Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công chức và nhân dân, trong sắp xếp đơn vị hành chính

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 13-3-2024, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 TP. Cần Thơ tổ chức cuộc họp về công tác triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố.


Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng BCĐ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 TP. Cần Thơ, phát biểu chỉ đạo

Theo đề án, TP. Cần Thơ có 4 phường gồm: An Cư, An Phú, An Nghiệp và Thới Bình thuộc quận Ninh Kiều thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 theo quy định. Phương án sắp xếp là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 phường trên để thành lập đơn vị hành chính phường mới, dự kiến đặt tên là phường Thới Bình. Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề gồm các phường: An Hòa, Cái Khế, Tân An và Xuân Khánh. Sau khi thực hiện sắp xếp, toàn TP. Cần Thơ có 80 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 xã, 39 phường và 5 thị trấn. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 3 đơn vị hành chính (gồm 3 phường).

Phường Thới Bình sau khi thành lập có 1,99 km² diện tích tự nhiên (đạt tỷ lệ 36,11%) và quy mô dân số 56.364 người (đạt tỷ lệ 375,76%).  Như vậy sau sắp xếp, Thới Bình  đảm bảo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính (ĐVHC) theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 quy định.


Quang cảnh cuộc họp

Ông Châu Việt Tha – Giám đốc Sở Nội vụ TP. Cần Thơ cho rằng, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 có ý nghĩa cấp thiết, nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo theo quy định của Trung ương, phù hợp thực tiễn, xu thế phát triển chung của cả nước. Việc sắp xếp, sáp nhập 4 phường để thành lập một phường mới giúp tăng thêm nguồn lực về đất đai, nhân lực… Đơn vị hành chính mới thành lập có điều kiện để phát triển thành một trung tâm kinh tế, xã hội của quận Ninh Kiều nói riêng và của TP. Cần Thơ nói chung.

Đối với phương án bố trí nhân sự dôi dư sau sắp xếp, theo ông Châu Việt Tha,  trên cơ sở phương án bố trí số lượng cán bộ, công chức (CB-CC) và người hoạt động không chuyên trách sau sáp nhập, có hơn 100 nhân sự thuộc diện dôi dư. Trong đó có 58 cán bộ, công chức phường và 42 người hoạt động không chuyên trách của các phường (không bao gồm lực lượng công an, y tế phường)…Ông Tha cho biết thêm: Do phường Thới Bình sau sáp nhập có hơn 56.300 dân nên số  biên chế CB-CC của phường cũng sẽ được tăng phù hợp qui mô dân số theo Nghị định 33/2023 – CP của Chính phủ.


Ông Châu Việt Tha – Giám đốc Sở Nội vụ TP. Cần Thơ trình bày ý nghĩa của việc sắp xếp 4 phường thuộc quận  Ninh Kiều

Về vấn đề nhân sự, Sở Nội vụ dự kiến, trường hợp cán bộ dôi dư  (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND và trưởng các đoàn thể chính trị – xã hội): Địa phương căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định để chọn, bầu giữ các chức vụ lãnh đạo ở phường mới, số cán bộ  dôi dư thực hiện cho bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ theo quy định. Điều động, bố trí giữ các vị trí phù hợp với trình độ chuyên môn, chức danh ở các đơn vị khác cùng cấp còn khuyết nhân sự; xét chuyển thành công chức cấp huyện trở lên đối với các trường hợp đủ điều kiện để bố trí vào các vị trí còn khuyết tại quận/huyện, sở/ngành.

Với công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách lớn tuổi, chưa đạt chuẩn, ông Tha cho rằng: Địa phương vận động tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân và thực hiện chính sách tinh giản biên chế  với nhân sự dôi dư theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP.

Về khó khăn đối với người dân thuộc các phường sáp nhập, trong thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi các loại giấy tờ, Ban chỉ đạo thành phố sẽ kiến nghị với quận Ninh Kiều tạo điều kiện thuận lợi và nhanh nhất, kể cả không thu phí, khi bà con liên hệ để điều chỉnh các loại giấy tờ theo quy định.


Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Ninh Kiều, trình bày công tác chuẩn bị sáp nhập 4 phường của quận

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng BCĐ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 TP. Cần Thơ, khẳng định công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng và giao Sở Nội vụ khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện dự thảo đề án trình UBND thành phố ký ban hành để tổ chức lấy ý kiến cử tri theo quy định. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND quận Ninh Kiều tăng cường thông tin, tuyên truyền thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 đến các cơ quan, đội ngũ CB-CC, người lao động và nhân dân trên địa bàn. UBND quận Ninh Kiều chỉ đạo UBND các phường thuộc diện sắp xếp tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án, theo quy định của pháp luật; hoàn thành trước ngày 29/3/2024: “Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Công văn số 579/BNV-CQĐP ngày 1-2-2024 và Công văn 677/BNV-CQĐP ngày 6-2-2024 giao UBND thành phố xây dựng hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 gửi Bộ Nội vụ trước ngày 30-4-2024. Việc triển khai xây dựng đề án trong bối cảnh rất khẩn trương, thời gian chỉ còn hơn 1,5 tháng để hoàn thành các nhiệm vụ. Do đó, tôi đề nghị các Thành viên BCĐ, các cơ quan, địa phương cần tăng cường chỉ đạo công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ xây dựng và gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ, Chính phủ đúng thời gian quy định” – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nhấn mạnh

Đan Phượng

Bình luận (0)