Tại Học viện Cán bộ TP.HCM vừa diễn ra Hội thảo quốc tế phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo đó, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP.HCM trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị; đồng thời làm rõ hơn vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng trong hoạt động giám sát của nhân dân.
HĐND TP.HCM giám sát việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025 đối với UBND TP
Giám sát góp phần tạo chuyển biến trong thực thi pháp luật
Theo ông Lê Minh Đức – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, ngoài trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định, HĐND TP.HCM còn thực hiện chức năng giám sát các hoạt động của địa phương theo luật định. Có thể nói, giám sát là hoạt động quan trọng, nhất là trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận và phường. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động giám sát của HĐND TP đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật và thực hiện các nghị quyết với nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động tập trung vào giám sát tại kỳ họp; giữa hai kỳ họp; việc triển khai thực hiện các nghị quyết; giám sát thông qua mở rộng kênh tiếp nhận thông tin, tăng cường cơ chế đối thoại với cử tri.
“Từ khi thành lập tổ công tác rà soát kết quả thực hiện các nghị quyết, các ban của HĐND TP đã tổ chức 17 cuộc giám sát, 27 cuộc khảo sát và nhiều buổi làm việc với các cơ quan, địa phương liên quan để rà soát tiến độ, kết quả thực hiện đối với 35 nghị quyết của HĐND TP đã ban hành”, ông Đức thông tin.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP – cho rằng, TP.HCM đang triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên việc tăng cường hoạt động giám sát của mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội, nhất là ở quận, phường – những nơi không tổ chức HĐND trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước – là hết sức cần thiết. Đồng thời, TP cũng là nơi được thực hiện thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cũng như đang tích cực khuyến khích tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ, công chức. Trong bối cảnh chính sách pháp luật còn chung chung, chồng chéo và xung đột, quá trình thực hiện hoạt động giám sát sẽ giúp phát hiện ra những bất cập; từ đó có những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn cũng như phòng ngừa sai phạm, giúp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển nhanh và bền vững để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
“Nội dung giám sát cần tập trung việc lãnh đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và phải xuất phát từ lợi ích của người dân”, bà Thảo góp ý.
Tăng cường đại diện của nhân dân vào kiểm tra, giám sát
Tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, để công tác kiểm tra, giám sát trở thành kênh thực hiện quyền dân chủ của nhân dân cần có những giải pháp đồng bộ và chiến lược. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường cơ chế đại diện của nhân dân vào kiểm tra, giám sát thông qua các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là các cơ quan kiểm tra của cấp ủy Đảng, thanh tra của Nhà nước…
“Tất cả quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước. Mục đích của hoạt động đó nhằm bảo đảm cán bộ, công chức, các cơ quan Nhà nước thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao”, ThS. Lưu Thúy Hiền – Trường chính trị tỉnh Đồng Tháp – nói.
Giám sát của nhân dân góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt hơn Tham dự hội thảo, bà Viengphone Keokhunsi – Hiệu trưởng Trường Chính trị – Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) – nhấn mạnh, một trong những nội dung quan trọng để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Thực tiễn trong quá trình hoạt động của hệ thống chính trị ở cả Việt Nam và Lào trong những năm qua cho thấy tầm quan trọng đặc biệt trong việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là một việc làm không chỉ có ý nghĩa trong việc thực hiện thành công các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn là điều kiện quan trọng để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp. |
Theo TS. Trần Thị Hà Vân – Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phát huy dân chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Trong đó, quyền giám sát là một con đường để thực hiện dân chủ, một công cụ hiệu quả để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
“Phát huy vai trò giám sát của nhân dân là một hoạt động quan trọng góp phần cùng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước nhằm phát hiện và đấu tranh với những việc làm trái quy định, những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước của cá nhân và tổ chức. Cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền được giám sát; công khai, minh bạch để dân biết; hoàn thiện cơ chế để dân giám sát. Cấp ủy lãnh đạo đơn vị tổ chức hoạt động đối thoại để nắm và giải quyết kịp thời những vấn đề dân phản ánh, kiến nghị”, bà Vân góp ý.
Nhằm phát huy vai trò giám sát của nhân dân, TS. Đặng Trí Thủ – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Cà Mau – cho rằng, phải có cơ chế để nhân dân dám nói. Bởi, nhân dân là lực lượng đông đảo, rộng khắp các địa bàn. Thực tế cho thấy, phần lớn những sai phạm là do nhân dân phát hiện tố giác. Tuy nhiên nhân dân rất ngại góp ý bằng hình thức trực tiếp tại các cuộc họp, các buổi gặp gỡ của chính quyền với nhân dân. Vì vậy, cần để nhân dân góp ý qua hộp thư điện tử, viết thư tay. Hơn nữa, phải có cơ chế bảo vệ người dám nói…
Minh Phương
Bình luận (0)