Là một người đã từng học trọn vẹn 5 năm chương trình Tiếng Việt theo phương pháp Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, du học sinh Nguyễn Siêu (tốt nghiệp xuất sắc ĐH Vassar, Mỹ) khẳng định, chương trình này tập trung phát triển cốt lõi của tư duy cực kỳ tốt, về lâu dài điều đó sẽ mang lại hiệu quả cao.
Nguyễn Siêu, chàng trai Việt trúng tuyển 7 trường ĐH danh giá Mỹ năm 2013, từng “gây sốt” mạng xã hội năm 2015 với phát biểu về việc cuồng hoa hậu của người Việt. Tốt nghiệp bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông tại đại học Vassar, New York (top 12 nước Mỹ) loại xuất sắc (GPA: 3.9/4.0), Nguyễn Siêu hiện đang làm việc tại tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ – Paramount Network.
Từng là người từng học phương pháp Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại tại trường Tiểu học Thực Nghiệm cách đây 17 năm, Nguyễn Siêu có bài phân tích chỉ rõ hiệu quả giáo dục của chương trình giáo dục công nghệ đang gây tranh cãi trong dư luận.
Dưới đây là bài chia sẻ quan điểm của Nguyễn Siêu:
Ngày xưa, mình học cấp 1 tại trường Tiểu học Thực Nghiệm, thuộc trung tâm Công nghệ giáo dục của chính thầy Đại. Bộ sách Tiếng Việt mình được học trong suốt 5 năm từ 2001 tới 2005 chính là bộ sách này, bộ sách dạy học sinh đọc các khối tròn vuông mà mọi người đang chỉ trích kịch liệt mấy ngày hôm nay.
Thời ấy, trường mình là nơi duy nhất dạy học theo chương trình Công nghệ giáo dục, trong khi bạn bè cùng lứa ở tất cả các trường tiểu học khác đều học theo sách giáo khoa đại trà của Bộ GD&ĐT. Chính vì lẽ ấy mà trường mình có tên “Thực Nghiệm”, tức là nơi thí điểm một chương trình khác biệt, một chương trình giáo dục không hề giống với số đông.
Nguyễn Siêu (sinh năm 1995) là chàng trai có thành tích học tập xuất sắc, gây ấn tượng với nhiều bài quan điểm, góc nhìn sắc sảo trong cộng đồng du học sinh Việt – một người học chương trình công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại trọn vẹn 5 năm.
Năm 2005, trường tiểu học Thực Nghiệm được yêu cầu ngừng dạy theo chương trình Công nghệ giáo dục và bắt đầu sử dụng bộ sách đại trà của Bộ GD&ĐT. Khóa 2001 – 2005 của mình vì thế là lứa học sinh Thực Nghiệm cuối cùng được học tập trọn vẹn 5 năm với chương trình của thầy Đại.
Mấy ngày hôm nay, thấy cộng đồng mạng tranh cãi về việc học sinh phải chỉ hình vuông, hình tròn để đọc câu thơ, về cách đánh vần nguyên âm đôi “iê” là “ia,” mà mình ngớ người ra vì thật sự không hiểu mọi người chỉ trích cái gì và tại sao lại chỉ trích. Ngẫm một lúc, mình mới nhớ ra ngoài số ít những người như mình đã học ở trường tiểu học Thực Nghiệm trước năm 2005, không một ai khác biết tới chương trình dạy học này.
Đối với mình thì chương trình Công nghệ giáo dục là một thứ rất đỗi quen thuộc, còn đối với mọi người thì nó lại được gán cho hai chữ “cải cách”. Sau vài năm bị tạm ngừng, chương trình vừa được cho phép quay lại giảng dạy tại một vài trường học trên cả nước.
Nói “cải cách” thì tất nhiên là ai cũng nghi hoặc, cũng e dè, nên mình hiểu tại sao mọi người lại có phản ứng dữ dội như vậy. Tuy nhiên, mọi người nên hiểu nó không phải là một chương trình “cải cách”, vì nó không hề mới.
Với tư cách là một người đã học chương trình này cách đây 17 năm, mình muốn khẳng định hai điều: Thứ nhất, đây là một chương trình dạy tư duy ngôn ngữ cực kỳ tốt, và thứ hai, nhờ chương trình Tiếng Việt theo phương pháp Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại mà mình có được khả năng ngôn ngữ của ngày hôm nay.
Khối tròn, vuông: Dạy cách tư duy ngôn ngữ thay vì chỉ biết đọc, viết
Mình muốn giải thích điều khúc mắc mà mọi người đang tranh cãi nhiều nhất: mục đích của việc nhìn hình vuông, khối tròn để đọc câu thơ là gì?
Điều thứ nhất mà mình được dạy trong lớp tiếng Việt đầu tiên của cả cuộc đời mình chính là ngôn ngữ bao gồm hai thành phần cơ bản: chữ viết và tiếng nói. Bộ sách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại không bắt đầu từ chữ viết A, B, C, mà bắt đầu bằng tiếng nói, vì tiếng nói là thể dạng ngôn ngữ đầu tiên mà con người sử dụng: đứa trẻ ngay sau khi sinh ra đã biết khóc, khi lớn lên một chút thì biết bập bẹ gọi mẹ, gọi bà, còn lên ba, lên bốn thì mới bắt đầu học viết chữ. Âm thanh vì thế đi trước con chữ.
Chương trình Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại cũng bắt đầu từ thành phần cơ bản của tiếng Việt: Âm. Học sinh được học về âm thanh đầu tiên. Một “tiếng” phát ra là một âm thanh, dù “tiếng” ấy có nghĩa hay không. “Tiếng” chính là đơn vị cơ bản, đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ. Ví dụ: “dâm bụt” là một Từ, tức là một đơn vị ngôn ngữ có nghĩa, nhưng nó gồm hai Tiếng, tức là hai đơn vị âm thanh, là “dâm” và “bụt.” Đứng một mình, “dâm” và “bụt” là hai tiếng có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa, nhưng ở những tuần học đầu tiên của chương trình Công nghệ giáo dục, học sinh chưa học về Nghĩa, mà đơn thuần chỉ học về Âm.
Chúng chỉ cần rằng hiểu “dâm bụt” có 2 tiếng, tức là hai lần miệng chúng mở ra, thanh quản rung để phát ra một âm thanh nào đó. Mỗi hình vuông, hình tròn trong bộ sách của thầy Đại là đại diện cho một Âm, một tiếng. Một câu thơ 6 chữ sẽ có 6 hình vuông; một câu thơ 8 chữ sẽ có 8 hình vuông.
Cứ như vậy, học sinh sẽ nắm được khái niệm về “tiếng,” về “âm,” để phân tách rõ ràng rằng một câu thơ có 6 chữ thì miệng chúng phải phát âm ra đầy đủ 6 “tiếng,” không sót “tiếng” nào. Cách sử dụng hình khối thay cho chữ viết là để học sinh quên đi nghĩa của từ, vì đó không phải là trọng tâm của những tuần đầu đi học. Chúng cần tập trung 100% vào âm. Một khi nắm vững khái niệm về âm thanh, tới những tuần kế tiếp, học sinh mới bắt đầu học về từ, về nghĩa, về chữ viết.
Chương trình Tiếng Việt này sử dụng hình vuông, hình tròn để đại diện cho câu thơ, chữ viết cũng là để giảng dạy hai khái niệm cơ bản: “vật thật” và “vật thay thế”. Trong ngữ cảnh này, hình khối chỉ là “vật thay thế” cho ngôn ngữ, ở đây đóng vai trò là “vật thật,” nhưng nghĩ một cách rộng hơn, bao quát hơn, chính ngôn ngữ cũng chỉ là “vật thay thế” cho thế giới “thật” ngoài kia. Chúng ta có thể vẽ hai hình tròn để “thay thế” cho hai tiếng “dâm bụt,” song hai tiếng “dâm bụt” về bản chất cũng chỉ là “vật thay thế” cho bông hoa dâm bụt đang nở đỏ ngoài sân trường.
Đây chính là triết học của ngôn ngữ, của cách truyền đạt thông tin. Chương trình tiếng Việt của thầy Đại vì thế chú trọng dạy học sinh cách Tư duy ngôn ngữ, bên cạnh việc chỉ biết đọc và viết.
Ngôn ngữ không chỉ là biết cách nói một từ, đọc một tiếng. Ngôn ngữ cốt lõi nằm ở sự tư duy. Tư duy ngôn ngữ tốt thì cách nhìn cuộc sống, cách giải quyết vấn đề, cách làm việc sẽ tốt.
Các bậc phụ huynh không cần lo lắng…
Công việc hiện nay của mình là sản xuất và dựng video quảng bá cho kênh Paramount tại Mỹ. Tư duy ngôn ngữ được học tập, bồi đắp và gọt sắc nhờ chương trình Tiếng Việt của thầy Hồ Ngọc Đại vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong cách làm nghệ thuật và làm việc ngày qua ngày của mình.
Ví dụ, để truyền tải một thông điệp nào đó qua một video ngắn, khi nào thì ta cần dùng hình ảnh làm “vật thay thế,” khi nào cần dùng lời thuyết minh đằng sau làm “vật thay thế”? Cách đọc thơ bằng hình vuông, hình tròn trong chương trình Tiếng Việt của 17 năm trước cũng trang bị cho mình một tư duy tốt về NHỊP. Mỗi tiếng phát ra tạo ra một nhịp; 8 hình vuông là 8 nhịp khác nhau. Nhịp điệu là cốt lõi của nghệ thuật: phải kể chuyện theo nhịp nhanh hay chậm để hấp dẫn, phải dựng video, dựng phim thế nào để khán giả không cảm giác là sản phẩm này nhanh tới mức khó hiểu hoặc quá lề mề, lê thê. Mỗi khi viết hay dựng video, mình đều “cảm” nhịp và nhớ lại những cái gõ thước vào từng ô vuông, khối tròn của cô giáo năm lớp 1 ở trường Thực Nghiệm của mình. Mình thật sự rất biết ơn chương trình Công nghệ giáo dục của thầy Đại đã giúp mình xây dựng được khả năng ngôn ngữ của ngày hôm nay.
Với tư cách là một người đã từng học qua chương trình Tiếng Việt theo phương pháp Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại, mình có thể khẳng định là chương trình này tập trung phát triển cốt lõi của tư duy cực kỳ tốt. Đúng, chương trình này khó, nhưng về lâu dài điều đó sẽ mang lại hiệu quả cao. Mình từng nhớ khi vào cấp 2, không học ở Thực Nghiệm nữa, chuyển sang trường khác và phải học theo chương trình đại trà của Bộ Giáo dục, mình không thấy có gì khó khăn cả.
Chương trình Công nghệ giáo dục đã dạy mình Truyện Kiều và phép tu từ ẩn dụ từ năm lớp 4, cho mình học một kho tàng văn học Nga và Đông Âu từ năm lớp 5, nên khi chuyển sang chương trình đại trà ở năm lớp 6, mình thấy mọi thứ cũng bình thường.
Chính vì được tiếp xúc với Truyện Kiều, với văn học cổ điển thế giới từ rất sớm mà mình đem lòng yêu Tiếng Việt và ngôn ngữ một cách rất sâu nặng. Nếu có môn học nào mình tự hào là mình học giỏi nhất suốt những năm phổ thông, thì mình có thể khẳng định đó là môn Ngữ văn. Bài luận trong bộ hồ sơ đã đưa mình vào 7 trường Đại học Mỹ mùa xuân năm 2013 cũng viết về sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Mình thường xuyên viết trên Facebook và cũng mới xuất bản một cuốn sách, và cho dù độc giả có bất đồng với những quan điểm của mình đi chăng nữa, mình nghĩ mọi người cũng có thể công nhận cách sử dụng ngôn ngữ của mình khá chính xác và trơn tru. Kể ra tất cả những điều trên đây không phải để khoe khoang, mà chỉ để chứng minh cho các bậc phụ huynh thấy là họ không cần lo lắng. Con cái họ có học đánh vần bằng hình vuông, hình tròn thì cũng không sao đâu. Nó sẽ ổn thôi, có khi còn giỏi nữa.
Chương trình Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại không hề làm mất đi sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt đâu, nên đừng lấy cớ “tinh thần dân tộc” để chỉ trích, chửi rủa. Nếu thật sự yêu nước, thật sự muốn dân tộc mình ngày càng giỏi hơn, thì hãy giữ một chiếc đầu mở để đón nhận những nghiên cứu khoa học, những phát kiến mới. Nếu có chửi rủa, cười chê, thì trước hết hãy tìm hiểu thật kỹ về cái thứ mà bạn đang chửi rủa. Nếu không, bạn chỉ đang tự cười sự ngu dốt của chính mình.
Nguyễn Siêu (Từ New York, Mỹ)/ Dân trí
Bình luận (0)