“Cầm đồ” không còn xa lạ với nhiều teen “chịu chơi” mỗi khi thiếu tiền và nó cũng gây ra không ít hệ lụy cho 9X.
Thiếu tiền tiêu, thiếu tiền học, thèm một món đồ nào đấy và cần tiền “nóng”; không thể xin bố mẹ, không ai có khả năng cho vay…, vậy là teen nghĩ ngay tới những tiệm cầm đồ nhan nhản trên phố. Nhiều cô cậu học trò thậm chí đã trở thành “khách hàng thân thiết” của những tiệm cầm đồ này, có thể yêu cầu chủ tiệm giữ đồ cho mình trong một khoảng thời gian nhất định.
Điệp khúc “Thiếu là cầm”
Giá cả leo thang mà danh sách những thứ cần tiêu thì dài vô tận khiến nhiều teen cứ thường xuyên “đội sổ” chi tiêu. Đó là chưa kể các teen thích tiêu hoang, nghiện điện tử, bài bạc, lô đề…thì lại càng là vấn đề nan giải.
Hùng Cường (THPT V.Đ), một teen 12 có thể thuộc làu làu tên các tiệm cầm đồ trên phố Đặng Dung (Hà Nội) cho biết: “Một tháng mình cắm-chuộc không dưới 10 lần, từ máy tính, điện thoại, máy nghe nhạc…với lãi suất tính theo ngày khoảng 0.5%. Nhiều thứ còn không có nổi tiền chuộc về như cái ipod mới toanh mình mới cầm tháng trước, giờ ghi sổ chắc cũng phải gần 300k là ít.” Giải thích về lý do “cầm đồ” như đi chợ, Cường thật thà: “Nhà không phải là thiếu tiền nhưng bố mẹ mình khá khắt khe trong việc chi tiêu nên cũng không bao giờ cho mình cầm nhiều tiền, chỉ đủ đề gửi xe, sửa xe và nạp điện thoại. Đầu tháng mới có tiền nên chuyện cuối tháng “túi viêm màng” là chuyện bình thường, cầm đồ vì thế cũng trở thành điệp khúc chưa có hồi kết.”
Hồng Ánh, một teen girl 12 trọ học ở Hà Nội lại thường xuyên phải cuốc bộ vì xe gửi trong tiệm. Cô bạn tâm sự: “Thường mọi người nghĩ teen đi cầm đồ hư hỏng và ăn chơi nên mới phải làm thế nhưng đó cũng chỉ là một bộ phận. Cầm đồ nhiều nhất bây giờ là các anh chị sinh viên và dân cá độ. Còn mình vì nhà tận Hải Dương, lên Hà Nội trọ học một mình nên hoàn cảnh tự thân vận động cũng khó khăn không kém. Một tháng mình được mẹ gửi cho hơn 1 triệu để đóng học và chi tiêu, nhà thì mình thuê chung với người chị họ học Kinh tế quốc dân. Tài sản cũng không có gì giá trị nên mình hay cắm xe đạp là chính, nhất là từ giữa tháng trở đi. Mình nhờ một cậu bạn đáng tin cậy cùng lớp đi cầm giúp. Nhiều bạn ngỏ ý muốn cho mình vay tiền nhưng mình không đồng ý, không phải vì sĩ diện mà một mặt vì không muốn dây dưa nợ nần, một mặt không muốn vay một khoản tiền lớn như thế bởi các bạn mình đã phải tích góp rất nhiều, rồi đến khi họ cần mình chưa có khả năng trả thì phiền phức lắm.”
Ánh cũng cho biết thêm, thế giới “cầm đồ” đa dạng và cũng rất phức tạp, cô bạn có cơ may kiếm được một công việc làm thêm khá ổn định nên hạ quyết tâm sẽ không quay trở lại con đường “cầm-cắm” nữa. “Đồ ở hiệu cầm phức tạp lắm, có cả đồ ăn cắp. Mình cũng không muốn bị mang tiếng nhiều và cũng không muốn phiền cậu bạn nữa. Bây giờ có một công việc làm thêm phù hợp rồi, mình sẽ cố cân đối chi tiêu để không túng thiếu vào cuối tháng.”
Cầm cố đồ đạc chưa bao giờ là giải pháp hay
Hùng Cường, anh bạn nghiện “cầm đồ” cũng phải thú nhận: “Cầm đồ chưa bao giờ là giải pháp hay để giải quyết vấn đề túng thiếu. Vì thực chất đồ đạc được cắm lại ở hiệu không hề được bảo đảm hơn nữa khi muốn chuộc lại giá cả thường độn lên rất cao tùy theo giá trị món đồ nên đã khó lại càng khó hơn. Với một số người cầm xe máy, vi tính…- những món đồ có thể tháo lắp, thay thế phụ tùng rất dễ bị lừa gạt nếu vào phải hàng cầm đồ vô lương tâm. Còn những teen chọn mua đồ ở những tiệm cầm đồ thế này cũng phải cẩn thận và tinh ý vì tuy đồ có rẻ nhưng chưa chắc bảo đảm chưa bị chọc ngoáy, thay thế phụ kiện hoặc nếu là đồ ăn cắp, ăn trộm thậm chí còn khiến nhiều teen lâm vào cảnh dở khóc dở cười.”
Còn Hồng Ánh thì chia sẻ: “Chỗ mình trọ thành phần hơi phức tạp, có cả các anh chị sinh viên ngoại tỉnh, người buôn bán nhỏ và một số thì sống khá khép kín và khó hiểu. Cũng vì hoàn cảnh mà mọi người ở đây đều quá quen với cảnh người một nơi, đồ một nẻo (gửi cầm đồ). Có bác nghiện lô đề đến nỗi đem cắm cả TV rồi đến cái đài cát sét cuối cùng để lấy thông tin từ bên ngoài cũng cầm nốt dù chỉ được có 2, 30k. Có chị sinh viên vì túng quá, không có cả tiền ăn đành cầm cố cái điện thoại mẹ sắm cho mừng chị thi đỗ. Thấy chị ý tủi thân, khóc nức nở mà mình cũng thấy thương.”
Kết
Khá nhiều teen hiện nay tìm đến tiệm cầm đồ vì những lý do chẳng hề đáng thông cảm tý nào. Ngày hôm nay bạn cắm cái máy tính mẹ mua cho mất hơn 100k chỉ để lấy vài ba chục đánh điện tử. Ngày hôm sau bạn lại giấu mọi người cắm luôn điện thoại cho cuộc trác táng một đêm…Và rồi cái thiếu ấy sẽ dần trở thành thói quen khiến bạn không dứt ra được cái vòng tuần hoàn cầm cố ấy và chẳng có cơ hội chuộc lại bất kỳ thứ gì. Vậy nên trước khi nghĩ đến giải pháp cuối cùng này, hãy nhớ đến mồ hôi công sức của bố mẹ, nhớ đến nỗi khổ sở của các anh chị sinh viên nghèo và cuối cùng thử nhớ lại xem món đồ ấy đã gắn bó với bạn biết bao nhiêu, chắc chắn bạn sẽ không nỡ đánh đổi nó chỉ để lấy một số tiền nhỏ nhoi chẳng xứng đáng.
Theo mực tím
Bình luận (0)