Số F0 là giáo viên, học sinh tăng nhanh cùng với đó là thiếu nhân viên y tế học đường sẽ là vấn đề cần khắc phục để duy trì việc dạy và học bền vững, hiệu quả, chăm sóc sức khoẻ học sinh tại TPHCM. Nhiều đề xuất cơ chế “đặc thù của đặc thù” để khắc phục tình trạng trên cũng được đưa ra tại buổi làm việc khảo sát về tình hình học sinh đi học trực tiếp do Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TPHCM chủ trì ngày 4.3.
Học sinh ở TPHCM khai báo y tế trước giờ lên lớp.
Hơn 44.000 học sinh, giáo viên nghi mắc COVID-19
Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GDĐT TPHCM – thông tin theo thống kê từ phòng GDĐT cấp huyện, số lượng ca nghi nhiễm trong ngành Giáo dục từ ngày 7.2 đến ngày 2.3 là 3.689 ca là cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó phát hiện tại trường 381 ca và 40.385 ca là học sinh, trong đó, phát hiện tại trường 2.160 ca.
Như vậy, tính đến 2.3 đã có 44.074 ca học sinh, giáo viên nghi mắc COVID-19, số ca phát hiện tại trường là hơn 2.500 ca. 5 địa phương có số ca nghi nhiễm cao là quận 1, 12, Bình Thạnh, Tân Phú và TP.Thủ Đức.
Đại diện Sở GDĐT TPHCM cũng chỉ ra một số khó khăn, kiến nghị để đảm bảo công tác dạy học trực tiếp được bền vững và hiệu quả. Hiện tại số ca nghi nhiễm tại trường học được ghi nhận gia tăng, số cơ sở giáo dục trên địa bàn xã phường nhiều, việc này tạo áp lực công việc cho trạm y tế xã phường trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục. Một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp làm cho công tác phòng ngừa dịch bệnh tại trường học khó đảm bảo. Bên cạnh đó, có việc phụ huynh học sinh thực hiện xét nghiệm tầm soát các học sinh không có triệu chứng, dẫn đến lãng phí nguồn lực để xử lý những trường hợp dương tính giả.
Ông Trọng chia sẻ hiện tại phần lớn các cơ sở giáo dục gặp khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi, mắc bệnh và tầm soát F1 trong trường học. Thiếu hàng đầu là bộ xét nghiệm nhanh. Mặc dù, sở đã cấp bộ xét nghiệm nhanh đợt 1 về trường công lập, nhưng chỉ được dùng để tầm soát F0, việc xét nghiệm cho F1 vẫn còn gặp khó khăn.
Gần 50% trường thiếu nhân viên y tế chuyên trách
Vấn đề được nhiều đơn vị kiến nghị là tình trạng nhân viên y tế học đường còn thiếu hoặc không đúng chuyên môn đặt ra. Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TPHCM Trịnh Duy Trọng cho biết, vai trò nhân viên phụ trách y tế trường học trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Tuy nhiên, gần 50% cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách, giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm, gây khó khăn cho việc thực hiện phòng chống dịch tại đơn vị.
Năm học 2020-2021, toàn TPHCM có 2.339 cơ sở giáo dục nhưng chỉ có 1.319 đơn vị trường học có nhân viên y tế có chuyên môn (tỉ lệ 56,39%). Đến đầu năm học 2021-2022, lực lượng này không được bổ sung mà còn “rơi rụng” thêm, gây khó cho các trường trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Để đảm bảo công tác tổ chức dạy học trực tiếp lâu dài và hiệu quả, Sở GDĐT đề nghị HĐND TPHCM quan tâm đến chế độ, chính sách cho đối tượng là giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học nhằm tăng cường lực lượng phục vục công tác phòng chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Ở góc độ ngành Y tế, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM – cũng bày tỏ trăn trở về đội ngũ nhân viên y tế học đường.
“Chưa bao giờ chúng ta thấy được tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường. Trước đó ngành Y tế cũng đã có cảnh báo vì thời gian học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà. Nếu có đội ngũ nhân viên y tế học đường tốt sẽ góp phần nâng cao thể chất, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây đang có dấu hiệu tăng lên ở học sinh” – ông Hưng cho hay và đề xuất cần phải quan tâm tới đội ngũ y tế học đường và công tác khám sức khoẻ học sinh.
Ông Hưng cũng chỉ ra khó khăn khi hiện 4 vị trí văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế học đường chỉ có 3 biên chế, nên ở nhiều trường, một số giáo viên phải kiêm nhiệm luôn nhân viên y tế học đường. Ông Hưng cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp cùng Sở Giáo dục và đào tạo để có những đề xuất với UBND TPHCM nhằm đảm bảo số lượng nhân viên y tế học đường trong các trường học.
Vẫn có thể tổ chức bán trú
Thời gian qua, một số trường học do lo lắng quá mức với tình hình dịch bệnh, số lượng ca nhiễm tăng cao nên tạm dừng hoạt động căng tin và bán trú.
“Tôi cho rằng căng tin và bán trú là nhu cầu chính đáng của học sinh, đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng đối với quá trình phát triển của học sinh. Cũng không chắc dừng bán trú đã an toàn hơn khi học sinh ăn uống bên ngoài cổng trường… Vì vậy, các trường nên nghiên cứu hình thức tổ chức phù hợp dưới sự phối hợp của ngành Y tế thay cho việc đóng cửa hoàn toàn, ảnh hưởng quyền lợi học sinh” – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng bày tỏ.
|
HUYÊN NGUYỄN (theo laodong)
Bình luận (0)