Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

TP.HCM phải quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Ổ dịch tại nhóm truyền giáo Phục Hưng (Q. Gò Vấp) có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong các ổ dịch của TP.HCM. Mức độ lây nhiễm đang theo cấp số nhân, đòi hỏi TP phải xác định làm quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch nếu không sẽ khó kiểm soát.


Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, diễn ra sáng 1-6 (Ảnh: TTBC)

Vấn đề này được ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM với các sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức, diễn ra sáng 1-6.

Ông Nguyễn Thanh Long đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM thời gian qua rất tốt. Tuy nhiên, hiện TP.HCM có điểm nóng dịch bệnh tại nhóm truyền giáo Phục Hưng (Q. Gò Vấp). Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong các ổ dịch của TP.HCM. Mức độ lây nhiễm đang diễn ra theo cấp số nhân, chỉ trong vòng 2-3 ngày, thậm chí nhanh hơn, cực kỳ nguy hiểm.

Thời gian tới, TP có thể xuất hiện thêm các ổ dịch, các ca bệnh khác mà chúng ta không thể biết, cho nên TP.HCM phải xác định làm quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, nếu không sẽ khó kiểm soát. Đặc biệt nguy cơ xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) là rất lớn. Với hơn 1,6 triệu công nhân, đây là những nơi tập trung đông người, khó thực hiện giãn cách, môi trường làm việc luôn khép kín, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn, đòi hỏi phải tập trung cao độ, bảo vệ chặt chẽ và thực hiện phòng, chống dịch mạnh mẽ hơn.

“TP phải tăng tốc về mặt y tế, đưa ra các mức độ cụ thể. Tùy vào thực tiễn từng địa phương để có thể nâng lên mức độ phòng, chống cao hơn để tránh bỏ sót nguồn lây. Phải truy vết triệt để, càng sớm càng đỡ gánh nặng. Nếu không kiểm soát được sẽ có thể khủng hoảng. Phải thực hiện giãn cách tại các KCN-KCX, ngay cả khu nhà ở công nhân. Yêu cầu công nhân đi làm về nên ở trong nhà, nếu không sẽ lây lan ngay trong khu nhà trọ. KCN-KCX nào không đảm bảo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch nên cho dừng sản xuất ngay”, ông Long nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đang xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm, gồm ổ dịch tại Hà Nam, ổ dịch trong công ty quận 3, ổ dịch tại quán bánh canh ở quận 3 và điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Lo ngại nhất là điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, tính đến chiều 31-5, chuỗi bệnh này đã có 200 ca lây nhiễm khác, rải khắp 20 quận, huyện và một số tỉnh thành khác. Riêng quận 11 và huyện Cần Giờ của TP chưa phát hiện ca nhiễm nhưng không thể chắc chắn là không có.

Hiện TP đang tập trung giải quyết việc lấy mẫu xét nghiệm, trước mắt tập trung vào các đơn vị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mà có thành viên của nhóm truyền giáo Phục Hưng tham gia bầu cử. Ông Phong khẳng định TP vẫn đang trong tầm kiểm soát dịch bệnh nhưng thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh rải rác từ chùm lây trong cộng đồng. Do đó, bên cạnh thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, TP sẽ tiếp tục quyết liệt truy vết liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Về vấn đề vắc xin, ông Phong cho biết đang mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu. TP.HCM có 7,2 triệu người trên 18 tuổi, nhưng theo Nghị quyết 21 thì đối tượng được tiêm mới đạt 1,6 triệu  người, cho thấy nhu cầu tiêm còn rất cao.

Trên cơ sở này, ông Phong kiến nghị Bộ Y tế phải tính toán chặt chẽ từ nguồn  nhập cho đến chất lượng vắc xin. TP.HCM sẽ có phương thức thanh toán vắc xin để giải quyết nhu cầu nhưng Chính phủ cần có cơ chế, Bộ Y tế phải kiểm định đầy đủ các loại và chất lượng vắc xin. “Hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện quy định 5K thôi chưa đủ mà phải tiêm cả vắc xin và  phải có sự chủ động nguồn vắc xin”, ông Phong nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP, các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đó là quận Gò Vấp, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình. Đây là nhóm địa phương có dân số và mật độ dân số cao của TP, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.

Bên cạnh đó, một số ổ dịch là cơ sở lao động, có nhiều ca bệnh phát sinh từ người trực tiếp sinh hoạt trong nhóm truyền giáo này gồm: Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, quận Tân Bình với 34 ca; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, quận Tân Phú với 9 ca; Mầm non Kid Town, quận 12 với 6 ca; Tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ quận Phú Nhuận với 4 ca; Công ty Concentrix trong Công viên phần mềm Quang Trung với 4 ca; Cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend 104 Phổ Quang, quận Tân Bình và trụ sở Bùi Thị Xuân quận 1 với 5 ca; Tòa nhà Công ty trên đường Nguyễn Du với 2 ca.

TP cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 KCN Tân Bình, Tây Bắc Củ Chi, Vĩnh Lộc – Hóc Môn. Tối ngày 30-5 có 1 trường hợp được phát hiện dương tính tại Long An, nhân viên này làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Như vậy, ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao, đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh…

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)