Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

97,7% người khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Một nhóm khảo sát, nghiên cứu về “Bệnh thành tích” trong giáo dục đã thực hiện ở 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố đã cho ra kết quả 97,7% người khẳng định có “bệnh thành tích” trong giáo dục.

Đây là khảo sát, nghiên cứu của nhóm GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam đã công bố tại Hội thảo khoa học: "Thực trạng Bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục" tổ chức này 10/9 tại Hà Nội.

97,7% người khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục - ảnh 1 
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho biết, “Bệnh thành tích” trong giáo dục, có thể được hiểu, đó là các hoạt động, hành động không trung thực trong báo cáo về kết quả giáo dục và đào tạo, tạo dựng thành tích ảo không có thực, dấu diếm các lỗi lầm trong hoạt động giáo dục và đào tạo của đơn vị do mình phụ trách, lừa dối, báo cáo sai sự thật, thổi phồng, phô trương các kết quả công việc mình đã thực hiện không đúng như thực tế đã có nhằm đạt được một mục đích cá nhân nào đó.

Đây là các hoạt động, hành động, hành vi gian lận lừa dối (GLLD) trong giáo dục, đào tạo. Bởi vậy, chúng ta có quyền gọi cái gọi là “Bệnh thành tích” trong giáo dục là đồng nghĩa với các hoạt động, hành vi gian lận lừa dối trong giáo dục.

Nhằm làm rõ cái gọi là “Bệnh thành tích” trong giáo dục, nhóm khảo sát, nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Ngọc Phú đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên bằng phiếu thăm dò các cán bộ quản lý các nhà trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), bao gồm các hiệu trưởng, hiệu phó, nhiều cán bộ chủ chốt khác, các giáo viên, một số phụ huynh học sinh và cả các học sinh tại 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Trị.

97,74% người khẳng định là “có bệnh thành tích”

Theo khảo sát ở 222 giáo viên và các cán bộ quản lý các nhà trường về có “Bệnh thành tích” trong giáo dục và đào tạo không và mức độ như thế nào thì 97,74% người khẳng định là “có bệnh thành tích”, chỉ có 2,3% ý kiến cho rằng không có hiện tượng này.

Trong đó, có 72,35% số người trả lời (bao gồm giáo viên và cán bộ quản lý) cho rằng mức độ vi phạm này là “nghiêm trọng”.

Số người cho rằng “rất nghiêm trọng” chiếm 23,04%. Số người đánh giá “đặc biệt nghiêm trọng” chiếm 4,6%.

97,7% người khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục - ảnh 2  
Động cơ "Muốn được đề bạt, cất nhắc" xếp hạng cao nhất

Nhóm khảo sát đã đưa ra 6 biểu hiện của các kiểu hành vi gian lận, lừa dối trong quản lý nhà trường, trong dạy và học để lấy ý kiến các giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) và phụ huynh học sinh (PHHS).

Theo đó, hành vi “người phụ trách tự giảm yêu cầu đánh giá để đơn vị đạt được kết quả cao” có điểm trung bình cao nhất, tiếp đến là hành vi “Người phụ trách tự sửa (hoặc sai, chỉ đạo người khác sửa) nâng kết quả đạt được của đơn vị”; “Dấu diếm, không báo cáo khuyết điểm cá nhân hoặc đơn vị mắc phải”, “Cường điệu, phô trương, thổi phồng ý nghĩa, tầm quan trọng của kết quả đã đạt được”.

Đứng thứ 5 trong bảng điểm đánh giá là “Tòng phạm, đồng lõa với hành vi gian lận, lừa dối với các mức độ khác nhau” và cuối cùng là hành vi “Bịa đặt, tạo dựng thành tích giả để gây uy tín cho đơn vị”.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, thông qua khảo sát điều tra, chúng tôi cũng muốn làm rõ động cơ của các hành vi gian lận, lừa dối cũng nhằm hiểu sâu thêm cội nguồn của các hành vi bất ổn này.

Các động cơ hành vi gian lận, lừa dối trong hoạt động giáo dục và đào tạo được nhóm khảo sát thực hiện như sau:

97,7% người khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục - ảnh 3
Với kết quả trên cho thấy, động cơ “muốn được đề bạt, cất nhắc”, xếp hạng cao nhất, sau đó xếp hạng thứ 2 là “Hám danh, sinh thành tích”; xếp hạng thứ 3 là “Muốn khẳng định tài năng của mình trước bạn bè, đồng nghiệp”.

Xếp hạng thứ 4 là “Muốn được thưởng, tiền, vật chất, danh hiệu” và cuối cùng là “Hành vi gian lận lừa dối phục vụ cho lợi ích riêng của một số người nào đó, của cấp trên, nhưng dầu sao mình cũng được hưởng lợi từ việc này, nên cứ “ngậm miệng ăn tiền”, chẳng làm sao cả”.

Cơ chế, chính sách có khiếm khuyết, kẽ hở

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, nguyên nhân đầu tiên của các hiện tượng gian lận, lừa dối trong dạy và học là “Quan niệm 100%” (tức là mọi việc cứ phải đạt 100%, hoặc gần 100%) đã gây áp lực không tốt cho các nhà trường, cho các cán bộ quản lý giáo dục, cho các giáo viên;

Nguyên nhân thứ 2 là Luật pháp, các cơ chế, chính sách… trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có những khiếm khuyết, kẽ hở dễ tạo điều kiện cho các hành vi gian lận, lừa dối trong đánh giá, thi cử có điều kiện xuất hiện.

Tiếp đến là ý thức chung của toàn xã hội và của các bậc cha mẹ học sinh thấp, đôi khi chủ động gây ra áp lực hoặc tòng phạm, đồng lõa với các hành vi gian lận trong đánh giá, thi cử.

Nguyên nhân thứ 3 là các phương tiện kỹ thuật quản lý dữ liệu lạc hậu, kém dễ tạo điều kiện cho các hành vi gian lận, lừa dối nảy sinh và cuối cùng là các nguyên nhân: Phẩm chất tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật của người cán bộ làm công tác quản lý giáo dục đào tạo nói chung; Năng lực chuyên môn của đội ngũ thầy, cô giáo, năng lực quản lý lãnh đạo của thành phần lãnh đạo, quản lý các nhà trường thấp kém.

Việc nâng kết quả, tòng phạm với các hành vi gian lận lừa dối trong giáo dục và đào tạo là để bao che cho các khiếm khuyết về năng lực và trình độ chuyên môn của mình.

Đối với học sinh, về các áp lực trong học tập, qua khảo sát các em cho rằng, đã bị áp lực mạnh nhất từ các cha mẹ của mình, kế đó là áp lực từ các thầy cô giáo. Cụ thể như sau:

97,7% người khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục - ảnh 4
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho hay, liên quan đến điều này cần phải đặc biệt lưu ý thể hiện sự tin tưởng, động viên khích lệ, biết thực sự chăm lo điều kiện học hành của các bậc cha mẹ và phương pháp dạy học của thầy cô giáo, không nên gây các áp lực, căng thẳng không cần thiết đối với học sinh, thực hiện dân chủ trong dạy và học, biết cách phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ của mỗi học sinh.

Giải pháp nào để xóa bỏ “bệnh thành tích” trong giáo dục

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho biết, sau khi thực hiện khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế, xóa bỏ “Bệnh thành tích” trong giáo dục.

Theo đó, để hạn chế, đi đến xóa bỏ “Bệnh thành tích” trong giáo dục đầu tiên là phải xử lý nghiêm các hành vi tòng phạm, bao che dung túng cho các việc làm gian lận lừa dối (GLLD) trong giáo dục.

Một thầy cô giáo nào đó mắc phải hành vi gian lận, trong một mức độ nào đó, người hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải chịu hình phạt liên đới. Giải pháp này cũng góp phần giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm pháp lý của các cán bộ quản lý các nhà trường.

97,7% người khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục - ảnh 5
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam

Theo GS Phú, chúng ta đã thừa nhận, “bệnh thành tích” trong giáo dục về thực chất, đó là các hành vi việc làm gian lận, lừa dối. Bởi vậy những vi phạm gian lận trong giáo dục, đào tạo nếu ai đó mắc phải, cần phải được xử lý ngay, xử lý công khai, nghiêm minh, đúng mức độ phạm tội để làm gương cho người khác.

Đặc biệt, đã có gian lận, lừa dối thì việc xử lý các hành vi gian dối này phải trả về cho các chế định luật pháp.

Trong điều kiện hiện nay, rất cần có sự rà soát lại các văn bản luật pháp, thông tư, nghị định đang hiện hành liên quan đến dạy và học, đánh giá chất lượng người học, tổ chức thi cử, bổ sung kịp thời những quy tắc, chế định mới do cuộc sống đã có sự phát triển, thay đổi để giúp có thể kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng dạy và học một cách khách quan tốt nhất.

Cùng với giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, động cơ đạo đức trong sáng mẫu mực của người thầy, trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật ngày nay, rất cần phải đầu tư tăng cường các phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp công khai, minh bạch trong đánh giá kết quả học tập, thi cử, quản lý dữ liệu nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa dối trong dạy và học có thể nảy sinh.

GS Phú cho rằng, cần có tác động vào bình diện động cơ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các nhà giáo, nêu cao phẩm chất liêm, chính của người thầy, xây dựng ý thức trách nhiệm cao của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục”.

Trong mọi trường hợp nảy sinh, giải pháp này luôn là điều mà mỗi nhà quản lý giáo dục, mỗi giáo viên phải luôn luôn tự nhắc nhở, tu dưỡng mình.

Theo Dân trí

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)