Dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường lao động. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng thời điểm này chủ yếu là lao động phổ thông, số lao động qua đào tạo nghề chiếm tỷ trọng rất thấp.
Người lao động tìm việc tại Sàn việc làm lưu động trong mùa dịch Covid-19 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên tổ chức mới đây
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải tạm đóng cửa. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đặc thù, doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt và hiện đang cần số lượng lớn lao động nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.
Kén việc sẽ… thất nghiệp
Ghi nhận tại các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn TP.HCM, từ đầu tháng 3-2021, nhu cầu tuyển dụng lao động các ngành nghề kỹ thuật, các ngành công nghiệp trọng yếu (chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất – cao su – nhựa; cơ khí và điện tử) giảm mạnh, nhường chỗ cho lao động phổ thông ở các ngành thương mại, dịch vụ, sản xuất quy mô nhỏ… Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết trong số hàng trăm vị trí cần người tập trung chủ yếu là lao động phổ thông như công nhân may mặc, thủ kho, nhân viên bảo vệ, lái xe… Chỉ số ít là lao động kỹ thuật như nhân viên vận hành máy, thợ cơ khí, chế tạo khuôn mẫu, bảo trì điện, kỹ sư xây dựng… Theo tìm hiểu của chúng tôi, các vị trí lao động kỹ thuật cần tuyển yêu cầu khá đơn giản, cụ thể là chỉ cần chứng chỉ sơ cấp nghề, có ít nhất một năm làm công việc có liên quan. Các đơn vị tuyển dụng cũng chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở sản xuất và kinh doanh nhỏ lẻ của gia đình. Ông Trần Nam Thắng (Phó Giám đốc Công ty Bao bì và Cơ khí Phương Nam, TP.HCM) khẳng định, người lao động sẽ không thiếu việc làm nếu đừng quá kén chọn. “Trước tình hình khó khăn chung, tìm việc trong thời điểm này không đơn giản, tuy nhiên nếu so đo, tính toán thu nhập giữa công ty cũ và mới thì người lao động sẽ thất nghiệp hoài. Hiện tại, các vị trí lao động phổ thông lương thấp lắm cũng 6-8 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này không cao nhưng cũng đủ trang trải trong thời điểm khó khăn này”, ông Thắng cho biết.
Khảo sát tại trang www.vieclamhcm.net, cho thấy cung luôn lớn hơn cầu, trong đó người cần việc tập trung vào các ngành nghề như quản trị văn phòng, thu ngân, hóa chất, sinh học, luật, kinh doanh quản lý, thực phẩm, kế toán kiểm toán, công nghệ thông tin… Tương tự, tại trang www.sieuthivieclam.net, vị trí lao động phổ thông cần tuyển dụng chiếm tỷ lệ lớn như công nhân may và ghép bạt, may da giày, chế biến thực phẩm, chăm sóc khách hàng điện lạnh, làm hàng mỹ nghệ, mộc sơn, sắt… Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề kỹ thuật như cơ khí – cơ khí chế tạo, điện công nghiệp, kỹ sư xây dựng… lại rất ít.
Đào tạo nghề để chuyển đổi công việc
Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, từ tháng 5-2021 trở đi, trung bình cả nước có từ 70 ngàn – 80 ngàn lao động mất việc/tháng quay trở lại thị trường lao động. Dự báo thị trường lao động quý 3 sẽ đạt mức khoảng 55,4 triệu người, tương đương quý 1-2021. |
Ông Nguyễn Văn Hoàng (Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty TNHH Thiên Hoàng, TP.HCM) cho biết thực tế trong mùa dịch, doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt với tình trạng lao động nhảy việc do giảm lương, ít việc. Để tránh bị động, theo kế hoạch, trong tháng 6 này, công ty sẽ tuyển thêm khoảng 100 lao động, chủ yếu là các vị trí lái xe, lái xe nâng, thủ kho, giao hàng và bán hàng. Mức lương tùy vị trí cũng như khu vực, tuy nhiên cũng thuộc loại khá, dao động từ 8-13 triệu đồng/tháng. Ngoài chế độ chính sách do Nhà nước quy định, người lao động còn được hưởng nhiều ưu đãi từ công ty nhằm mục đích giữ chân người lao động. Trong khi đó, bà Nguyễn Đỗ Thanh Nga (chuyên gia việc làm) cho rằng dịch Covid-19 tác động rất lớn đến thị trường lao động trong nước. Theo đó, phân khúc thị trường dành cho lao động có trình độ CĐ-ĐH giảm mạnh và tăng nhu cầu lao động trình độ TC, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. “Theo khảo sát, trong số lao động trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng, có gần 30% lao động bị mất việc đã quay trở lại thị trường lao động. Trước khó khăn, người lao động chấp nhận làm việc ở môi trường mới với mức lương thấp hơn để đảm bảo ổn định cuộc sống”, bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, trước tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, phức tạp thì những khóa học nghề ngắn hạn từ 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm cho người lao động là cần thiết. Đây là điều kiện, là cơ hội để người lao động có thể thích nghi, đáp ứng yêu cầu công việc mới trước tác động của thị trường lao động. Các ngành nghề đào tạo phải phù hợp với xu hướng, dự báo của thị trường lao động để tránh tình trạng thất nghiệp. Việc làm này cần có sự phối hợp, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo để người lao động được đào tạo nghề miễn phí, đủ điều kiện chuyển đổi công việc.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)