 bộ phim bắt đầu tranh giải ở Liên hoan phim ngắn TPHCM ảnh 3

Lãnh đạo TPHCM trao hoa chúc mừng các thành viên Hội đồng giám khảo vòng Chung kết liên hoan phim.

96 bộ phim bắt đầu tranh giải ở Liên hoan phim ngắn TPHCM ảnh 4

Các nhà làm phim, bạn trẻ đến dự buổi lễ.

Liên hoan phim ngắn TPHCM lần thứ nhất có sự tham gia của 96 tác phẩm phim, gồm 60 phim truyện, 23 phim tài liệu và 13 phim hoạt hình. Tất cả phim tham dự đã được thẩm định và được Cục Điện ảnh phê duyệt để công chiếu.

Kết thúc liên hoan phim, ban tổ chức sẽ trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích ở các thể loại phim. Ngoài các giải thưởng chính, liên hoan cũng dành có giải thưởng đặc biệt về đề tài TPHCM, cùng với đó, các tác phẩm chiến thắng cũng được hỗ trợ gửi tham dự Liên hoan phim quốc tế trong khu vực hoặc trên thế giới.

Trong 3 ngày diễn ra, liên hoan chiếu các phim dự thi ở các hạng mục. Ngoài ra, liên hoan còn diễn ra tọa đàm chủ đề “Sức mạnh của phim ngắn trong thúc đẩy biến đổi, phát triển xã hội tại TPHCM”, tổ chức giao lưu gặp gỡ giữa các thế hệ làm phim gạo cội với các người làm phim trẻ.

Theo Ngô Tùng/TPO

Bình luận (0)