Không có đường tắt để khởi nghiệp nhanh thành công, nhưng nếu biết chọn đúng cái mình mạnh để khởi nghiệp, người trẻ sẽ không phải trả giá bằng quá nhiều thời gian lẫn thất bại…
Ông Bùi Thế Bảo (sáng lập Ứng dụng thu mua ve chai công nghệ VECA, bìa trái) đang truyền tải kinh nghiệm khởi nghiệp đến các em sinh viên, bên cạnh là bà Tôn Nữ Xuân Quyên (sáng lập Bút ngọc trai BLUSAIGON)
Trong những người khởi nghiệp thành công hôm nay, có những người đã phải “chi đổi” bằng 7-8 năm đằng đẵng cho việc khởi nghiệp vào lĩnh vực không phải là thế mạnh. Và đó là những bài học tuy cay đắng mà giá trị được các nhà khởi nghiệp gửi gắm đến sinh viên.
Không đúng thế mạnh, 7 năm làm không công
Trong chương trình trực tuyến với chủ đề “Câu chuyện khởi nghiệp” được Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức mới đây, bà Tôn Nữ Xuân Quyên (Giám đốc điều hành và sáng lập Bút ngọc trai BLUSAIGON) nhắn nhủ với sinh viên, việc tìm ra được điều mình thích, cái mình giỏi và cái xã hội cần là điều rất khó nhưng lại cần thiết cho con đường khởi nghiệp. Không đâu xa, bà Quyên dẫn chứng câu chuyện của chính mình, từng đi du học và tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau một năm ra trường rồi đi làm tại một doanh nghiệp, bà Quyên bước vào khởi nghiệp với sản phẩm cơm kẹp; tuy nhiên, vì chọn một lĩnh vực không phải thế mạnh của bản thân nên bà đã trải qua 7 năm xem như làm… không công, thậm chí còn thua lỗ.
Tuy duy trì được trong vòng 7 năm với thành quả đưa cơm kẹp vào cửa hàng tiện lợi, sân bay, siêu thị…, nhưng do sản phẩm không đủ lực để có thể vươn xa hơn trên thị trường nên tới năm 2018, bà Quyên đã phải ngậm ngùi chuyển nhượng lại. Và dù sản phẩm sau khi chuyển nhượng lại vẫn tiếp tục được phát triển lên, nhưng bà Quyên nhìn nhận đây là thất bại rất “cay đắng” trong hành trình khởi nghiệp của mình. Vì sản phẩm được đưa vào thị trường nhưng lại bán dưới giá vốn và có thể coi như 7 năm làm… không công, thua lỗ. Cái được duy nhất mà bà Quyên nhận lại chính là những kinh nghiệm đắt giá trong 7 năm khởi nghiệp đã qua. “Tới đầu năm 2019, tôi mới bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm mình có thế mạnh, đó là sản phẩm bút ngọc trai, nút áo ngọc trai. Đây là lĩnh vực mà gia đình tôi có truyền thống làm 25 năm nên bản thân tôi khá am hiểu. Từ vỏ ngọc trai, chúng tôi phát triển, sản xuất ra nhiều sản phẩm khác như: Bút ngọc trai, trang sức, ốp tường, làm tranh… Phải sau 7 năm, tôi mới nhận ra được đây là lĩnh vực mình mạnh, mình thích mà sát với nhu cầu xã hội” – bà Quyên thổ lộ.
“Khởi nghiệp là con đường theo đuổi lâu dài, nếu thất bại thì làm lại. Và cũng chưa thấy con đường tắt nào để khởi nghiệp nhanh chóng thành công; chỉ có việc gầy dựng thật nhiều kiến thức, làm đi làm lại nhiều lần, trải qua thất bại nhiều lần như vậy cho tới khi nào mình làm tốt vấn đề đó hơn người khác”, bà Tôn Nữ Xuân Quyên (Giám đốc điều hành và sáng lập Bút ngọc trai BLUSAIGON) cho biết. |
Trễ hơn, sau khi đã có một khoảng thời gian dài làm thu mua và tái chế giấy ở một công ty, ông Bùi Thế Bảo (người sáng lập Ứng dụng thu mua ve chai công nghệ VECA) mới bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2018 với ý nghĩ bản thân mạnh nhất cái gì sẽ làm cái đó. Ông Bảo nhìn nhận, khởi nghiệp liên quan đến 3 yếu tố: Cái thị trường cần, cái mà người khởi nghiệp mạnh và cái mà họ yêu thích nhất. Từ đây ông xây dựng ý tưởng khởi nghiệp với lĩnh vực mình vốn có kinh nghiệm nhiều năm là tái chế giấy. Ông Bảo cho rằng, hằng năm thị trường trong đó có bao bì về giấy và nhựa, người Việt Nam tiêu tốn một số lượng cực kỳ lớn. Hiện tại, chỉ khoảng 4% lượng giấy được thu hồi, còn phần nhựa được thu hồi khoảng 27%. Phần không được thu hồi có thể gây ảnh hưởng môi trường, trong khi đó nhu cầu nguyên vật liệu lại rất lớn, buộc phải nhập về. Chưa kể, kênh kết nối giúp người dân mua – bán phế liệu chưa được phổ biến. Ứng dụng thu mua ve chai được ông lập ra là công cụ kết nối người mua và bán, nhằm rút ngắn quãng đường thu gom ve chai và thông qua công nghệ, tăng tính chuyên nghiệp ở nghề ve chai. Với câu chuyện của mình, ông Bảo cũng hướng sinh viên vào việc khởi nghiệp với những gì gần gũi, đã có thời gian tiếp cận tìm hiểu và là thế mạnh.
Khởi nghiệp không có… đường tắt
Trả lời câu hỏi của sinh viên: Người khởi nghiệp cần gì để dù gặp thất bại vẫn kiên trì bám trụ con đường này một cách lâu dài, bà Quyên nhắc đến từ khóa quan trọng “không bỏ cuộc”. Theo bà Quyên, khởi nghiệp là con đường theo đuổi lâu dài, nếu thất bại thì làm lại. Và cũng chưa thấy con đường tắt nào để khởi nghiệp nhanh chóng thành công; chỉ có việc gầy dựng thật nhiều kiến thức, làm đi làm lại nhiều lần, trải qua thất bại nhiều lần như vậy cho tới khi nào mình làm tốt vấn đề đó hơn người khác. “Nếu cho tôi bắt đầu lại, tôi sẽ chọn làm việc nhiều hơn ở một công ty rồi mới khởi nghiệp, vì như vậy dù có thất bại, mình chỉ phải chịu “mất mát” thời gian thôi, chứ không phải chịu mất sạch về vốn, về tiền bạc để có được bài học kinh nghiệm” – bà Quyên chia sẻ. Theo bà Quyên, một số sinh viên mới ra trường có thể mong muốn làm ở một công ty lớn, nhưng làm ở đó các em sẽ học được chủ yếu về các mối quan hệ. Còn khi lao vào một công ty khởi nghiệp, bản thân người trẻ sẽ phải tham gia giải quyết nhiều vấn đề như quản trị, phát triển thị trường, đàm phán, định hình hướng đi, thậm chí học cách xoay xở với… nợ khi làm ăn thua lỗ. Quá trình khởi nghiệp nếu chúng ta không biết về cái gì sẽ phải trả tiền thuê người làm cái đó và có thể thất bại vì cái đó. Chính vì vậy, bắt đầu với một công ty mới khởi nghiệp và có trải nghiệm với một công ty lớn là hướng thích hợp để người trẻ vững vàng hơn khi khởi nghiệp vì đã được trang bị nhiều kinh nghiệm, kỹ năng lẫn các mối quan hệ.
Cùng quan điểm, ông Bùi Thế Bảo cũng nhắn nhủ sinh viên khi ra trường nên đi làm tích lũy kinh nghiệm; dành một khoảng thời gian để lắng nghe, quan sát, nhìn nhận về xã hội; đừng quá chú tâm đến việc kiếm tiền trong hai năm đầu mà hãy chú trọng việc mình học được những gì. Khi được giao việc nhiều, hãy coi đó là cơ hội được học, được dạy và còn được trả lương. Thời gian đầu làm việc, càng gặp môi trường làm việc khắc nghiệt, người trẻ càng có cơ hội rèn luyện để thành công hơn.
Đồng sáng lập VECA, bà Đỗ Thị Minh Trang cho rằng: “Thời ĐH, thế hệ tôi gần như không được dạy hay trang bị kiến thức về khởi nghiệp. Do vậy, với kinh nghiệm của tôi, chỉ đơn giản là đi làm rồi bắt đầu khởi nghiệp. Còn hiện nay, sinh viên có nhiều điều kiện và cơ hội hơn, có thể khởi nghiệp khi các em đã đủ tự tin, sự chuẩn bị. Nếu khởi nghiệp thành công thì tốt, thất bại cũng không hẳn là xấu, vì đó là những viên gạch đầu để xây con đường tương lai về sau”.
Mê Tâm
Bình luận (0)