Sitcom đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2004 và gây dấu ấn ở thời kỳ đầu với hàng loạt tác phẩm như "Lẵng hoa tình yêu", "Nhật ký Vàng Anh", "Cô gái xấu xí"… Hiện nay, sitcom ngày càng phủ sóng trên các nền tảng, nhưng ít có phim tạo được tiếng vang như trước.
Sôi nổi mảng sitcom trên truyền hình
Ngày 18/4 tới, sitcom Nhỏ to chốn văn phòng sẽ ra mắt người xem, đánh dấu sự trở lại của đơn vị sản xuất BHD ở “mặt trận” sitcom, kể từ thời Cô gái xấu xí. Bộ phim hài hước, vui nhộn, ý nghĩa về những câu chuyện nhỏ to chốn văn phòng này, là dự án phim đầu tiên tại Việt Nam chiếu song song trên ba nền tảng Netflix, Danet và K+.
Sự ra đời của “siêu” sitcom Nhỏ to chốn văn phòng đã hâm nóng thị trường sitcom trên màn ảnh nhỏ. Cùng với phim truyền hình, các chương trình truyền hình, sitcom đang là món ăn chủ đạo, giúp người xem giải trí trên truyền hình. Hiện nay gần như lịch phát sóng của kênh nào cũng có mặt nhiều sitcom với giờ phát tương đối đẹp. Có thể kể ra: Phụ nữ là số 1, Xin chào hạnh phúc, Góc phố muôn màu (VTV3), 1001 chuyện hẻm, Tám công sở, Cà phê tử tế (VTV9), Học viện âm nhạc Lalaschool, Sui gia hay xui gia, Cha anh mẹ em (HTV7), Nơi yêu thương bắt đầu, Về phía cầu vồng, Gia đình bất đắc dĩ (HTV9).
Dàn diễn viên của sitcom Nhỏ to chốn văn phòng
Không chỉ phát triển về số lượng, số tập sitcom cũng ngày càng “nở nồi”. Hiện tại, dài hơi nhất là sitcom 1001 chuyện hẻm đã phát hơn 100 tập, kể từ khi lên sóng vào tháng 11 năm ngoái. Với tham vọng vượt qua thành công của Cô gái xấu xí, sitcom Nhỏ to chốn văn phòng được lên kế hoạch sản xuất số tập nhiều hơn con số 176 tập của Cô gái xấu xí. Phim chia làm nhiều mùa, trước mắt, mùa đầu tiên sẽ dài 36 tập (khoảng 25 phút/tập). Kỷ lục số tập có lẽ thuộc về sitcom Nè biết gì chưa 888 (2008) và Tiệm bánh hoàng tử bé (2013) với 260 tập/phim.
Với thời lượng ngắn chỉ từ 5 – 30 phút, nội dung mỗi tập riêng rẽ, sitcom có lợi thế về mặt sản xuất lẫn thưởng thức. Chi phí làm phim thấp hơn phim truyền hình, khán giả không cần theo dõi xuyên suốt mà vẫn có thể hiểu phim. Quan trọng nhất là sitcom đáp ứng nhu cầu giải trí, vì khai thác triệt để tiếng cười. Thời lượng ngắn của sitcom cũng giúp nhà đài dễ dàng chen giữa các chương trình dài để “ăn theo” rating.
“Ăn” nhiều cũng ngán
Cũng như game show, việc sitcom xuất hiện tràn lan khiến người xem không còn hào hứng đón nhận như trước nữa. Lượng phim nhiều, nhưng đề tài khai thác đa số chỉ quanh đi quẩn lại chuyện công sở, gia đình, hàng xóm. Tình huống gây cười – yếu tố quan trọng của sitcom – vì vậy dễ bị lặp lại. Đối tượng phản ánh chưa mở rộng mà chủ yếu xoay quanh giới trẻ. Dàn diễn viên chuộng dùng trai xinh gái đẹp, nhưng đa phần những gương mặt này ít có kinh nghiệm diễn xuất.
Phim Phụ nữ là số 1
Bối cảnh đơn điệu chỉ diễn ra trong nhà, văn phòng để tiện thu âm trực tiếp. Với người trong cuộc, sitcom ngày nay khó thu hút người xem nhiều như trước. Đạo diễn Văn Công Viễn – người được mệnh danh là “phù thủy sitcom” vì có nhiều sản phẩm sitcom ăn khách như Tiệm bánh hoàng tử bé – cho rằng: “Hiện có quá nhiều nội dung được sản xuất, và không rõ thể loại gì. Cứ làm xong thì gán nó là phim sitcom. Một phim sitcom không chuẩn sẽ đương nhiên nhàm chán và kém chất lượng. Bản chất của sitcom là situation – comedy, tức phim có tình huống khai thác hài hước. Đa phần là các tiểu phẩm hài thiếu chất phim ảnh. Đề tài bị lạm dụng khai thác và làm không tới, nên bị lê thê và không chạm mức cảm xúc chuẩn. Các đề tài bị khai thác nhiều, nhưng không đủ sâu và hấp dẫn”.
Tuy vậy, anh khẳng định: “Sitcom vẫn có thể bùng nổ, nhưng phải đặt yếu tố chất lượng phim lên hàng đầu thì mới hy vọng tốt lên. Thuận lợi của thể loại này là có nhiều nền tảng để phát nội dung, nên dễ dàng tiếp cận nhanh chóng với người xem”.
Gần 20 năm du nhập vào Việt Nam, sitcom Việt đã có một thời huy hoàng với những cơn sốt như Lẵng hoa tình yêu, Dù gió có thổi, Bộ tứ 10A8, Cô gái xấu xí, Tiệm bánh hoàng tử bé, Gia đình là số 1… Sitcom cũng trở thành bệ phóng tên tuổi cho nhiều gương mặt đạo diễn, diễn viên như diễn viên Phi Thanh Vân (Cô gái xấu xí), Chi Pu (5S Online), Diệu Nhi (Chiến dịch chống ế), đạo diễn Nam Cito, Văn Công Viễn. Nhưng lẽ thường, món ngon ăn nhiều cũng ngán. Sitcom Việt về sau tiến bộ hơn ở chỗ không còn phải mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa như thời kỳ đầu, nhưng chất lượng dần nhạt nhòa, khó còn tạo ra hiện tượng đình đám trên màn ảnh nhỏ như xưa.
Ở thời đại 4.0, sự lên ngôi của nền tảng trực tuyến hiện nay đã khiến đòi hỏi của người xem ngày càng cao, dù chỉ là giải trí. Điều này đặt ra cho các nhà làm sitcom Việt nhiều thách thức hơn, để không chỉ thỏa mãn khán giả trong nước, mà tác phẩm còn phải tiệm cận với chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, có lẽ cần trông chờ vào sự “ra tay” của những đơn vị sản xuất lớn, giàu kinh nghiệm. Sự tiên phong của BHD trong việc làm sitcom chiếu cùng lúc trên ba nền tảng mạng liệu có là cú mở đường suôn sẻ cho nhiều dự án khác, của các đơn vị khác hay không, phải chờ thêm thời gian mới rõ.
Theo Hương Nhu/PNO
Bình luận (0)